Hướng tới Đại hội đảng bộ EVN lần thứ II

Gắn biển thi đua Trạm biến áp 500/220kV Trung tâm điện lực Duyên Hải

Thứ năm, 23/7/2015 | 15:52 GMT+7
Sáng 23/7, tại xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam- SPMB (Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia) đã tổ chức Lễ gắn biển thi đua công trình “Trạm biến áp 500/220kV Trung tâm điện lực Duyên Hải”. Đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam lần thứ II, nhiệm kỳ 2015-2020, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Ông Lý Ngọc Khánh, Phó Giám đốc SPMB cho biết, Trạm biến áp 500/220kV TTĐL Duyên Hải được xây dựng trên tổng diện tích 163.165 m2 với tổng mức đầu tư 1.213 tỷ đồng, sử dụng vốn vay nước ngoài của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), vốn vay tín dụng thương mại của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, vốn của Tổng Công ty cấp hàng năm. Công trình có quy mô xây dựng mới trạm biến áp 500/220kV có công suất 900MVA, giai đoạn 1 lắp đặt 1 máy biến áp 450MVA. Dự án đã hoàn tất đóng điện và đưa vào vận hành ngày 16/7. Công trình hoàn thành đáp ứng yêu cầu giải toả toàn bộ công suất của các Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, 2 và 3 lên hệ thống điện Quốc gia.
 
Theo ông Lý Ngọc Khánh, để dự án hoàn thành tiến độ trước 1 tháng, Ban QLDA đã phối hợp với các ban ngành của địa phương tiến hành chi trả đền bù cho 84 hộ trong diện giải phóng mặt bằng với tổng số tiền hơn 31 tỷ đồng theo đúng các quy định của Chính phủ và địa phương. Vì vậy, cho đến thời điểm nghiệm thu đóng điện không có trường hợp khiếu nại thắc mắc nào. Bên cạnh đó, công tác đấu thầu cũng được triển khai đồng thời; kịp sử dụng vốn thừa của các Hiệp định tín dụng VNVIII-2 và VNXIV-2 cho các truyền tải Đồng bằng sông Cửu Long của JICA. Qua đấu thầu đã tiết kiệm hơn 103 tỷ đồng chi phí đầu tư và đã chọn được các nhà thầu uy tín, đủ năng lực là Liên danh Công ty TNHH Siemens Việt Nam – PT. Siemens Indonesia – Công ty Cổ phần Máy tính Truyền thông Điều khiển 3C, hãng TBEA; Tổng Công ty 36 – Bộ Quốc phòng; Tổng ty CP Xây dựng Điện Việt Nam; Công ty Cổ phần Kỹ thuật điện Sông Đà và Công ty TNHH Siemens Việt Nam. Đặc biệt, do tận dụng vốn của JICA nên vật tư thiết bị của dự án đã được nhập về từ rất sớm. Ban QLDA đã tổ chức tiếp nhận, sắp xếp kho bãi và bảo quản toàn bộ vật tư thiết bị an toàn, đúng quy định của nhà sản xuất. 
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Dự án trạm biến áp 500/220kV Trung tâm Điện lực (TTĐL) Duyên Hải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) do Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia làm chủ đầu tư, SPMB là đơn vị trực tiếp quản lý dự án. 
 
Theo Quy hoạch điện VII, các Nhà máy Nhiệt điện khí Ô Môn II, III và IV ở phía Nam đưa vào vận hành trong giai đoạn 2015-2016, tuy nhiên  do gặp khó khăn về nguồn cung cấp khí nên nhiều khả năng các nhà máy này chỉ xuất hiện sau năm 2023. Ngoài ra, theo Quyết định số 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh danh mục, tiến độ một số dự án điện và quy định một số chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách trong giai đoạn 2013 - 2020, Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 sẽ vận hành trong giai đoạn 2017-2018, nhưng theo tình hình thực tế thì khó có thể vận hành trước năm 2018.
 
Để giải quyết tình trạng trên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia đã chỉ đạo SPMB phải gấp rút hoàn thành dự án Trạm biến áp 500/220kV TTĐL Duyên Hải  nhằm cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng của khu vực miền Tây Nam bộ nói riêng, khu vực miền Nam nói chung trong và sau năm 2015. Ngoài công trình này, Tổng Công ty đã và đang tiếp tục triển khai các dự án lưới điện đồng bộ với Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải; trong đó có đường 500kV Duyên Hải - Mỹ Tho là dự án đồng bộ với Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3.
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Ghi nhận sự hiện diện của TTĐL Duyên Hải tại địa phương, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh: Sự ra đời của TTĐL Duyên Hải như một sự đổi đời hoàn toàn cho huyện Duyên Hải và là sự cứu cánh cho một vùng đất trước đây dân chỉ sống bằng nghề làm muối. Đây là sự "Đền ơn đáp nghĩa" cho nhân dân huyện Duyên Hải, đưa tỉnh Trà Vinh bằng "chị bằng em" với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, tại dự án này 100% dân ủng hộ công tác giải phóng mặt bằng khi triển khai. Tỉnh cũng cam kết hoàn thiện nốt các vướng mắc nảy sinh với Tập đoàn Điện lực Việt Nam khi triển khai TTĐL này.
 
Mai Phương/Icon.com.vn