Tin thế giới

Năng lượng mặt trời tiếp “nắng” cho trẻ em Zimbabwe

Thứ năm, 2/2/2023 | 13:46 GMT+7
Xúc động nhớ lại lúc con trai mình được tiêm mũi vaccine bại liệt tại Phòng khám đa khoa Chikanga ở Zimbabwe, cô Primrose Saungweme chia sẻ: “Tôi hạnh phúc lắm vì biết con trai mình đã an toàn sau khi tiêm vaccine”.

Một tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt tại Phòng khám đa khoa Chikanga.

Con trai của cô là một trong số những trẻ em có cơ hội tiêm vaccine tại phòng khám này nhờ vào nguồn điện năng lượng mặt trời.

Zimbabwe và các nước láng giềng đang chìm trong khủng hoảng năng lượng do nguồn cung cấp điện không thể theo kịp nhu cầu. Tình trạng cắt điện luân phiên đã trở nên thường xuyên và kéo dài, khiến cuộc sống sinh hoạt, hoạt động kinh doanh tại nước này chịu nhiều tác động, trong đó có các dịch vụ y tế.

Tuy nhiên, tại Phòng khám đa khoa Chikanga ở thành phố Mutare, mọi hoạt động hầu như diễn ra bình thường do sử dụng nguồn điện từ năng lượng mặt trời được lưu trữ trong những tấm pin lithium dự phòng. Nguồn điện từ pin lithium đang giúp giữ mát vaccine trong kho lạnh của phòng khám Chikanga.

Đây là một trong những cơ sở y tế nhận được sự hỗ trợ từ chương trình hợp tác lắp đặt các trạm năng lượng mặt trời từ sáng kiến “Năng lượng mặt trời cho sức khỏe” của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và Bộ Y tế Zimbabwe. Thống kê từ UNDP cho thấy, sáng kiến trên đã cung cấp năng lượng mặt trời đến ​​1.044 cơ sở y tế kể từ khi ra mắt vào năm 2016.

Người phát ngôn của UNDP Anesu Freddy cho biết, hệ thống năng lượng mặt trời tại cơ sở y tế rất quan trọng giúp cung cấp điện liên tục trong thời gian giảm tải. Các hệ thống năng lượng mặt trời được lắp đặt có công suất 5kW, 7kW, 10kW hoặc 40kW, tùy thuộc vào quy mô của cơ sở và nhu cầu để cung cấp năng lượng cho các chức năng cụ thể như chiếu sáng chung, phòng thí nghiệm, dây chuyền lạnh dược phẩm và hiệu thuốc.

Vào cuối tháng 10-2022, Zimbabwe đã bắt tay vào chương trình tiêm chủng cho hơn 2,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên cả nước để giảm thiểu những căn bệnh gây chết người như bại liệt và sởi. Quốc gia này còn phải vật lộn để ngăn chặn dịch sởi bùng phát kể từ tháng 4-2022 tại tỉnh Manicaland. Dịch sởi tiếp tục cướp đi sinh mạng của hơn 750 người vào đầu tháng 10 năm 2022. Khoảng 85% trẻ em dưới 5 tuổi đã được tiêm phòng sởi đầy đủ trên toàn quốc từ tháng 10 năm ngoái.

Những cơ sở y tế như Phòng khám đa khoa Chikanga đã hỗ trợ không ít cho các chương trình tiêm chủng được vận hành xuyên suốt nhờ vào số lượng vaccine được bảo quản đúng quy cách. Năng lượng mặt trời ngày càng hiệu quả hơn đối với các trung tâm y tế nông thôn và các cộng đồng khó tiếp cận, nơi thường xuyên bị cắt điện.

Hệ thống này giúp bảo quản vaccine và duy trì dây chuyền lạnh, bao gồm mọi thứ từ phòng lạnh đến tủ lạnh và hộp vận chuyển. Điện năng lượng mặt trời cũng hỗ trợ hệ thống quản lý bệnh nhân điện tử và hồ sơ sức khỏe điện tử nhờ hệ thống chiếu sáng liên tục ngay cả khi giảm phụ tải, đặc biệt là trong mùa mưa.

Itai Rusike, Giám đốc điều hành của Nhóm công tác cộng đồng về sức khỏe tại Zimbabwe, cho rằng Chính phủ Zimbabwe nên nhanh chóng tăng đầu tư vào năng lượng mặt trời tại các phòng khám, vì năng lượng mặt trời đáng tin cậy và bền vững hơn, đặc biệt là cuộc khủng hoảng điện hiện nay đang ảnh hưởng đến đất nước. Cụ thể, chính phủ nên hợp tác với các đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ, cũng như khu vực tư nhân để tăng cường các dịch vụ cung cấp dịch vụ y tế và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bằng cách đầu tư vào năng lượng mặt trời tại các trung tâm y tế.

Link gốc

Theo: SGGP