Hướng tới Đại hội đảng bộ EVN lần thứ II

Điện về nông thôn: Hiệu quả từ chủ trương đúng

Thứ hai, 3/8/2015 | 09:45 GMT+7
Đưa điện về nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế-xã hội đồng đều giữa các vùng miền trong cả nước. Hiệu quả của chương trình điện khí hóa nông thôn và đưa điện ra biển đảo trong 5 năm gần đây (2010-2015) mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện đã minh chứng tính đúng đắn của chủ trương này. 


Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam lần thứ nhất nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng ủy Tập đoàn đã lãnh đạo tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực đầu tư đưa điện về nông thôn, hải đảo vượt kế hoạch đề ra. Tổng Giám đốc EVN Đặng Hoàng An cho biết, nhờ chú trọng đầu tư đưa điện về nông thôn, hải đảo mà đến hết năm 2014, đã có 99,59% số xã và 98,22% số hộ dân nông thôn trên cả nước được sử dụng điện, vượt mục tiêu của Chính phủ đề ra là tới cuối năm 2015 đạt 98% hộ nông thôn có điện. Tỷ lệ có điện tại khu vực nông thôn các tỉnh Tây Nguyên cũng đạt 99,83% về số xã và 95,8% về số hộ dân. Khu vực nông thôn Tây Nam bộ là 98,85% số xã và 97,27% số hộ dân. Khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc đạt 96,62% về số xã và 83,76% số hộ dân. 
 
Theo chỉ đạo của Chính phủ, thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, EVN còn hoàn thành các dự án cáp ngầm vượt biển để đưa điện từ đất liền ra các huyện đảo Phú Quốc, Cô Tô và Lý Sơn và đường dây trên không ra đảo Kiên Hải. Do vậy, cho đến nay, EVN đã đảm nhận cung cấp điện cho 8/12 huyện đảo là Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang). 
 
Ông Huỳnh Quang Hưng- Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) đánh giá: “Việc EVN hoàn thành đưa vào sử dụng công trình cáp ngầm 110kV Hà Tiên-Phú Quốc đã mở ra một giai đoạn phát triển mới cho Phú Quốc. Lưới điện trên đảo Phú Quốc đã được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, đảm bảo khả năng cung cấp điện liên tục, ổn định cho nhân dân trên đảo, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội trên đảo những năm tới, cũng như giữ vững chủ quyền biên giới, hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. 
 
Thực tế cũng cho thấy, từ khi có điện lưới quốc gia (tháng 2/2014), các nhà đầu tư đã tập trung triển khai nhiều dự án trên đảo, làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của đảo ngọc chỉ trong một thời gian ngắn. Đây sẽ là cú hích quan trọng, đưa Phú Quốc phát triển thành đặc khu kinh tế trong thời gian tới. 
 
Có điện lưới quốc gia, Lý Sơn đang có thêm động lực để phát triển kinh tế-xã hội. Bí thư huyện ủy huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ông Nguyễn Thanh cũng bày tỏ: “Trong chiến lược phát triển kinh tế biển, chúng tôi sẽ đẩy mạnh dịch vụ hậu cần nghề cá như xây dựng thêm các cơ sở chế biến thủy sản, cung cấp xăng dầu, sản xuất đá lạnh… Từ đó thúc đẩy phát triển ngư nghiệp, khai thác đánh bắt thủy hải sản trên biển. Đồng thời Lý Sơn cũng tập trung phát triển du lịch”. 
 
Song song với phát triển kinh tế biển, huyện đảo Lý Sơn còn chú trọng phát triển hai loại cây trồng truyền thống là tỏi và hành, cùng một số cây trồng xen canh khác. Năm 2015, cũng nhờ có điện lưới quốc gia về huyện đảo mà lãnh đạo huyện đã xác định đây là năm tăng tốc, thể hiện quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn quân và dân huyện nhà hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội mà Đại hội đảng bộ huyện lần thứ 5 đã đề ra. 
 
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Điện về nông thôn là yếu tố không thể thiếu trong công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn. Đặc biệt, năm 2014, khi giá bán lẻ điện cho các hộ trên đảo đã đồng nhất với giá bán lẻ điện cho các hộ trên đất liền. Hay suất đầu tư cấp điện đến từng hộ dân ở thành phố luôn thấp hơn các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…. Đó không chỉ đơn giản là nỗ lực bằng những mệnh lệnh hành chính, mà còn là những quyết sách đậm tính nhân văn. 
 
Già làng Rơ Chăm Jú, xã Ia Ka, huyện Chư Păh (Gia Lai) vui lắm. Gìa nói: “Trước đây vì không chủ động được nước tưới, bà con chủ yếu trồng cà phê mít-giống địa phương, có khả năng chịu hạn cao nhưng năng suất thấp. Từ khi có điện, bà con vui cái bụng lắm. Nhất là đã mua được máy bơm chủ động tưới, do đó mạnh dạn chuyển sang trồng cà phê Robusta có năng suất, chất lượng cao, thu nhập khá hơn. Bà con ơn Đảng, ơn Chính phủ và ơn ngành điện lắm”. 
 
Bà Vàng La Só, bản A Pa Chải 1, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Lai Châu) cũng vui không kém. Cuộc sống sinh hoạt của gia đình từ khi có điện lưới quốc gia thuận tiện hơn nhiều. Bữa tối không phải ăn sớm, được xem ti vi để học hỏi các mô hình phát triển kinh tế. Các cháu học sinh có điện sáng để học bài, không còn căng mắt ra đọc chữ dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu. “Bất cứ lúc nào có khách đến xát lúa, tôi chỉ cần cắm điện để chạy máy, vừa đỡ vất vả vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, bà Vàng La Só tâm sự. 
 
Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, giai đoạn 2009-2015, Tập đoàn cũng hoàn thành các chương trình hỗ trợ 3 huyện nghèo Tân Uyên, Than Uyên và Phong Thổ (Lai Châu), gồm Phát triển mở rộng lưới điện nông thôn; đào tạo và bố trí việc làm cho con em dân tộc; Xây dựng trường học; Xây nhà bán trú dân nuôi; Hỗ trợ xóa nhà tạm; Hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm; Mua bảo hiểm y tế cho các cháu học sinh... với tổng giá trị thực hiện 510 tỷ đồng. 
 
Không chỉ tập trung vốn đầu tư đưa điện lưới quốc gia về nông thôn, miền núi, hải đảo, EVN còn thực hiện chính sách của Chính phủ hỗ trợ cho các hộ nghèo và hộ thu nhập thấp được sử dụng điện với giá điện chỉ bằng 75% chi phí giá thành. Giá bán điện cho bơm nước tưới tiêu trong nông nghiệp cũng duy trì nhiều năm bằng khoảng 50% chi phí giá thành. 
 
Để thực hiện được trách nhiệm mà Đảng, Chính phủ giao là giữ vai trò chủ đạo trong Chương trình đưa điện về nông thôn, EVN đã từng bước vận dụng các chính sách của Nhà nước nhằm huy động các nguồn vốn trong nước; đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế tranh thủ nguồn ODA ưu đãi để có kinh phí đầu tư. 
 
“Nhờ vậy, trong 5 năm qua (2010-2015), EVN đã góp phần thực hiện công cuộc xoá đói giảm nghèo, cùng Trung ương và chính quyền địa phương giải quyết kịp thời các vấn đề kinh tế- xã hội, giữ gìn ổn định chính trị, an ninh các địa bàn trọng điểm tại 5 tỉnh Tây Nguyên, khu vực Tây Nam bộ, Tây Bắc. Riêng trên tuyến biên giới quốc gia, đến nay hầu hết các xã biên giới đã được cấp điện góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu định canh định cư, phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh khu vực biên giới”, Tổng Giám đốc EVN nhận xét. 
 
Phát huy công cuộc trường kỳ này, mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ 2015 - 2020 là hoàn thành chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo, đảm bảo đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện, góp phần xây dựng nông thôn thôn mới và hoàn thành Điện khí hoá toàn quốc. 
 
Để hoàn thành mục tiêu đầu tư phát triển điện nông thôn giai đoạn 5 năm tới, trong năm 2015, EVN sẽ hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu khả thi và đăng ký vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công 2016-2020 đối với tất cả các dự án của các tỉnh/địa phương được Chính phủ giao cho Tập đoàn thực hiện. Đồng thời bố trí đầy đủ theo tiến độ nhu cầu vốn đối ứng trong kế hoạch hàng năm và tổ chức thực hiện đúng tiến độ trong các năm tiếp theo. Mặt khác, Tập đoàn cũng yêu cầu các đơn vị trong ngành phối hợp chặt chẽ với cấp ủy và UBND các tỉnh để việc thực hiện các dự án gắn kết với các nhiệm vụ chính trị ưu tiên và giải quyết chính sách cho đồng bào dân tộc ở địa phương.
Mai Phương/Icon.com.vn