Công nhân đấu nối đường dây trong chuỗi dự án Trạm 220 kV Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng).
Nằm tại số 478, đường 2-9, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung đã "kết nối" thành công những đường dây tải điện điều hòa dung lượng cho cả hai đầu nam bắc và bảo đảm cho miền trung, Tây Nguyên "no" điện.
Trong chặng đường 25 năm phát triển, Ban quản lý đã góp phần chinh phục địa hình phức tạp, vượt qua thời tiết khắc nghiệt của miền trung, Tây Nguyên, tạo dựng hàng trăm đường dây tải điện, bảo đảm an ninh lưới điện quốc gia.
Ra đời vào thời điểm miền trung thiếu điện triền miên (7-7-1988), trong suốt những năm 80 - 90 của thế kỷ 20, việc cung cấp điện năng để phát triển kinh tế - xã hội miền trung (chỉ tính ở 12 tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và vùng Tây Nguyên) chủ yếu dựa vào nguồn điện đi-ê-den và một số nhà máy thủy điện nhỏ nằm rải rác ở các tỉnh cộng với một lượng điện hạn chế khoảng 300 triệu kWgiờ từ miền bắc chuyển tải vào qua hơn 600 km đường dây 110 - 220 kV Vinh - Quảng Ngãi. Phải đến thời điểm 28-6-1995, với sự ra đời của Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Ban quản lý công trình điện mới được "lớn lên" với tên gọi Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung, tồn tại cho đến hôm nay.
Có thể nói, Ban quản lý các dự án công trình điện miền Trung đóng một vai trò hết sức đặc biệt trong hệ thống lưới điện quốc gia. Với chủ trương đổi mới, khu vực miền nam và TP Hồ Chí Minh có sự phát triển mạnh về kinh tế, nhưng việc phát triển nguồn điện lại không theo kịp. Trong khi đó, hệ thống các nhà máy điện miền bắc lại dư thừa công suất. Muốn đưa được điện vào phía nam, phải vượt qua "điểm tắc" miền trung đang thiếu cả nguồn điện lẫn lưới điện. Được sự đầu tư của Nhà nước, ngành điện, ban quản lý đã xây dựng hàng loạt công trình đường dây và trạm từ 110 - 500 kV thuộc các tổng sơ đồ phát triển điện các giai đoạn IV, V, VI. Từ năm 1995 đến 2008, Ban quản lý đã thi công 2.992,72 km đường dây AMT từ 110 đến 500 kV; tổng dung lượng máy biến áp AMT hoàn thành là 1.654 MVA.
Khi Tổng công ty Truyền tải Quốc gia thành lập (2008), Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung được quyết định thành lập mới, một lần nữa có cơ hội phát triển, không chỉ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý các dự án đường dây và trạm khu vực miền trung, Tây Nguyên mà còn mở rộng ra một số tỉnh phía bắc và phía nam.
Công trình tiêu biểu trở thành mốc son trong suốt 25 năm phấn đấu của Ban quản lý chính là đường dây 500kV Yaly - Plây Cu. Với việc đấu nối kịp thời với tổ máy số 1 Nhà máy thủy điện Yaly (12-2000) để tiếp nhận 360 MW hòa lưới điện quốc gia, Ban quản lý các dự án công trình điện miền Trung đã chứng tỏ sự trưởng thành của mình ngay khi được giao trực tiếp quản lý dự án lần đầu. Đường dây 500 kV Plây Cu - Phú Lâm hoàn thành, đưa vào vận hành tháng 4-2004, mang ý nghĩa đặc biệt vì đã góp phần quan trọng vào việc chuyển tải công suất qua lại giữa ba miền bắc - trung - nam, tạo sự tin cậy, ổn định vận hành hệ thống điện 500 kV.
Trong các năm 2005 - 2007, trên đường dây 500 kV từ Plây Cu ra Đà Nẵng đã đạt công suất tải lớn nhất khoảng 1.700 - 1.800 MW, trong đó cung cấp cho các tỉnh duyên hải miền trung 700 - 800 MW, còn lại tải ra miền bắc trên dưới 1.000 MW; điện năng hằng năm được nhận từ Plây Cu khoảng 7,5 tỷ kWgiờ, cung cấp cho khu vực Đà Nẵng, Dung Quất khoảng 4 tỷ kWgiờ, còn lại tải ra Bắc 3,5 tỷ kWgiờ. Như vậy, công suất tải lớn nhất trên đoạn đường dây 500 kV Plây Cu - Đà Nẵng vượt quá khả năng tải, trong trường hợp sự cố đường dây hệ thống mất ổn định rất dễ xảy ra rã lưới, đồng thời khu vực duyên hải miền trung và hệ thống điện miền bắc, miền nam phải sa thải phụ tải diện rộng, gây tổn thất lớn về kinh tế. Trong bối cảnh đó, đường dây 500 kV Plây Cu - Dốc Sỏi - Đà Nẵng - Hà Tĩnh hoàn tất, tham gia vào hệ thống không những là giải pháp an toàn cho toàn hệ thống điện mà còn giải quyết tình trạng thiếu điện vào năm 2005 cho Hà Nội và các tỉnh phía bắc.
Năm 2007, thời kỳ nước ta thiếu điện nghiêm trọng. Vào giờ cao điểm, với sản lượng thiếu hụt lên tới 1 tỷ kWgiờ, công suất thiếu gần 1.000 MW, trong khi đó các nguồn phát mới không thể đáp ứng kịp nhu cầu tăng trưởng phụ tải. Giải pháp mua điện từ Trung Quốc được cho là hữu hiệu và kịp thời nhất. Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung quản lý ba công trình đường dây mua điện ở cấp điện áp 220 KV qua hướng Hà Giang (đường dây 220 kV Thanh Thủy - Hà Giang - Tuyên Quang; Tuyên Quang - Thái Nguyên và đường dây 110 kV kết hợp 220 kV Sóc Sơn - Thái Nguyên; đường dây 220 kV Tuyên Quang - Bắc Cạn - Thái Nguyên) hoàn thành tháng 4-2007 đã cung cấp đủ điện cho khu vực chung quanh Thủ đô Hà Nội trong năm 2007.
Nhiều công trình như đường dây 220 kV A Vương I - Hòa Khánh và trạm Hòa Khánh là công trình đầu tiên của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia được đóng điện, đấu nối kịp thời để khai thác công suất của Nhà máy thủy điện A Vương. Các đường dây đấu nối các nhà máy thủy điện An Khê, Sê San 3 (Plây Cu); Sê San 4 - Sê San 4A, Buôn Kuốp Krông Buk, Buôn Kuốp - Buôn Tua Sach, Buôn Tausrah (Đác Nông); Sêrêpok Sêrêpok 4, Buôn Tua Sach (Đác Nông), liên tục được hoàn thành vào các năm 2009 - 2011. Rồi Trạm 500 kV Hiệp Hòa và các rẽ nhánh, một công trình có quy mô lớn nhất Đông - Nam Á, có ý nghĩa vô cùng to lớn khi đưa vào vận hành cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng của cả đất nước nói chung, cũng như của Hà Nội và các tỉnh khu vực Tây Bắc, nơi được xem là trung tâm thủy điện với tổng công suất đạt khoảng 6.540 MW, gồm các nhà máy thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu...
Công trình đường dây 220 kV Đác Nông - Phước Long - Bình Long do Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung hoàn tất tháng 12-2012 là một trong chín dự án trọng điểm Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện. Các dự án này không chỉ nhằm truyền tải cao nhất công suất các nhà máy điện khu vực Tây Nguyên vào hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu cấp bách cung cấp điện cho khu vực miền nam ngay từ cuối năm 2012 và những năm tiếp theo, mà còn bảo đảm vận hành hệ thống điện trong mọi trường hợp bình thường và khi xảy ra sự cố; hình thành mối liên kết lưới điện truyền tải 220 kV giữa hệ thống điện Tây Nguyên và miền nam từ nay đến sau năm 2020.
Tự hào về những đóng góp trong 25 năm qua, tập thể cán bộ, nhân viên Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung tự tin bước vào thời kỳ mới với không ít cam go nhưng nhiều cơ hội để cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển ngành công nghiệp năng lượng của đất nước.