Sự kiện

Thiết lập sự bền vững của hệ thống điện quốc gia

Thứ tư, 26/6/2013 | 08:48 GMT+7
Hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên từ 1/7/2008 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là chủ sở hữu, trên cơ sở tổ chức lại 4 Công ty Truyền tải điện và 3 Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Bắc, Miền Trung, Miền Nam, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia có nhiệm vụ chính là quản lý vận hành và đầu tư phát triển lưới điện truyền tải có cấp điện áp từ 220kV trở lên trên phạm vi toàn quốc và từng bước liên kết với lưới điện truyền tải các nước trong khu vực. Việc thành lập Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia được đánh giá là phù hợp với lộ trình thị trường hóa ngành điện lực, phục vụ sự nghiệp phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.



Tính đến hết tháng 6/2013, NPT đã truyền tải an toàn gần 440 tỷ kWh điện với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%. Ảnh minh họa: Ngọc Hà

* Vượt khó khăn

Đi vào hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam bị khủng hoảng, EVN gặp khó khăn về tài chính, vốn đầu tư, thiếu điện, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia phải đối mặt với khả năng lưới điện truyền tải Quốc gia chưa đáp ứng được yêu cầu truyền tải điện. Tình trạng quá tải xảy ra ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đặc biệt quá tải trên diện rộng ở khu vực miền Bắc và miền Nam, nguy cơ sự cố cao. Giá truyền tải điện cũng quá thấp, chỉ chiếm khoảng 6% giá bán điện bình quân toàn EVN, chỉ đủ bù đắp chi phí sản xuất tối thiểu chưa bao gồm lỗ chênh lệch tỷ giá và không có đủ vốn đối ứng phục vụ đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư lưới điện truyền tải ngày càng tăng cao trong khi vốn khấu hao cơ bản của Tổng Công ty chỉ đủ trả nợ gốc và lãi vay. Các chỉ tiêu tài chính xấu đã không đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn và quy định của Bộ Tài chính đối với các dự án truyền tải.

Bằng việc thực hiện các giải pháp thiết thực, đồng bộ và hiệu quả, 5 năm qua, Tổng Công ty đã đóng điện, đưa vào vận hành an toàn 212 công trình, với tổng giá trị đầu tư gần 64.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư thuần đạt trên 35.000 tỷ đồng, hoàn thành trách nhiệm “đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam”. Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia hiện đang quản lý vận hành trên 16.591 km đường dây; trong đó có 4.841 km đường dây 500kV, 11.750 km đường dây 220kV, tăng gần 50% so với thời điểm thành lập. Tổng dung lượng máy biến áp là 45.696 MVA, tăng trên 84% so với thời điểm 1/7/2008. Lưới điện truyền tải Quốc gia đã vươn tới hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước và từng bước kết nối lưới điện truyền tải của các nước trong khu vực với công nghệ ngày càng hiện đại như đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, cáp ngầm cao áp 220 kV, trạm GIS 220 kV, hệ thống điều khiển tích hợp bằng máy tính, thiết bị định vị sự cố, giám sát dầu online…

Tính đến hết tháng 6/2013, Tổng Công ty đã truyền tải an toàn gần 440 tỷ kWh điện với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%. Theo kế hoạch năm 2013, sản lượng điện truyền tải sẽ đạt 114,16 tỷ kWh, tăng trên 60% so với năm 2008. Các chỉ tiêu suất sự cố đường dây và trạm biến áp đều thấp hơn so với các chỉ tiêu EVN giao; trong đó nhiều chỉ tiêu giảm mạnh như suất sự cố trạm, suất sự cố vĩnh cửu trên đường dây 220 kV. Năng suất lao động tăng bình quân gần 10%/năm. Tỷ lệ tổn thất điện năng truyền tải giảm từ 3,14% năm 2008 xuống còn 2,3% năm 2013.

Đáng chú ý, sau 4 năm tài chính hết sức khó khăn, từ năm 2012, Tổng Công ty đã có lợi nhuận và dành một phần để bù đắp khoản lỗ chênh lệch tỷ giá của những năm trước, bắt đầu có các quỹ để phục vụ cho việc mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác vận hành lưới điện, phương tiện đi lại cho công nhân lao động trực tiếp, các hoạt động phúc lợi và thi đua khen thưởng.

Kể từ năm 2014, NPT sẽ phải đầu tư trên 17.000 tỷ đồng/năm để tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm. Ảnh minh họa: N.Hà
* Đảm bảo tính bền vững

Mặc dù tập trung đầu tư khối lượng lớn trong những năm qua nhưng theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, lưới điện truyền tải hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu truyền tải điện. Tình trạng quá tải còn xảy ra ở nhiều khu vực và nguy cơ sự cố gây mất điện trên diện rộng cao. Đặc biệt, sự cố xảy ra trên đường dây 500kV Di Linh - Tân Định ngày 22/5 vừa qua chỉ do một chiếc cần cẩu trong lúc đường dây này đang truyền tải công suất cao làm mất liên kết hệ thống điện 500kV Bắc - Nam và toàn bộ 22 tỉnh trong khu vực miền Nam bị mất điện với tổng công suất khoảng 9400 MW, gây thiệt hại đáng kể về kinh tế đã cảnh báo về tính an toàn và bền vững của hệ thống điện quốc gia.

Để hệ thống điện quốc gia đảm bảo vận hành an toàn, liên tục và ổn định, giải quyết dứt điểm tình trạng đầy và quá tải đường dây và trạm biến áp, theo tính toán của EVN, khối lượng đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải các năm tới còn rất lớn. Kể từ năm 2014, Tổng Công ty sẽ phải đầu tư trên 17.000 tỷ đồng/năm để tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm như đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông, Vĩnh Tân – Sông Mây, Phú Mỹ – Sông Mây, Sông Mây – Tân Định, Quảng Ninh – Mông Dương, Trạm 500kV Cầu Bông và các đường dây đấu nối. Bên cạnh đó, tập trung thu xếp vốn cho 47 dự án cấp bách năm 2013 đã được Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ như đường dây 500kV Lai Châu – Sơn La, nâng dung lượng tụ bù đường dây 500kV Nho Quan – Hà Tĩnh, đường dây 220kV Hà Đông – Thành Công. Một trong những giải pháp vô cùng quan trọng đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư cũng như khối lượng đầu tư lớn chính là tháo gỡ các khó khăn về vốn và giải phóng mặt bằng; trong đó không thể phủ nhận vai trò quan trọng của chính quyền các địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Mục tiêu là đến năm 2020, Việt Nam có một hệ thống Lưới điện truyền tải hiện đại và thông minh, đáp ứng các điều kiện để EVN cung cấp đủ điện cho đất nước với sản lượng điện truyền tải ở mức từ 265 - 275 tỷ kWh/năm, đồng thời liên kết với lưới điện truyền tải các nước trong khu vực. 100% trạm biến áp đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường theo ISO 14001. Toàn bộ lưới điện truyền tải được trang bị các hệ thống giám sát, định vị sự cố, cảnh báo sự cố online cho các máy biến áp. Mặt khác, các quy định, tiêu chuẩn về vận hành lưới điện truyền tải cũng được hoàn thành đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống có sự tham gia của nhà máy điện hạt nhân.

Về lâu dài, hệ thống điện quốc gia phải tập trung vào các giải pháp nhằm nâng độ tin cậy và ổn định của lưới điện truyền tải, từng bước giải quyết các bất cập hiện nay như tình trạng đầy và quá tải đường dây và trạm biến áp, điện áp thấp.... Cùng với việc tiếp tục củng cố công tác quản lý vận hành, đổi mới kỹ thuật, tăng cường kiểm tra thiết bị, bảo vệ an toàn hành lang lưới điện truyền tải Quốc gia nhằm phát hiện sớm các khiếm khuyết, tồn tại, không để xảy ra sự cố chủ quan, hạn chế và xử lý nhanh chóng các sự cố khách quan, Tổng Công ty còn tăng cường công tác quản lý và quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đáp ứng yêu cầu của quản trị doanh nghiệp hiện đại phù hợp với quy mô ngày càng phát triển của đơn vị. Đồng thời, tiếp tục xây dựng mô hình tổ chức, quản trị chuyên nghiệp, hiệu quả và minh bạch.
 
Ngoài ra, để đảm bảo nguồn tài chính vững vàng cho các hoạt động trong những năm tới, vấn đề đặt ra hiện nay là giá truyền tải điện phải đạt tới mức hợp lý để có thể bảo toàn và phát triển được phần vốn nhà nước đầu tư trong lĩnh vực truyền tải điện, đồng thời đảm bảo các chỉ tiêu tài chính của Tổng Công ty theo quy định, có đủ vốn cho đầu tư xây dựng và có lợi nhuận./.
 
Mai Phương