Viễn thông

Mở rộng kinh doanh đa ngành: Không thể không năng động

Thứ năm, 22/4/2010 | 11:10 GMT+7

Những kết quả ban đầu trong công tác kinh doanh viễn thông và bảo hiểm thời gian qua phần nào đã  khẳng định sự năng động và quyết tâm mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tích cực hội nhập của CBCNV Điện lực Sơn La.

Kinh doanh viễn thông – Từng bước ghi dấu ấn

Nhân viên Điện lực Sơn La giới thiệu tới khách hàng dịch vụ Viễn thông công cộng và bảo hiểm GIC
Năm 2005, Sơn La là địa điểm đầu tiên được EVN chọn làm thí điểm triển khai các dịch vụ viễn thông điện lực (VTĐL). Ông Đỗ Đức Minh - Phó Giám đốc, Trưởng Trung tâm Viễn thông Điện lực Sơn La cho biết: Ở thời điểm đó, xác định lợi thế hạ tầng, đội ngũ nhân lực trên địa bàn tỉnh, nên Điện lực Sơn La (ĐLSL) đã tự tin bước vào kinh doanh ngành nghề mới. Những kỹ sư trẻ chuyên ngành công nghệ thông tin đã được “chiêu mộ”, những cán bộ nhân viên của Điện lực có năng lực, nhiệt huyết đã được chọn đi tập huấn nghiệp vụ để bắt đầu kinh doanh viễn thông.

Với chiến dịch thâm nhập thị trường, hướng trọng tâm mở rộng thị phần tại các khu vực ven đô thị và nông thôn, cùng những chính sách hỗ trợ khách hàng như: Miễn phí hòa mạng, miễn thuê bao, tặng máy cố định không dây... Chỉ 1 năm sau, mạng VTĐL đã có mặt tại 8/11 huyện thị của tỉnh Sơn La, các dịch vụ VTĐL, đặc biệt là E-com - sản phẩm điện thoại cố định không dây với giá cước rẻ đã được người tiêu dùng chấp thuận.

Tuy nhiên, do có sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà cung cấp sản phẩm viễn thông khác, nên thời điểm 2008 và đầu năm 2009 là giai đoạn rất khó khăn của Điện lực. Khách hàng rời mạng có dấu hiệu gia tăng. Trước thách thức đó, xác định kinh doanh viễn thông là nhiệm vụ chính, ĐLSL đã không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ, chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng, quan tâm đào tạo đội ngũ nhân viên, nhằm chiếm được lòng tin vững chắc trong đại bộ phận khách hàng, gây dựng được hình ảnh, thương hiệu trên thị trường. Điểm nhấn năm 2009 là trong tháng 8, Ban Giám đốc đã quyết định mở cuộc thi: Đi tìm ý tưởng cho viễn thông “Làm thế nào để khách hàng không rời bỏ chúng ta”. Cuộc thi thực sự là cuộc “cách mạng” về tư duy. Ban giám đốc trực diện với điểm yếu của đơn vị, huy động trí tuệ tập thể để “bắt mạch, tìm bệnh nội tâm”, từ đó củng cố và phát triển VTĐL. Đó là một trong những yếu tố “cần” và “đủ” trên hành trình “kết nối sức mạnh” để ĐLSL đang và sẽ tiếp tục vượt qua chặng đường gian nan và thách thức trong kinh doanh viễn thông công cộng.

GIC Tây Bắc - Đi lên từ số không

Nói về công tác kinh doanh bảo hiểm của Điện lực Sơn La, bà Đinh Thị Thu Hương - Giám đốc Bảo hiểm Toàn Cầu khu vực Tây Bắc đã khẳng định: GIC có ngày hôm nay là nhờ sự quyết tâm của CBCNV Điện lực Sơn La. GIC khu vực Tây Bắc tiền thân là Chi nhánh Bảo hiểm Toàn Cầu Sơn La, thành lập ngày 01/02/2007. Những ngày đầu, xuất phát điểm từ con số 0, việc triển khai dịch vụ kinh doanh bảo hiểm vô cùng khó khăn, do trình độ dân trí không đồng đều, phải cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Nhận thấy lợi thế của cổ đông chính của GIC là EVN và mối quan hệ, gắn bó chặt chẽ của ĐLSL với nhân dân địa phương, lãnh đạo Công ty CP Bảo hiểm Toàn Cầu đã chủ động đề nghị ĐLSL trở thành khách hàng đầu tiên của GIC, cũng như cho phép đào tạo nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm cho toàn thể CBCNV để có thể trực tiếp làm đại lý bán một số sản phẩm bảo hiểm cho GIC Sơn La.

Khi đó Ban lãnh đạo ĐLSL đã thống nhất cao chủ trương phối hợp thực hiện, bước đầu là vận động CBCNV tham gia tập huấn về nghiệp vụ bảo hiểm, trong đó tập trung triển khai bán sản phẩm “Bảo hiểm tai nạn 24/24h cho người sử dụng điện”, một loại hình sản phẩm riêng có của GIC. Thể hiện sự nỗ lực hợp tác, Giám đốc ĐLSL đã quyết định thành lập ban chỉ đạo triển khai công tác kinh doanh bảo hiểm Toàn Cầu, chỉ đạo thống nhất tới các đơn vị trực thuộc, xác định rõ tư tưởng coi việc kinh doanh bảo hiểm cũng là nhiệm vụ chính của CBCNV, kết quả  được đánh giá cộng điểm xét điểm thi đua cuối năm. Quan điểm của Giám đốc ĐLSL về việc phối hợp làm bảo hiểm không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận mà khi CBCNV tham gia kinh doanh viễn thông cũng như bảo hiểm sẽ dần dần thích ứng và điều chỉnh được văn hóa ứng xử, phong cách phục vụ khách hàng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ - điều  từ trước tới nay chưa được thực sư đẩy mạnh đối với đơn vị có sản phẩm độc quyền tự nhiên.

Từ chủ trương đến hành động, ĐLSL và GIC đã phối hợp chặt chẽ chú trọng khai thác các sản phẩm bán lẻ, mở rộng thị phần bảo hiểm thông qua xã hội hóa công tác bảo hiểm đến người dân vùng sâu, vùng xa. Cùng với việc đưa điện sáng, điện thoại không dây cước phí phù hợp với người dân có thu nhập thấp, đến nay ngành Điện còn đưa sản phẩm bảo hiểm với mức phí thấp, phù hợp với thu nhập của  đồng bào các dân tộc vùng sâu sâu, vùng xa, góp phần bảo vệ cho người dân khi không may bị rủi ro hoặc tai nạn.

Từ những nỗ lực trên, năm 2009 mặc dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng lại là năm thành công nhất của GIC Tây Bắc từ khi thành lập. Các sản phẩm bảo hiểm được CBCNV ĐLSL khai thác đã mở rộng hơn, công tác phối hợp tác nghiệp với GIC Tây Bắc ngày càng hiệu quả, để phục vụ khách hàng tốt hơn. Qua việc tham gia bán bảo hiểm, khả năng giao tiếp của CBCNV ĐLSL đã được cải thiện rất rõ nét. Việc phân phối sản phẩm bảo hiểm đã trở thành thói quen của mỗi CBCNV. Cũng từ việc triển khai thí điểm tại ĐLSL có hiệu quả, GIC Sơn La đã được đổi tên thành GIC Tây Bắc và cũng từ đó triển khai bước đầu mở rộng đến tất cả các tỉnh Tây Bắc thông qua Điện lực các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hòa Bình.

Với phương châm và mục tiêu quan trọng nhất là đa dạng hóa ngành nghề trên cơ sở tận dụng hiệu quả lợi thế sẵn có, tích cực hợp tác, không ngừng chăm lo cho quyền lợi của khách hàng sử dụng điện cũng như dịch vụ viễn thông, bảo hiểm, cánh cửa hội nhập đang rộng mở để mỗi CBCNV Điện lực Sơn La tự tin bước ra thương trường.

Năm 2008 và 2009, Điện lực Sơn La đạt giải nhất kinh doanh viễn thông trong phong trào thi đua Kinh doanh viễn thông công cộng toàn Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

Năm 2009, GIC Tây Bắc đạt doanh thu trên 17 tỷ đồng, trong đó ĐLSL đã khai thác trên 6 tỷ đồng. 

Theo: Tạp chí Điện lực Số 3/2010