Sự kiện

Công ty Truyền tải Điện 1 đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì: Đi lên từ gian khó

Thứ tư, 18/2/2009 | 10:21 GMT+7
Quản lý vận hành an toàn, liên tục hệ thống truyền tải “xương sống” của ngành Ðiện trên địa bàn toàn miền Bắc (từ Ðèo Ngang trở ra), phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Nhà nước và phát triển kinh tế quốc dân… là những thành tích quan trọng, đáng tự hào của các thế hệ CBCNV Công ty Truyền tải điện 1 trong suốt 28 năm xây dựng và phát triển với bao thăng trầm, khó khăn và thách thức.
 

Bà Trần Thị Hà, Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ trao Huân chương Ðộc lập hạng Nhì cho Công ty Truyền tải điện 1.

 

Ðau đáu nỗi niềm vượt khó

Nhớ lại những ngày mới thành lập (1/5/1981), ông Phan Văn Cần - Giám đốc Công ty chia sẻ: Ðó là giai đoạn cực kỳ khó khăn với Công ty. Chỉ có gần 200 cán bộ công nhân, Công ty đảm nhiệm quản lý vận hành 7 trạm biến áp 110 kV với 11 máy biến áp, tổng dung lượng 261 MVA và 145 km đường dây 110 kV xung quanh khu vực Hà Nội, Hà Tây. Hệ thống lưới truyền tải điện già cỗi, kém tin cậy, không có thiết bị dự phòng, phải vận hành quá tải liên tục. Nhiều trạm biến áp 220 kV, kể cả các trạm nút quan trọng vẫn vận hành theo sơ đồ kết dây tạm, thiết bị không đồng bộ, nhiều tuyến đường dây, trạm biến áp phải vận hành trong tình trạng quá tải gây phát nóng, đứt dây, tụt lèo. Làm thế nào để giữ cho dòng điện an toàn liên tục, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội luôn là nỗi niềm “đau đáu” trong tâm trí mỗi người thợ truyền tải. Ðó cũng là động lực lớn nhất để tập thể CBCNV Công ty không quản ngại khó khăn, gian khổ, tự mày mò, nghiên cứu, từng bước vươn lên làm chủ thiết bị và cơ bản hoàn thành nhiệm cung cấp điện an toàn cho các tỉnh miền Bắc.

Năm 1992, đường dây 500 kV lịch sử được khởi công xây dựng, những người thợ truyền tải lại khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện để tiếp nhận đưa công trình vào vận hành. Ngày 27/5/1994, đường dây 500 kV chính thức hoà lưới, hệ thống điện toàn quốc được thống nhất. Công ty được giao nhiệm vụ biên soạn hệ thống quy trình, quy phạm quản lý vận hành chung cho toàn quốc. Ðây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, vì lần đầu tiên ở Việt Nam, đường dây 500 kV được xây dựng, các nhà khoa học và nhà quản lý còn nhiều ý kiến trái ngược... Ðội ngũ cán bộ Công ty đã nghiên cứu, chắt lọc từ hàng nghìn trang tài liệu nước ngoài, đối chiếu với thực tiễn Việt Nam và nhanh chóng hoàn thành tốt công việc đầy thử thách này. Mặt khác, trước thực tế đường dây 500 kV đi qua hầu hết các khu vực núi cao, rừng sâu, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp, cây cối trong và ngoài hành lang rậm rạp, phát triển tái sinh rất nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe doạ sự cố, Công ty đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong hành lang lưới điện, xã hội hoá công tác bảo vệ đường dây… nên đường dây 500 kV luôn được đảm bảo vận hành tuyệt đối an toàn.

Ðường dây 500 kV vào vận hành ổn định, cũng là thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá, nhu cầu về điện tăng nhanh, dẫn đến hàng loạt các trạm biến áp 220 kV phải vận hành trong tình trạng quá tải. Bằng tinh thần vượt khó, phát huy nội lực, chủ động, sáng tạo, Công ty đã hoàn thành xuất sắc chương trình chống quá tải, hiện đại hoá các trạm biến áp trọng điểm của miền Bắc như: Hà Ðông, Mai Ðộng, Chèm, Thanh Hoá, Ninh Bình, Vinh... tiết kiệm cho Nhà nước hàng tỷ đồng mà vẫn vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng. Theo ông Cần, giai đoạn này, từ cán bộ chủ chốt đến người công nhân lao động chia nhau bám tuyến, không kể thời gian, tất cả lao vào công việc để theo kịp tốc độ phát triển lưới điện, kịp thời cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển của đất nước. Vào thời điểm đó, PTC1 là đơn vị tiên phong của khối truyền tải trong công tác sửa chữa, quản lý lưới điện, lần đầu tiên thực hiện thay sứ, dây đường dây 110 kV - 220 kV bằng biện pháp thủ công; kéo dây mới trên một lộ chung cột với đường dây 220 kV đang vận hành bằng phương tiện thô sơ; sửa chữa đường dây 220 kV mang điện; lắp đặt và hiệu chỉnh máy cắt SF6, hệ thống rơ le kỹ thuật số hiện đại thành công...

Chắt chiu gây dựng nguồn lực

Ngoài nhiệm vụ quản lý vận hành an toàn liên tục lưới truyền tải điện, Công ty đã mạnh dạn đảm nhận công tác đầu tư xây dựng và sửa chữa nhiều công trình có giá trị lớn. Trong điều kiện thi công hết sức ngặt nghèo, thời gian cắt điện hạn chế, nhưng bằng nhiều biện pháp chỉ đạo điều hành đồng bộ và quyết liệt, bám sát hiện trường, tổ chức thi công khoa học... Công ty hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa các công trình vào vận hành an toàn như: Trạm cắt 220 kV Nho Quan, giá trị 165 tỷ đồng, thi công trong 8 tháng; mở rộng Trạm 220 kV Sóc Sơn, giá trị hơn 30 tỷ đồng, trong đó có máy biến áp 220 kV - 125 MVA lần đầu tiên do Việt Nam chế tạo với thời gian thi công 28 ngày... Cũng trong thời gian này, Công ty lại được giao giám sát thi công đường dây 500 kV mạch 2 và các tuyến đường dây 220 kV khu vực Tây Bắc. Với việc bố trí lực lượng quản lý vận hành đường dây hợp lý, Công ty đã thành lập các tiểu ban giám sát, tổ chức bồi huấn nghiệp vụ, kiểm tra cấp chứng chỉ cho từng giám sát viên và phân công lực lượng tiếp cận các công trình từ khâu bàn giao mặt bằng thi công cho đến lúc nghiệm thu đóng điện vận hành, nên chất lượng công trình luôn đảm bảo.

 Ðứng trước thực tế lưới điện ngày càng phát triển, yêu cầu chất lượng điện năng ngày càng cao, khoa học công nghệ mới ngày càng được áp dụng rộng rãi trong công tác quản lý vận hành hệ thống điện, đòi hỏi năng lực quản lý điều hành và trình độ đội ngũ CBCNV phải được nâng cao, Công ty đã tổ chức đào tạo, đào tạo lại lực lượng cán bộ, công nhân kỹ thuật dưới nhiều hình thức. Với phương châm học ngay trên thiết bị mình quản lý, lớp thợ đi trước truyền đạt kinh nghiệm vận hành cho lớp thợ trẻ, những kỹ sư trẻ bổ sung thêm kiến thức, kỹ thuật công nghệ mới cho lớp thợ đi trước, đã tạo ra một phong trào tự học sôi nổi trong toàn Công ty.

Hiện Công ty đang quản lý, vận hành:

- 4 trạm biến áp và 890 km đường dây 500 kV

- 24 Trạm biến áp và 3118 km đường dây 220 kV

- Gần 3000 km cáp quang OPGW và 32 hệ thống thiết bị truyền dẫn quang.

Sản lượng điện truyền tải: năm 1995 là 4,5 tỷ kWh, năm 2004 là 17,5 tỷ kWh, năm 2007 là 23,52 tỷ kWh, năm 2008 là 27,09 tỷ  kWh.

Tỷ lệ tổn thất: năm 2007 là 1,8%, kế hoạch giao 2,1%.

Ngoài ra, thông qua hoạt động như tổ chức học tập, nghiên cứu các Nghị quyết của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nói chuyện chuyên đề đến từng tổ đội sản xuất, cử cán bộ đi học các lớp chính trị ở trung ương và địa phương… CBCNV Công ty đã được nâng cao trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị, đứng vững trước cơ chế thị trường và xu thế hội nhập quốc tế. Ðồng thời, để chủ động sản xuất, hạn chế và ngăn ngừa sự cố trong quá trình quản lý vận hành lưới điện, Công ty cũng rất chú trọng đến công tác củng cố tổ chức, đổi mới phương thức quản lý và thực hiện phân cấp quản lý, mở rộng quyền chủ động sáng tạo cho đơn vị cơ sở, nâng cao tinh thần làm chủ của người lao động, để người lao động được trực tiếp tham gia bàn bạc, xây dựng hệ thống quy chế nội bộ, tạo ra bầu không khí lao động nhiệt tình, năng động, sáng tạo và trách nhiệm.

Thực sự là “ngôi nhà chung”

Trên cơ sở nhiệm vụ trọng tâm từng thời kỳ, Công ty tổ chức thường xuyên nhiều phong trào thi đua mang lại hiệu quả thiết thực. Ðặc biệt là phong trào thi đua “Xây dựng trạm và đường dây kiểu mẫu” với những tiêu chí cụ thể đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phấn đấu của mỗi CBNCV trong Công ty. Bên cạnh đó là các phong trào thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất và sinh hoạt văn hóa như: “Thợ vận hành giỏi”, “Nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật” và các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tìm hiểu về Ðảng, Bác Hồ kính yêu, truyền thống vẻ vang của đất nước và ngành... Mỗi phong trào đều mang ý nghĩa sâu sắc, gắn liền với nhiệm vụ sản xuất, đi liền với quyền và nghĩa vụ của người lao động, khơi dậy tiềm năng và thế mạnh của mỗi cá nhân và tập thể, vừa phát huy sức mạnh tập thể, vừa tạo ra những nhân tố điển hình, những mô hình tiên tiến trong lao động sản xuất và các hoạt động xã hội. Gắn thi đua với thực tiễn sản xuất, đời sống thu nhập của người lao động, muốn có thu nhập cao thì phải sản xuất tốt, để được coi là sản xuất tốt phải thông qua sự suy tôn của anh em trong đơn vị, bình bầu dân chủ từ cơ sở… nên Công ty đã thực sự là một ngôi nhà chung, thu hút, nuôi dưỡng và phát triển nhiều tài năng cho ngành Ðiện đất nước.

Hơn một phần tư thế kỷ xây dựng và trưởng thành, từ số lao động ít ỏi, mày mò tìm đường phát triển, đến nay, Công ty đã có nguồn nhân lực đủ mạnh, vừa hồng vừa chuyên, luôn xung kích đi đầu, sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Lớp lớp thế hệ CBCNV Công ty Truyền tải điện 1 có quyền tự hào về sự cống hiến, đóng góp của mình cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội đất nước và chính phần thưởng cao quý - Huân chương Ðộc lập hạng Nhì mà Công ty  mới được vinh dự đón nhận đã minh chứng cho điều đó.

Theo TCĐL số 1/2009