Hướng tới Đại hội đảng bộ EVN lần thứ II

Xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đồng bộ, hiện đại: Giải pháp nào ?

Thứ hai, 29/6/2015 | 09:51 GMT+7
Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) lần thứ II, nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Đặng Phan Tường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVNNPT được Ban chấp hành mới tiếp tục bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Tổng công ty. PV Nguyên Long- Trang tin ngành điện ICON phỏng vấn ông Đặng Phan Tường về giải pháp nhằm đạt mục tiêu nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020 là “nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đồng bộ, hiện đại”.


BCH Đảng bộ EVNNPT nhiệm kỳ 2015- 2020. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
PV: Thưa ông, một trong những nội dung trọng tâm của nhiệm kỳ 5 năm (2010-2014) của EVNNPT phải kể đến đó là công tác đảm bảo điện, trong đó có điện cho miền Nam. Xin ông cho biết nhiệm vụ này đã được EVNNPT triển khai như thế nào trong suốt nhiệm kỳ qua ? 
 
Ông Đặng Phan Tường: Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) có 2 nhiệm vụ chính: trước hết là phải đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và thị trường điện Việt Nam; Thứ 2 là phải đảm bảo thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng để phát triển được hệ thống truyền tải điện quốc gia đảm bảo yêu cầu cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân. 
 
EVNNPT  hiện đang quản lý gần 20 nghìn km đường dây 500-220-110kV và 109 trạm biến áp 500-220-110kV. Trong suốt  nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, EVNNPT đã truyền tải được gần 540 tỷ kWh điện, tăng trưởng bình quân 10,6%/năm, góp phần đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân, đặc biệt là đảm bảo điện cho miền Nam. Có thể khẳng định, trong nhiệm kỳ vừa qua, chúng tôi đã đảm bảo công tác truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định. Trong đầu tư xây dựng, đã tập trung vào việc đầu tư các dự án để đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam. EVNNPT đã đẩy mạnh việc này từ cuối năm 2011, đầu năm 2012. Qua 3 năm thực hiện (2012-2014) cho tới nay, việc cung cấp điện cho miền Nam đã được đảm bảo. Hệ thống truyền tải điện 500kV ở khu vực miền nam đã thành một mạch vòng khép kín. Hệ thống điện của Đông Nam bộ và Tây Nam bộ cũng đã được kết nối với nhau thông qua hệ thống 500kV. Và hiện nay chúng tôi đang tiếp tục đầu tư khoảng 30 dự án nữa để đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Nam trong những năm tới.
 
PV: Thưa ông, trong nhiệm kỳ tới đây (2015-2020), EVNNPT đặt nhiệm vụ trọng tâm nào để đảm bảo điện cho đất nước ?
 
Ông Đặng Phan Tường: Phát huy những thành quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua thì nhiệm kỳ tới EVNNPT đặt ra mục tiêu trước tiên là phải phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất để xây dựng được Tổng công ty truyền tải điện quốc gia trong sạch, vững mạnh; Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đồng bộ, hiện đại; Đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và thị trường điện Việt Nam; Sử dụng hợp lý các nguồn lực để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi, bảo toàn, phát triển được nguồn vốn và có tích lũy cho đầu tư phát triển. 
 
Một mục tiêu quan trọng nữa là phải xây dựng được một mô hình tổ chức quản trị chuyên nghiệp hiệu quả cao, tham gia và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đáp ứng các cấp độ của thị trường điện; Đẩy mạnh thực hiện văn hóa doanh nghiệp; Không ngừng cải thiện điều kiện làm việc và môi trường làm việc cho CBCNV.
 
PV. Thưa ông, theo QH Điện 7, trong giai đoạn 2015-2020, có hàng trăm công trình/dự án đường dây và TBA 500-220kV, với nguồn vốn trung bình khoảng 18.000 tỷ đồng/năm. EVNNPT thu xếp nguồn vốn này như thế nào để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình theo đúng kế hoạch ?
 
Ông Đặng Phan Tường: Theo tổng sơ đồ điện 7 điều chỉnh thì trong 5 năm tới Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia phải đầu tư xây dựng một khối lượng rất lớn, khoảng 280 dự án ĐTXD với tổng số tiền khoảng 80-90 nghìn tỷ đồng. Để có được nguồn vốn lớn như vậy là hết sức khó khăn, do khả năng cho vay của các ngân hàng trong nước hiện nay còn hạn chế và đồng thời bị giới hạn bởi các chỉ tiêu, như cho vay đối với một khách hàng không quá 15%, và nhóm khách hàng là không quá 25% vốn tự có của ngân hàng. Chính vì thế, đa số các ngân hàng trong nước hiện cho EVNNPT vay đã vượt các hạn mức này. Do đó, việc tiếp tục cho EVNNPT đều phải xin phê duyệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính. 
 
Điều này bắt buộc chúng tôi, ngoài việc vay vốn trong nước thì phải tìm kiếm các nguồn vốn nước ngoài. Hiện nay, các nguồn vốn nước ngoài chúng tôi chủ yếu là vay vốn ODA đối với các tổ chức như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và một số ngân hàng khác như KFW, AFD… Ngoài ra, chúng tôi cũng tìm kiếm thêm nguồn vốn song phương và đa phương khác để đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng lớn này.
 
PV: Được biết, trong nhiệm kỳ 2015-2020 này, EVNNPT đặt mục tiêu cụ thể là “nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đồng bộ, hiện đại”. Vậy EVNNPT xác định giải pháp nào để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ này, thưa ông ?
 
Ông Đặng Phan Tường: Việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động là nhiệm vụ rất quan trọng mà chúng tôi quyết phải thực hiện cho bằng được trong 5 năm tới. Hiện nay, giá truyền tải điện còn thấp, việc tăng giá rất khó khăn. Chính vì thế bắt buộc chúng tôi phải thực hiện tối đa việc tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động để đáp ứng các yêu cầu về sản xuất kinh doanh cũng như đầu tư xây dựng.
 
Một số giải pháp quan trọng sẽ được triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ tới, tôi lấy ví dụ như áp dụng rộng rãi công nghệ điều khiển xa và dần từng bước thực hiện mô hình trạm biến áp không người trực. Việc này sẽ đồng thời giúp nâng độ an toàn, tin cậy trong công tác vận hành cũng như tiết kiệm lao động, giúp giảm chi phí, tăng năng suất lao động. Đồng thời, EVNNPT cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào công tác quản lý, vận hành. Ví dụ, sẽ thực hiện rộng rãi việc vệ sinh cách điện hotline (vệ sinh sứ nhiễm bẩn ngay cả khi các đường dây và trạm biến áp đang mang điện); Đẩy mạnh thực hiện việc vận hành, sửa chữa nóng (vận hành, sửa chữa trong điều kiện đường dây đang mang điện). Những công việc này vừa giúp tăng năng suất lao động cũng vừa hạn chế tối đa việc cắt điện. Việc cắt điện vừa ảnh hưởng tới cung cấp điện cho các hộ tiêu thụ, đồng thời sẽ gây lãng phí cho xã hội.
 
Xin trân trọng cảm ơn ông !
 
Nguyên Long/Icon.com.vn