Tính đến hết tháng 6/2013, EVNNPT đã truyền tải an toàn gần 440 tỷ kWh điện, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%.
Ảnh minh họa: Ngọc Hà
Nỗ lực vượt khó
Khó khăn lớn nhất của EVN NPT hiện nay là lưới điện quốc gia chưa đáp ứng được yêu cầu truyền tải, tình trạng quá tải xẩy ra ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam gây nguy cơ sự cố cao. Bên cạnh đó, giá truyền tải điện quá thấp (chiếm khoảng 6% giá bán điện bình quân) nên chỉ đủ bù đắp chi phí sản xuất tối thiểu, không đủ vốn đối ứng phục vụ đầu tư xây dựng (ĐTXD). Việc huy động vốn cho ĐTXD gặp nhiều khó khăn. Các chỉ tiêu tài chính xấu, không đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn và quy định của Bộ Tài chính. Nhiều công trình đã bị chậm tiến độ trong khi công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.
Mặc dù vậy, 5 năm qua, EVN NPT vẫn tìm mọi giải pháp để xây dựng lưới điện quốc gia tỏa khắp cả nước và từng bước kết nối với các nước trong khu vực với công nghệ ngày càng hiện đại như đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, cáp ngầm cao áp 220 kV, trạm GIS 220 kV, hệ thống điều khiển tích hợp bằng máy tính, thiết bị định vị sự cố, giám sát dầu online… Tính đến hết tháng 6/2013, EVNNPT đã truyền tải an toàn gần 440 tỷ kWh điện, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%. Các chỉ tiêu suất sự cố đường dây và trạm biến áp đều thấp hơn kế hoạch; Dự kiến, năm 2013, sản lượng điện truyền tải là 114,16 tỷ kWh, tăng trên 60% so với năm 2008. Tỷ lệ tổn thất điện năng truyền tải giảm từ 3,14% năm 2008 xuống còn 2,33% năm 2012, kế hoạch năm 2013 là 2,3%.
Đặc biệt, sau 4 năm hết sức khó khăn, năm 2012 EVNNPT đã có lợi nhuận và dành một phần để bù đắp khoản lỗ chênh lệch tỷ giá của những năm trước. Hoàn thành xóa bỏ ttình trạng các công trình lâm quản từ nhiều năm trước đây. Công tác quyết toán có chuyển biến lớn trong năm 2012, tạo đà thuận lợi cho năm 2013 và các năm tiếp theo.
Sẽ đầu tư cho lưới điện trên 17.000 tỷ đồng/năm
5 năm qua, EVNNPT đã thu xếp và ký hợp đồng tín dụng để vay 36.493 tỷ đồng cho công tác đầu tư; trong đó 16.720 tỷ đồng từ các tổ chức tài chính, ngân hàng trong nước và 943 triệu USD (tương đương 19.773 tỷ đồng) từ các tổ chức quốc tế. Đóng điện, đưa vào vận hành an toàn 212 công trình, tổng giá trị đầu tư đạt gần 64.000 tỷ đồng. Dự kiến năm 2013, EVNNPT sẽ đầu tư khoảng 15.700 tỷ đồng, tăng gần 27% so với năm 2012, tăng trên 86,5% so với năm 2008. Các công trình trọng điểm cơ bản đảm bảo về tiến độ như các dự án đồng bộ với Nhà máy Thủy điện Sơn La, các NMTĐ khu vực Miền Trung, Tây Nguyên, các NMNĐ khu vực Đông Bắc và Miền Nam. Đặc biệt, ngày 28/12/2012 đã đóng điện thành công và đưa vào vận hành an toàn ĐZ 220kV Đăk Nông - Phước Long - Bình Long sau hơn 12 tháng triển khai thực hiện - một kỷ lục về tiến độ, điển hình của sự quyết tâm, bám sát công việc của CBCNV EVNNPT. Đáng chú ý, việc huy động vốn thông qua hình thức thuê tài chính đã có kết quả bước đầu. Điển hình là hợp đồng thuê tài chính với VietinBank Leasing để mua máy biến áp của Công ty CP Chế tạo thiết bị điện Đông Anh với giá trị tài sản thuê là 184 tỷ đồng.
Theo ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch HĐTV EVNNPT, chặng đường phía trước của EVN NPT còn rất nhiều khó khăn do lưới điện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu truyền tải điện. Theo kế hoạch, từ năm 2014, EVNNPT sẽ phải đầu tư trên 17.000 tỷ đồng/năm cho hệ thống truyền tải điện. Riêng năm 2013 sẽ đầu tư khoảng 15.700 tỷ đồng, tăng gần 27% so với năm 2012 và tăng trên 86,5% so với năm 2008. Hiện EVNNPT đang tập trung thu xếp vốn cho 47 dự án cấp bách năm 2013, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án trọng điểm như ĐZ 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông, Trạm 500kV Cầu Bông và các ĐZ đấu nối, ĐZ 500kV Vĩnh Tân – Sông Mây, ĐZ 500kV Phú Mỹ – Sông Mây, Sông Mây – Tân Định, ĐZ 500kV Quảng Ninh – Mông Dương.
Một số chỉ tiêu đến năm 2020 của EVN NPT:
Lưới điện truyền tải đạt tiêu chuẩn độ tin cậy N-1 đối với toàn hệ thống và N-2 ở các khu vực quan trọng, đáp ứng các điều kiện để EVN cung cấp đủ điện cho đất nước với sản lượng điện truyền tải ở mức từ 265 - 275 tỷ kWh/năm; Tỷ lệ tổn thất điện năng truyền tải dưới 2%; Tỷ lệ số trạm biến áp không người trực là 75%; 100% trạm biến áp đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường theo ISO 14001; Toàn bộ lưới điện truyền tải được trang bị các hệ thống giám sát, định vị sự cố, cảnh báo sự cố online cho các máy biến áp; Hoàn thành các quy định, tiêu chuẩn về vận hành lưới điện truyền tải đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống có sự tham gia của nhà máy điện hạt nhân.
|