Hướng tới Đại hội đảng bộ EVN lần thứ II

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng

Thứ hai, 3/8/2015 | 15:52 GMT+7
Ngày 3-8, tại Hà Nội, Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II  nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được của nhiệm kỳ 2011-2015, đồng thời, đề ra phương hướng nhiệm vụ cho nhiệm kỳ 2015-2010.


Ảnh: PV
 
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 5 năm trong bối cảnh Chính phủ kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thắt chặt tiền tệ nên việc thu xếp vốn để đảm bảo thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng rất khó khăn, trong khi tình hình tài chính của Tập đoàn mất cân bằng lớn trong nửa đầu nhiệm kỳ; tình hình khô hạn dẫn đến thiếu hụt nguồn nước cho thủy điện; lạm phát tăng; mặt bằng lãi suất, giá nguyên vật liệu đầu vào, tỷ giá tăng cao… là những thách thức lớn trong thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư, thậm chí có thể trở thành những nguy cơ trầm trọng như: không thu xếp được nguồn vốn vay trong và ngoài nước, thiếu hụt lớn nguồn điện, thua lỗ kéo dài, mất uy tín trong quan hệ tín dụng quốc tế.
 
Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm, lãnh đạo kịp thời của Đảng, Chính phủ, EVN đã nỗ lực, phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao: Đáp ứng đủ nhu cầu điện của đất nước, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa và đời sống nhân dân, cân bằng được tài chính, sản xuất kinh doanh có lãi… Đến hết năm 2014, tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam là 33.964 MW và có dự phòng trên 20%, trong đó công suất nguồn điện do Tập đoàn sở hữu là 18.426 MW (chiếm 52,3% tổng công suất đặt hệ thống).
 

Đồng chí Dương Quang Thành- Bí thư đảng bộ, Chủ tịch HĐTV EVN báo cáo kiểm điểm BCH đảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015. Ảnh: PV
 
Năm 2015, dự kiến, kế hoạch điện thương phẩm đạt 141,8 tỷ kWh. Như vậy, tính chung cả giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm ước đạt 10,4%/năm.
 
Tổng số khách hàng mua điện trực tiếp của EVN đạt 21,48 triệu khách hàng tăng 1,45 lần so với năm 2010 (bình quân tăng 7,72%/năm). Công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng có chuyển biến tốt, chỉ số tiếp cận điện năng và các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện được cải thiện rõ rệt. Điểm bình quân đánh giá mức độ hài lòng khách hàng sử dụng điện toàn Tập đoàn tăng hàng năm và đạt 7,5/10 vào năm 2015. Thời gian phục hồi điện sau sự cố trong vòng 2 giờ; thời gian lắp đặt công tơ mới nhanh hơn thời gian quy định, đạt 83,17% so với tổng số trường hợp phát triển khách hàng mới ở đô thị và 88,61% khách hàng ở nông thôn. Chỉ tiêu tiếp cận điện năng giảm từ 155 ngày xuống còn 36 ngày. giải quyết kịp thời các nhu cầu điện đột xuất như trồng Thanh Long, phát triển nuôi tôm hộ gia đình ở một số tỉnh Tây Nam bộ, hoàn thành các công trình cấp điện cho các Tổ hợp công nghiệp có quy mô lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.
 

BCH đảng bộ EVN khóa II 2015-2020 ra mắt Đại hội. Ảnh: Việt Hà
 
Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2011-2015 của Tập đoàn là 479.620 tỷ đồng gấp 2,37 lần so với giai đoạn 2006-2010 và đạt 95,7% kế hoạch được giao theo Quyết định số 854/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, giai đoạn này, EVN đã đưa vào vận hành 34 tổ máy với tổng công suất 9.852MW, bằng 125% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh; khởi công 10 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.629 MW; hoàn thành đóng điện 865 công trình lưới điện từ 110-500kV với tổng chiều dài đường dây trên 13.360km, tổng công suất các trạm biến áp gần 61.000 MVA, đảm bảo đấu nối, truyền tải công suất phát các nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải của toàn hệ thống, đã kết nối khép kín mạch vòng 500kV tại khu kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Nam và kết nối ở cấp điện áp 500kV lưới điện Đông Nam bộ với Tây Nam bộ và khả năng cung ứng điện của lưới điện tại nhiều khu vực. 
 
Bằng việc triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí. Ban Chấp hành đã ban hành nghị quyết về tối ưu hóa chi phí nên Tập đoàn đã triển khai trong 02 năm 2013 2014, góp phần quan trọng giúp hoạt động SXKD của Tập đoàn có lãi, cơ bản giải quyết xong các khoản lỗ trong SXKD của các năm trước để lại; nâng cao năng lực tài chính, bảo toàn và phát triển vốn, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước.
 

Ban thường vụ đảng ủy EVN khóa II. Ảnh: Việt Hà

Tính chung trên cả nước, đến nay đã đạt được 99,59% số xã và 98,22% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện (vượt mục tiêu của Chính phủ là tới cuối năm 2015 đạt 98% hộ nông thôn có điện). Tỷ lệ có điện tại khu vực nông thôn các tỉnh Tây Nguyên đã đạt 99,83% về số xã và 95,8% về số hộ dân; khu vực nông thôn Tây Nam bộ là 98,85% số xã và 97,27% số hộ dân; khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc đạt 96,62% về số xã và 83,76% số hộ dân. 
 
EVN đảm nhận cung cấp điện cho 8/12 huyện đảo Vân Đồn-Quảng Ninh; Cát Hải-Hải Phòng; Lý Sơn-Quảng Ngãi; Phú Quý-Bình Thuận; Côn Đảo-Bà Rịa-Vũng Tàu; Phú Quốc, Kiên Hải-Kiên Giang. Thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 , theo chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2014 EVN đã hoàn thành các dự án cáp ngầm vượt biển để đưa điện từ đất liền ra các huyện đảo Phú Quốc, Cô Tô và Lý Sơn và đường dây trên trên không ra đảo Kiên Hải.
 

Ảnh: PV
 
Trong 5 năm, toàn Đảng bộ  đã kết nạp 714 đảng viên (đạt 143% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất), trong đó có 334 đoàn viên thanh niên chiếm tỷ lệ 47,6%. Trong nhiệm kỳ đã công nhận 629 đảng viên chính thức.
 
Đảng ủy, cấp uỷ các cấp tăng cường quản lý hồ sơ đảng viên, thông qua các đợt kiểm tra phát hiện những sai sót trong quản lý hồ sơ đảng viên để chỉ đạo bổ sung, hoàn chỉnh kịp thời. Trong 5 năm, Ban Thường vụ Đảng uỷ đã thực hiện rà soát, thẩm định 274 hồ sơ  phục vụ công tác bổ nhiệm mới cán bộ, nhân sự cấp ủy, thẩm định chính trị bổ sung 12 hồ sơ đảng viên, thẩm định chính trị 721 quần chúng kết nạp vào Đảng. 
 

Ảnh: PV
 
Giai đoạn 2015 - 2020 là thời kỳ quan trọng nhằm đưa nền kinh tế nước ta phát triển nhanh, bền vững; nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm 2015 - 2020, EVN tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, phát huy dân chủ, đoàn kết; đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, xây dựng hệ thống quản lý có năng lực quản trị doanh nghiệp cao, nâng cao năng suất, đảm bảo hoạt động có hiệu quả, trọng tâm là đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn; xây dựng hình ảnh doanh nghiệp tận tâm, thân thiện, trách nhiệm, hết lòng phục vụ khách hàng với chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.

Theo đó, đảm bảo mức tăng trưởng điện bình quân 10,5%-11%/năm (tương ứng điện thương phẩm đến năm 2020 dự kiến đạt khoảng 234-240 tỷ kWh), trong đó, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tới năm 2020 khoảng 262-270 tỷ kWh, điện sản xuất của các nhà máy điện trong EVN chiếm khoảng 35-40% tổng nhu cầu; hệ thống đường dây cấp điện áp từ 110 kV trở lên đảm bảo tiêu chí N-1; giảm tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối đến 2020 xuống còn 6,5%; sản lượng điện thương phẩm bình quân đạt 2,5 triệu kWh/CBCNV; thời gian mất điện bình quân của một khách hàng trong năm (chỉ số SAIDI) giảm xuống 400 phút; chỉ số tiếp cận điện năng giảm xuống 18 ngày và năng suất lao động bình quân hàng năm tăng từ 8%-10%; đầu tư các dự án theo Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt  nhằm đáp ứng mục tiên đến năm 2020 hầu hết các hộ dân nông thôn có điện.

Thanh Mai/Icon.com.vn