Sự kiện

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia: Vạn sự khởi đầu nan

Thứ ba, 2/7/2013 | 08:43 GMT+7
Thành lập trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam bị khủng hoảng, EVN gặp khó khăn về tài chính, vốn đầu tư, thiếu điện, nên ngay từ khi bắt đầu đi vào hoạt động EVNNPT đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức về cơ sở vật chất thiếu thốn; khả năng của lưới điện truyền tải Quốc gia chưa đáp ứng được yêu cầu truyền tải điện, tình trạng quá tải xẩy ra ở cả 3 Miền Bắc - Trung - Nam, đặc biệt quá tải trên diện rộng ở khu vực Miền Bắc và Miền Nam, nguy cơ sự cố cao; giá truyền tải điện quá thấp; các chỉ tiêu tài chính xấu, không đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn; nhu cầu đầu tư lưới điện truyền tải ngày càng tăng cao trong khi vốn khấu hao cơ bản của Tổng công ty chỉ đủ trả nợ gốc và lãi vay, việc huy động vốn cho công tác đầu tư xây dựng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, yêu cầu tiến độ các công trình rất căng thẳng, đặc biệt là tiến độ các công trình lưới điện đồng bộ với các công trình nguồn điện.
 



Lưới điện truyền tải Việt Nam phát triển mạnh về quy mô với công nghệ ngày càng hiện đại. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Từng bước tháo gỡ khó khăn

Đứng trước khó khăn, thách thức, EVNNPT đã từng bước tháo gỡ khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả như: Kịp thời phát hiện những khâu yếu trong quản lý, ban hành nhiều nghị quyết, văn bản chỉ đạo quan trọng và quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện; củng cố và tăng cường công tác quản lý và quản trị doanh nghiệp; sớm hoàn thiện các quy chế, quy trình, quy định phục vụ công tác quản lý và quản trị; tích cực, chủ động làm việc với chính quyền và nhân dân các địa phương, các cơ quan liên quan để giải quyết kịp thời các vấn đề nóng bỏng như thu xếp vốn cho đầu tư xây dựng, tháo gỡ những khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải; nâng cao chất lượng công tác quản lý kỹ thuật; duy trì chế độ kiểm tra thiết bị, hành lang an toàn lưới điện truyền tải; giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật vận hành; làm tốt công tác sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên nhằm đảm bảo chất lượng vận hành của các thiết bị trên lưới.

Năm năm qua, EVNNPT đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình “đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam”. Lưới điện truyền tải phát triển mạnh về quy mô với công nghệ ngày càng hiện đại. Tính đến 31-5-2013, EVNNPT quản lý vận hành tổng cộng trên 16.591 km đường dây, trong đó có 4.841 km đường dây 500kV, 11.750 km đường dây 220kV, tăng gần 50% so với thời điểm 01-7-2008; 96 trạm biến áp, trong đó có 18 trạm biến áp 500kV, 75 trạm biến áp 220kV, tổng dung lượng máy biến áp là 45.696 MVA, tăng trên 84% so với thời điểm 01-7-2008. Lưới điện truyền tải Quốc gia đã vươn tới hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước và từng bước kết nối với lưới điện truyền tải của các nước trong khu vực với công nghệ ngày càng hiện đại như đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, cáp ngầm cao áp 220 kV, trạm GIS 220 kV, hệ thống điều khiển tích hợp bằng máy tính, thiết bị định vị sự cố, giám sát dầu online;…

Tính đến hết tháng 6-2013, EVNNPT đã truyền tải an toàn gần 440 tỷ kWh điện, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%. Theo kế hoạch năm 2013, sản lượng điện truyền tải là 114,16 tỷ kWh, tăng trên 60% so với năm 2008; năng suất lao động không ngừng tăng lên với mức tăng bình quân gần 10%/năm, trong đó năng suất lao động bình quân năm 2012 đạt 15.875 kWh/người, tăng trên 46,3% so với năm 2008; tỷ lệ tổn thất điện năng truyền tải giảm từ 3,14% năm 2008 xuống còn 2,33% năm 2012, kế hoạch năm 2013 là 2,3%.

Lĩnh vực đầu tư xây dựng mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về vốn và bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan, về cơ bản đáp ứng được tiến độ các công trình trọng điểm, công tác chống quá tải lưới điện được thực hiện kịp thời, đảm bảo cung cấp điện cho đất nước. Trong 5 năm qua, EVNNPT đã đóng điện, đưa vào vận hành an toàn 212 công trình, tổng giá trị đầu tư đạt gần 64.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư thuần đạt trên 35.000 tỷ đồng. Dự kiến năm 2013, EVNNPT sẽ đầu tư tổng cộng khoảng 15.700 tỷ đồng, tăng gần 27% so với năm 2012, tăng trên 86,5% so với năm 2008, trong đó đầu tư thuần là 12.040 tỷ đồng, tăng trên 32% so với năm 2012, tăng trên 81,9% so với năm 2008.

Các công trình trọng điểm đảm bảo về tiến độ như các dự án đồng bộ với Nhà máy Thủy điện Sơn La, các NMTĐ khu vực Miền Trung, Tây Nguyên, các NMNĐ khu vực Đông Bắc và Miền Nam. Đặc biệt, cuối năm 2012, đã đóng điện thành công và đưa vào vận hành an toàn ĐZ 220kV Đăk Nông - Phước Long - Bình Long sau hơn 12 tháng triển khai thực hiện - một kỷ lục về tiến độ, điển hình của sự quyết tâm, bám sát công việc của CBCNV EVNNPT. Đây là cố gắng rất lớn của EVNNPT trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp rất nhiều khó khăn trong những năm gần đây.

Dù bị tác động rất lớn của khủng hoảng kinh tế thế giới, những khó khăn của đất nước, của EVN và các chỉ tiêu tài chính xấu, nhưng EVNNPT đã hết sức nỗ lực trong việc thu xếp vốn và đa dạng hóa các hình thức huy động vốn theo quy định của pháp luật nhằm đáp ứng nhu vốn cho đầu tư xây dựng. Trong 5 năm qua, EVNNPT đã thu xếp và ký kết hợp đồng tín dụng để vay 36.493 tỷ đồng, trong đó 16.720 tỷ đồng từ các tổ chức tài chính, ngân hàng trong nước và 943 triệu USD tương đương 19.773 tỷ đồng từ các tổ chức quốc tế, điển hình như các khoản vay 200 triệu USD của NEXI; 180 triệu USD của WB; 330,69 triệu USD của ADB và AFD…

Huy động vốn thông qua hình thức thuê tài chính đã có kết quả bước đầu.  EVNNPT và VietinBank Leasing đã ký hợp đồng thuê tài chính máy biến áp mua của Công ty CP Chế tạo thiết bị điện Đông Anh với giá trị tài sản thuê là 184 tỷ đồng. Mặc dù số vốn không lớn so với nhu cầu vốn đầu tư của EVNNPT nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa giúp EVNNPT có thêm một kênh thu xếp vốn cho các dự án ĐTXD lưới điện truyền tải, vừa hỗ trợ phát triển ngành cơ khí trong nước theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Phía trước còn nhiều thử thách

Hiện nay, lưới điện truyền tải vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, tình trạng quá tải còn xảy ra ở nhiều khu vực, nguy cơ sự cố gây mất điện trên diện rộng cao. Khối lượng đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải các năm tới rất lớn, với giá trị đầu tư trên 17.000 tỷ đồng/năm. Vì vậy, trong những năm tiếp theo, EVNNPT đặc biệt quan tâm củng cố và tăng cường công tác quản lý vận hành, đổi mới công tác quản lý kỹ thuật, tăng cường công tác kiểm tra thiết bị, đẩy mạnh công tác bảo vệ an toàn hành lang lưới điện truyền tải Quốc gia, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, phát hiện sớm các khiếm khuyết, tồn tại, không để xảy ra sự cố chủ quan, hạn chế và xử lý nhanh chóng các sự cố khách quan; tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án trọng điểm như đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông, Trạm biến áp 500kV Cầu Bông và các đường dây đấu nối, các đường dây 500kV Vĩnh Tân – Sông Mây, Phú Mỹ – Sông Mây, Sông Mây – Tân Định, Quảng Ninh – Mông Dương… ; tập trung thu xếp vốn cho 47 dự án cấp bách trong năm nay.

Để đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam, hiện nay, EVNNPT đang tập trung đầu tư mở rộng kết hợp với cải tạo, nâng cấp, đầu tư chiều sâu để đến năm 2020 Việt Nam có một hệ thống Lưới điện truyền tải hiện đại và thông minh, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, liên kết với lưới điện truyền tải các nước trong khu vực. Theo đó, lưới điện truyền tải đạt tiêu chuẩn độ tin cậy N-1 đối với toàn hệ thống và N-2 ở các khu vực quan trọng, đáp ứng các điều kiện để EVN cung cấp đủ điện cho đất nước với sản lượng điện truyền tải ở mức từ 265 - 275 tỷ kWh/năm; tỷ lệ tổn thất điện năng truyền tải dưới 2%; tỷ lệ số trạm biến áp không người trực là 75%; 100% trạm biến áp đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường theo ISO 14001; toàn bộ lưới điện truyền tải được trang bị các hệ thống giám sát, định vị sự cố, cảnh báo sự cố online cho các máy biến áp; hoàn thành các quy định, tiêu chuẩn về vận hành lưới điện truyền tải đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống có sự tham gia của nhà máy điện hạt nhân./

 
Thanh Mai / Icon.com.vn