Sự kiện

Năm 2020: Điện hạt nhân sẽ cạnh tranh với nhiệt điện

Thứ hai, 16/11/2009 | 09:04 GMT+7

So với tính toán ban đầu, giá thành điện hạt nhân đến nay đã tăng lên gấp rưỡi. Với chi phí đầu tư đắt đỏ như vậy, việc vận hành nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam có mang lại hiệu quả kinh tế hay không vẫn còn là vấn đề đáng bàn. Mặc dù vậy, thời điểm lựa chọn đối tác để mua công nghệ đang ở giai đoạn nước rút.

Trao đổi với báo chí tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác phát triển điện hạt nhân Việt Nam - Trung Quốc ngày 15/10, ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương, cho biết: So với tính toán ban đầu, giá thành điện hạt nhân đến thời điểm này đã tăng gấp rưỡi, tới 3.500USD - 3.800USD/kW so với ước tính ban đầu chỉ từ 1.500 - 1.700USD/kW. Ngân sách để phát triển điện hạt nhân khoảng gần một tỷ USD.

Với suất đầu tư trên, một tổ máy 1.000MW điện hạt nhân sẽ có tổng vốn đầu tư lên tới 3 - 4 tỷ USD, gấp ba lần mức đầu tư nhiệt điện. Đây mới chỉ là con số dự kiến nhưng không thể phủ nhận rằng, việc gia tăng giá thành đầu tư đang là một thách thức lớn của ngành điện Việt Nam.

Đầu tư đắt đỏ như vậy nhưng các nhà quản lý khẳng định nhà máy điện hạt nhân vẫn sẽ có hiệu quả.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống Năng lượng, Viện Khoa học Năng lượng, nói, trong giai đoạn đầu phải chấp nhận giá cao vì Việt Nam phải nhập tất cả các khâu, từ nhân lực, thiết kế đến xây dựng, lắp đặt và vận hành.

Trung Quốc, một trong những đối tác chào hàng, cũng phải trải qua giai đoạn như vậy. Những năm 80, thời kỳ đầu vận hành nhà máy, giá mỗi kw điện hạt nhân khoảng 2.700 USD. Đến nay họ tự chủ được về thiết kế, xây dựng, lắp đặt và vận hành, làm chủ 80% khâu sản xuất thiết bị nên giá thành giảm.

Về phía Việt Nam, theo các nhà quản lý, nếu so với điện sử dụng nguồn than trong nước, giá thành điện hạt nhân sẽ không cạnh tranh được bởi giá than bán cho điện vẫn đang thấp hơn giá thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh chục năm tới, khi Việt Nam phải nhập than, điện hạt nhân sẽ ở trong thế cạnh tranh với nhiệt điện.

“Tới đây, nhiệt điện than chiếm tỷ trọng lớn. Cùng với đầu tư điện hạt nhân, giá điện của Việt Nam tương lai sẽ cao hơn bây giờ. Chỉ có điều, ta kiểm soát làm sao để tăng từ từ, tránh sốc cho dân. Giá điện hạt nhân trong năm 2020 sẽ không đắt hơn so với giá điện than nhập” - ông Hường khẳng định.

Ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng

Không phải cứ ai rẻ thì ta mua. Theo luật đấu thầu của Việt Nam, giá là tiêu chí tối cao. Nhưng với điện hạt nhân thì khác.

Phải xem xét quan hệ chính trị, quan hệ xã hội, kể cả văn hoá quản lý, truyền thống hợp tác, văn hoá giữa hai nước làm tiêu chí hàng đầu.

Thậm chí, nên đưa thêm tiêu chí khả năng giúp Việt Nam về vốn. Nhật Bản, Nga, Trung Quốc đều là các đối tác tiềm năng.

Theo: Công Thương