Sự kiện

Để diệt trừ tận gốc nạn trộm cắp điện

Thứ tư, 3/7/2013 | 09:46 GMT+7
Thời gian qua, dù cho phải tốn nhiều nỗ lực, công sức để thực hiện các biện pháp phòng chống nhưng tình trạng trộm cắp điện vẫn gia tăng cả về quy mô lẫn mức độ. Nguyên nhân vì sao?


Máy tạo dòng được sử dụng làm thiết bị trộm cắp điện. Ảnh: NT
Trộm cắp điện ngày càng tinh vi, thủ đoạn

Thời gian qua, để phòng chống các hành vi trộm cắp điện, EVN cùng các đơn vị trực thuộc đã thực hiện nhiều biện pháp như thường xuyên giám sát, kiểm tra việc sử dụng điện, ngăn chặn sự tác động của khách hàng vào hệ thống đo đếm, tăng cường tuyên truyền sử dụng điện, thực hiện công tác phúc tra chỉ số công tơ, theo dõi và cập nhật kịp thời những biến động của khách hàng trong từng khu vực, thành lập bộ phận chuyên trách về kiểm tra sử dụng điện.v.v..Tuy nhiên, tình trạng trộm cắp điện vẫn diễn ra hết sức phức tạp, ngày càng gia tăng cả về số vụ và giá trị tài sản trộm cắp, với nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi, rất khó nhận biết.

Có thể viện dẫn một số thủ đoạn mà các đối tượng đã sử dụng trong thời gian gần đây để trộm cắp điện: dùng nam châm vĩnh cửu loại có cường độ từ trường rất mạnh để gần công tơ làm cho bộ phận ghi chỉ số điện tiêu thủ hoạt động không chính xác, không đo đếm hoặc đo đếm ít hơn sản lượng điện năng mà khách hàng sử dụng; nới vít điện áp; đấu tắt trong, ngoài công tơ; cắt nguội trước công tơ lấy nguội ngoài; dùng thiết bị quay ngược công tơ; gắn chíp điện tử; tác động vào dây nhị thứ; dùng thiết bị diều khiển từ xa để điều khiển tác động vào hệ thống đo đếm theo ý muốn.…và vô vàn phương cách khác.

Theo phản ánh của nhiều lãnh đạo đơn vị Điện lực thuộc EVN mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, có trường hợp các đối tượng vi phạm khi bị phát hiện trộm cắp điện đối phó, phản ứng gay gắt thậm chí là manh động tấn công công nhân Điện lực. Vì thế, nhiều đơn vị điện lực gặp khó khăn, trở ngại trong quá trình kiểm tra, phát hiện hồ sơ và xử lý vi phạm.



Còn quá ít những vụ trộm cắp điện được đưa ra xét xử. Ảnh: EVN

Khó xử lý hình sự

Thực ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định số 68/2010/NĐ-CP ngày 15/6/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực. Với những hành vi trộm cắp điện từ 3.000 kWh trở lên có dấu hiệu tội phạm sẽ bị chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự. Thực tế, thời gian qua (cả năm 2012), EVN đã kiểm tra và phát hiện, xử lý gần 8.000 vụ trộm cắp điện. Giá trị truy thu tính theo sản lượng bị trộm cắp là trên 63 tỷ đồng. EVN đã chuyển gần 279 vụ sang cơ quan điều tra đề nghị khởi tố nhưng rốt cuộc chỉ có 10 vụ trộm cắp điện bị khởi tố, xét xử.

Trong văn bản mới đây gửi Bộ Công An và Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh nêu rõ, nguyên nhân chính khiến các vụ trộm cắp điện chưa được xử lý hình sự là do Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân không thống nhất với phương pháp xác định sản lượng điện năng trộm cắp theo quy định tại Điều 28 Quy định kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện ban hành kèm Quyết định số 31/2006/QĐ-BCN ngày 6/9/2006 của Bộ Công Nghiệp (nay là Bộ Công Thương).

Cần gỡ nút thắt

Cái vướng hiện nay là chưa thống nhất được phương pháp xác định sản lượng điện năng trộm cắp. Theo quy định tại Quyết định số 31/2006/QĐ-BCN chỉ nhằm thu hồi tài sản bị thiệt hại, mang tính ước lượng, chưa rõ ràng, chưa chính xác và vì cũng không có văn bản nào hướng dẫn cụ thể để xử lý đối với hành vi trộm cắp điện, chưa có cơ quan chuyên môn nào để xác định giá trị tài sản bị thiệt hại do hành vi trộm cắp điện gây ra nên gây khó khăn cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh, EVN đã đề nghị  Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công An, Bộ Công Thương sớm có văn bản liên tịch hướng dẫn về phương pháp xác định sản lượng điện năng trộm cắp. Và đây sẽ là cơ sở gỡ nút thắt trong việc xử lý hình sự đối với hành vi trộm cắp điện có sản lượng điện trộm cắp từ 3.000 kWh trở lên đang gây thiệt hại lớn cho Nhà nước. Nhờ đó, mới đảm bảo được sự công bằng, tính răn đe và sự nghiêm minh của pháp luật với hành vi trộm cắp điện.
Ngọc Thọ / ICON.com.vn