Sự kiện

Mua điện qua trung gian sẽ được giải quyết như thế nào?

Thứ năm, 19/3/2009 | 14:52 GMT+7

Những thiệt hại của người nông dân do mua điện qua trung gian, cai thầu, HXT…sẽ được giải quyết như thế nào?  chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Chuyền – Phó trưởng ban Kinh doanh và điện nông thôn (Tập đoàn điện lực VN – EVN).


Trước 31-8-2009 các HTX điện ở nông thôn phải chuyển đổi phương thức hoạt động

Ông Chuyền nói: Nhằm giúp các hộ dân nông thôn được hưởng giá điện ưu đãi của Chính phủ, không qua khâu trung gian, EVN đang triển khai chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp để bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn trên cở sở tự nguyện, đồng thuận giữa EVN, địa phương và nhân dân. Dự kiến chương trình này sẽ hoàn thành vào năm 2010. 

* Với chính sách giá điện mới ban hành, việc bán điện trực tiếp tới hộ nông dân ở nông thôn sẽ như thế nào, thưa ông? 

Chính phủ quy định áp dụng thống nhất biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang trong toàn quốc, không phân biệt khu vực nông thôn hay thành thị. Tại khu vực nông thôn, các tổ chức quản lý kinh doanh điện (EVN) sẽ mua buôn điện năng theo giá bán buôn bậc thang, với mức giá ở từng bậc thang được giảm trừ từ 25 -30% so với giá bán lẻ của bậc thang đó.

EVN đang tiếp tục triển khai 4 dự án quy mô lớn vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) 370 triệu USD và gần 2.000 tỷ đồng để cấp điện cho các vùng nông thôn, miền núi. Từ tháng 6 -2008, EVN triển khai đề án tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán trực tiếp đến các hộ dân trên toàn quốc với mục tiêu tiếp nhận gần 5.000 xã với 7.4 triệu hộ dân.
Đối với các tổ chức kinh doanh điện nông thôn chưa đủ điều kiện thực hiện bán lẻ điện theo giá bậc thang, Chính phủ cho phép tạm thời áp dụng giá trần 700 đồng/kWh, đồng thời yêu cầu nếu đến ngày 1-9-2009 các tổ chức này không đủ điều kiện để kinh doanh bán lẻ điện theo giá bậc thang thì UBND cấp tỉnh chỉ đạo bàn giao cho các Công ty Điện lực thuộc EVN tiếp nhận, đầu tư nâng cấp lưới điện để bán trực tiếp đến các hộ nông thôn. Như vậy, việc bán điện trực tiếp tới các hộ dân nông thôn sẽ từng bước được hoàn thiện. 

* Nhưng ở nông thôn hiện nay nhiều người dân vẫn đang phải mua điện với giá cáo của các đầu nậu, với chính sách giá điện mới điều này liệu có được giảm thiểu?

Chắc chắn sẽ được giảm thiểu vì các tổ chức này sẽ phải chuyển đổi mô hình kinh doanh như tôi đã nói ở trên để chuyển sang bán điện theo giá bậc thang của Chính phủ. Sẽ không còn tình trạng đầu nậu tự do áp đặt giá điện và bán với giá cao sau ngày 31-8-2009, khoảng thời gian (5 tháng) Chính phủ cho phép họ chấn chỉnh hoạt động mua bán điện, nếu không muốn bị rút giấy phép.  

* Khi các tổ chức, đơn vị kinh doanh điện nông thôn phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, EVN sẽ làm gì để hỗ trợ các đơn vị này?

Đã nhiều năm nay, EVN thường xuyên phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức đào tạo chuyên môn cho cán bộ quản lý, hướng dẫn hạch toán kinh doanh điện, hỗ trợ kiểm định công tơ đối với các tổ chức quản lý điện nông thôn, nhằm giảm tổn thất điện năng, đảm bảo giá bán lẻ điện đến hộ dân nông thôn không vựơt quá giá trần của Chính phủ quy định.  

Tuy nhiên, trên thực tế ở một số nơi, do quản lý yếu kém, một số tổ chức quản lý điện nông thôn không đáp ứng được yêu cầu, nhiều hộ dân nông thôn đã không được trực tiếp hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước về giá điện, gây bức xúc trong dư luận. EVN sẽ tiếp tục các hoạt động hỗ trợ nêu trên song bản thân các tổ chức bán điện ở nông thôn cũng phải tự thay đổi, cố gắng vươn lên để kinh doanh hiệu quả, tuân thủ đúng chính sách của Nhà nước. 

"Từ năm 2010, chúng tôi sẽ nghiên cứu để áp dụng cơ chế bù giá cho các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp tiêu thụ dưới 50kWh/tháng bằng cách khấu trừ trực tiếp từ hoá đơn tiền điện hàng tháng. Như vậy, có thể nói chính sách hỗ trợ người nghèo, vùng sâu xa của Chính phủ về điện sẽ được đảm bảo" - Ông Lê Văn Chuyền.
* Nếu lưới điện của các tổ chức kinh doanh được trả về thì  EVN có đáp ứng được việc tiếp nhận và triển khai bán điện ở nông thôn không? 

Từ nay đến 31-8-2009 các tổ chức kinh doanh điện nông thôn có thời gian chuẩn bị để thực hiện theo đúng quy định về quản lý, kinh doanh và giá bán điện của Nhà nước. Sau thời gian này nếu các tổ chức quản lý điện nông thôn tại các địa phương không đáp ứng được các công ty điện lực quản lý. EVN đã chỉ đạo các công ty điện lực đã có kế hoạch để tiếp nhận.  

Đến 1-9-2009 các tổ chức kinh doanh điện địa phương không đảm bảo các yêu cầu quy định thì sẽ bàn giao lại cho các công ty điện lực. Vậy phải giải quyết số công nhân điện hiện có tại địa phương vốn được đào tạo bài bản như thế nào? 

Sau khi bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn, trước mắt, các công ty điện lực sẽ ký hợp đồng để các nhân viên quản lý điện nông thôn cũ đủ điều kiện nhận là bên làm dịch vụ bán lẻ điện năng. Vấn đề này Tập đoàn Điện lực VN đã ban hành quy chế, các công ty điện lực sẽ căn cứ vào quy chế này để xem xét thực hiện.

Theo Nông thôn Ngày nay