Sự kiện

Ngành Điện với những năm Sửu đáng ghi nhớ

Thứ năm, 19/2/2009 | 14:36 GMT+7
Suốt chặng đường 54 năm qua, trong các năm Sửu, những sự kiện đáng nhớ, những dấu ấn mạnh mẽ của ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm - ngành Ðiện lực đã được ghi khắc và tạo nên bởi rất nhiều mồ hôi, máu và nước mắt của các thế hệ CBCNV…
 

Ðồng chí Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị đến thăm và chúc tết CNVC Nhà máy điện Yên Phụ (Tết Tân Sửu năm 1961)
Sau khi tiếp quản xong các cơ sở điện lực ở miền Bắc (năm 1954), hoàn thành công cuộc khôi phục sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh (chống Pháp), ngành Ðiện bắt tay vào việc phát triển sản xuất, bước đầu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

Từ năm 1961 - Năm Tân Sửu: Ngành Ðiện bắt đầu bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Ðây là một trong những giai đoạn được coi là thành công nhất của thời kỳ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội sau chiến tranh chống Pháp, và năm 1961 là năm đầu tiên ra quân đầy khí thế của ngành kinh tế mũi nhọn – ngành Ðiện lực. Ở giai đoạn này, tại hầu khắp các tỉnh, thành phố lớn của miền Bắc, đã có hàng loạt các nhà máy điện mới ra đời cùng với hàng trăm km đường dây tải điện 110 kV, tạo thành một hệ thống điện liên hoàn trên miền Bắc, nâng tổng công suất lên gấp 3 lần thời Pháp thuộc. Ngoài ra, các nguồn điện cũ (như Yên Phụ, Cột 5, Nam Ðịnh) cũng đã được cải tạo, nâng cấp và mở rộng, nâng đường dây 30,5 lên 35 kV ở khắp các vùng kinh tế trọng điểm… Lần đầu tiên ngành Ðiện mạnh dạn nêu khẩu hiệu: “Ðiện lực đi trước một bước” và khẩu hiệu này đã được Ðại hội Ðảng bộ ngành Ðiện lúc đó đưa vào nghị quyết một cách trân trọng nhất. Ngành Ðiện lúc này đóng vai trò tiên phong, mũi nhọn và là một trong những ngành kinh tế tiêu biểu của đất nước.

 

Ðồng chí Nguyễn Văn Trân - Ủy viên Ban Bí thư trung ương Ðảng đến thăm, chúc tết anh em CNVC Nhà máy điện Yên Phụ ngày 30 Tết năm Tân Sửu 1961
Ngành Ðiện đã được Bộ Công nghiệp và Hội đồng Chính phủ tặng cờ thi đua đơn vị xuất sắc nhất của ngành Công nghiệp. Nhân dịp Tết Tân Sửu (năm 1961), đồng chí Lê Thanh Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Nguyễn Văn Trân - Ủy viên Ban Bí thư Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp đã đến thăm và chúc Tết CNVC ngành Ðiện tại Thủ đô Hà Nội.

Kế hoạch 5 năm (1961-1965) đang ở độ “nở hoa, kết trái” thì cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ập tới. Từ năm 1965 đến 1972, hầu hết các cơ sở điện lực trên miền Bắc bị đánh phá ác liệt. Nhiều nhà máy điện bị đánh đi, đánh lại, trận sau ác liệt hơn trận trước. Có nhà máy bị đánh phá gần như hoàn toàn. Nhiều trạm biến áp chủ lực bị tàn phá, hư hỏng nặng nề. CBCNV ngành Ðiện đã dốc lòng, dốc sức khôi phục, sửa chữa, đồng thời vẫn tiếp tục đầu tư xây dựng và mở rộng thêm nhiều nhà máy điện mới (như Nhiệt điện Ninh Bình, Uông Bí, Thủy điện Thác Bà…)

* Năm 1973 - Năm  Quý Sửu:

Là năm ngành Ðiện khôi phục, đại tu nhiều thiết bị nhất. Chỉ riêng quý I đã sửa chữa cấp tập 12 lò, 11 máy và đã đưa vào vận hành an toàn, nâng tổng công suất lên 231 MW. Năm 1973, ngành Ðiện đã sản xuất được 783,5 triệu kWh điện, đạt 104,5% kế hoạch, tăng 45,78% so với năm 1972; điện thương thẩm đạt gần 576 triệu kWh. Năm 1973 cũng là năm công tác sửa chữa, đại tu thiết bị được đưa vào nền nếp, đạt chất lượng ngày càng cao. Ngoài ra, ngành Ðiện đã củng cố, chấn chỉnh lại các mặt quản lý, chăm lo đào tạo bồi dưỡng văn hóa, chuyên môn cho đội ngũ trẻ, để tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ nguồn nhân lực phục vụ đất nước.

10 năm sau khi thống nhất đất nước (năm 1975 – 1985), ngành Ðiện đã xây dựng và quy hoạch các tổng sơ đồ phát triển điện lực (Giai đoạn I: năm 1981-1985). Ðến cuối năm 1985, nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra về việc xây dựng và phát triển ngành Ðiện theo quy hoạch dài hạn, chính quy, hiện đại, có sự nối tiếp, đón đầu ở giai đoạn sau. Ngành Ðiện đã tìm các đối tác tin cậy để mở cửa, giao lưu trên lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật, nhằm nhanh chóng vượt qua ngưỡng cửa của việc đất nước bị bao vây, cấm vận.

Chiều 30 Tết năm Quí Sửu (2/2/1973), Chủ tịch nước Tôn Ðức Thắng về thăm, chúc Tết CBCNV ngành Ðiện sau 12 ngày đêm máy bay B52 của Mỹ đánh phá các cơ sở điện trên miền Bắc XHCN

* Năm 1985 - Năm Ất Sửu:

Là năm có nhiều hy vọng của thời “mở cửa”, “đổi mới”, làm phấn chấn tinh thần CBCNV ngành Ðiện. Các đơn vị điện lực cả ba miền đã hỗ trợ nhau về sản xuất kinh doanh và tổ chức đời sống, từng bước khắc phục những khó khăn, trở ngại trên lĩnh vực  “giá - lương - tiền”. Ở giai đoạn này, ngành Ðiện đã nhanh chóng đưa nhiều công trình điện mới, có tầm cỡ quốc gia và khu vực vào hoạt động, tạo cho hệ thống điện có độ tin cậy cao hơn, vững chắc hơn. Miền Bắc có Nhiệt điện Phả Lại (công suất 440 MW), miền Nam có Thủy điện Trị An (công suất 400 MW), hàng trăm km đường dây 220 kV được mang tải, bước đầu khắc phục được tình trạng “khát” điện, cắt điện luân phiên dài ngày… Ngành Ðiện khẩn trương chuẩn bị các điều kiện vật chất, kỹ thuật để xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (công suất 1.920 MW), đường dây tải điện 500 kV xuyên suốt Bắc  - Nam…

 

Ðồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến thăm CBCNV Nhà máy điện Yên Phụ chiều ngày 05-01-1973 (sau trận bom La de Mỹ đánh xuống Nhà máy ngày 21/12/1972)

* Năm 1997 - Năm Ðinh Sửu:

Không chỉ là năm thứ 2 ngành Ðiện thực hiện Tổng sơ đồ giai đoạn 4 (năm 1996 -2000), chuẩn bị xây dựng Tổng sơ đồ giai đoạn 5 trình Chính phủ (đến năm 1997, tổng công suất lắp đặt của EVN là 4.936 MW, sản lượng điện năm 1997 đạt hơn 19 tỷ kWh, gấp 358 lần so với năm 1954 và 6,4 lần năm 1975; lưới điện quốc gia đã được đưa về 100% tỉnh, thành, 97,7% số huyện, 70% số xã và gần 58,8% số hộ dân cả nước có điện)… mà với những thành tựu đã đạt được qua 43 năm hoạt động, ngày 18/12/1997, Tổng công ty Ðiện lực Việt Nam đã vinh dự được Ðảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Ðây được coi là một mốc son lịch sử trong sổ vàng truyền thống ngành Ðiện, là động lực để ngành Ðiện tiếp tục phát huy sức lực, khả năng, trí tuệ, kinh nghiệm của người chiến sỹ trên mặt trận điện năng, góp phần vào công cuộc CNH-HÐH đất nước ngày càng mạnh mẽ.

Theo TCĐL số 1/2009