Sự kiện

Tự hào truyền thống ngành Điện

Thứ ba, 17/2/2009 | 09:23 GMT+7
Đến nay, ngành Điện Việt Nam đã trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành. Các thế hệ những người thợ điện luôn kế tục sự nghiệp của cha anh để làm rạng rỡ, tô thắm trang sử vàng truyền thống ngành Điện. Mỗi bước đi vững chắc của EVN trong từng giai đoạn lịch sử đã tạo tiền đề cho sự phát triển của đất nước.

 

Gian máy - Nhà máy Thủy điện Ialy

Kể từ ngày Bác Hồ về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ (21/12/1954) đến nay, thấm thoắt đã 54 năm. Cùng với sự phát triển của đất nước, ngành Ðiện đã không ngừng vươn lên, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ chỗ tiếp quản một hệ thống điện nhỏ bé, cũ nát do thực dân Pháp để lại năm 1954 ở miền Bắc và chính quyền Sài Gòn để lại năm 1975 ở miền Trung và miền Nam, ngành Ðiện đã phát triển, lớn mạnh vượt bậc. Ðến nay, cả nước đã hình thành một hệ thống điện thống nhất với tổng công suất nguồn lên tới 12.357 MW cùng hàng ngàn trạm biến áp các loại, có tổng dung lượng đạt 80.029 MVA. Ðồng thời, hệ thống lưới điện truyền tải được xây dựng khắp trên toàn quốc với 3.259 km đường dây 500 kV mạch 1, mạch 2, các cung đoạn 500 kV nối từ các nhà máy điện lớn đến các khu vực và vùng, miền; 17.098 km đường dây 220 kV, 110 kV; 341.795 km đường dây trung thế và hạ thế, đưa điện lưới Quốc gia về tới 97,26% số xã của cả nước. Ðặc biệt là công tác đưa điện lưới về nông thôn. Ðến nay, cả nước đã có 13,353 triệu/tổng số14,158 triệu hộ dân nông thôn có điện (đạt 94,31%). Ðồng thời, thực hiện chủ trương của Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho hộ dân nông thôn được hưởng chính sách về giá điện, EVN đã thực hiện công tác xóa bán tổng tại các tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này EVN mới bán điện trực tiếp đến 6,15 triệu/ tổng số13,353 triệu hộ dân nông thôn có điện (đạt 46,24%).      

Ðội ngũ những người làm điện không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Hiện nay, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam đã có trên 84.000 CNVC - LÐ với hơn 30% đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Lực lượng lao động có trình độ cao ngày càng được nâng lên, đủ năng lực quản lý, vận hành hệ thống điện Việt Nam; độc lập khảo sát, tư vấn, thiết kế, xây dựng các công trình lưới điện đến cấp điện áp 500 kV; kết hợp với chuyên gia nước ngoài thiết kế các công trình thủy điện, nhiệt điện có quy mô lớn; chế tạo nhiều chủng loại thiết bị, phụ tùng, phụ kiện chuyên dùng cho nguồn và lưới điện với chất lượng cao. Nhất là 10 năm trở lại đây, nhiều công trình điện mang tầm cỡ khu vực đã được xây dựng với tinh thần tự lực của EVN như: Ðường dây 500 kV mạch 2, Nhà máy Thủy điện IaLy, Nhiệt điện Phú Mỹ 1, Trạm biến áp 500 kV Ðà Nẵng, Hà Tĩnh, Thường Tín… đưa vào vận hành có hiệu quả. Tại thời điểm này, trên toàn quốc có trên 120 công trình nguồn và lưới điện đã được khởi công xây dựng, nhằm đáp ứng nhu cầu về điện của nền kinh tế quốc dân. Ðặc biệt công trình Thủy điện Sơn La với công suốt lắp đặt 2.400 MW là một trong những công trình điển hình do chính những người làm điện Việt Nam đang khảo sát, tư vấn, thiết kế, xây dựng.

Ông Vũ Hiền - Nguyên Thứ trưởng Bộ Ðiện lực cho biết: Từ trước đến nay, những người thợ điện luôn phát huy tốt truyền thống của ngành. Trong các giai đoạn khác nhau, chiến tranh hay hòa bình, người thợ điện luôn có tinh thần yêu nước nồng nàn, sẵn sàng hy sinh vì dòng điện của Tổ quốc, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Ðảng và Nhà nước giao phó. Mặc dù khái niệm “văn hóa doanh nghiệp” mới xuất hiện trong những năm gần đây, song nhìn lại, những giá trị văn hóa doanh nghiệp EVN đã được xây dựng ngay từ những ngày đầu thành lập ngành. Ðó là, người thợ điện luôn nêu cao tinh thần đoàn kết nội bộ, xây dựng đơn vị, tôn trọng các quy trình quy phạm về kỷ luật lao động; các đơn vị thường xuyên tổ chức sinh hoạt văn hóa văn nghệ, hoạt động thể dục, thể thao; phát huy tự do tư tưởng, phê phán cái xấu… Ðồng thời, thông qua cách tiếp cận, giao tiếp, phục vụ, CBCNV ngành Ðiện đã tạo dựng những ấn tượng tốt đẹp đối với người dân.

 

 Xây dựng ÐZ 500 kV mạch 2

Khi nói về truyền thống của ngành Ðiện, Giáo sư, Viện sỹ Trần Ðình Long - Phó chủ tịch Hội Ðiện lực Việt Nam cho biết: Truyền thống vẻ vang của ngành Ðiện đã được đúc kết bằng các giá trị vật chất và tinh thần. Giá trị vật chất to lớn mà ngành Ðiện xây dựng, đã và đang hiện diện trên khắp dải đất hình chữ S Việt Nam. Ðất nước phát triển được như ngày nay, một phần có những giá trị vật chất mà ngành Ðiện đã xây dựng bằng tất cả nghị lực, trí tuệ, mồ hôi, xương máu của hàng vạn CBCNVC liên tục ngày đêm lao động để đảm bảo cho dòng điện tỏa sáng, phục vụ mọi hoạt động của đất nước. Những công trình điện cứ nối tiếp nhau vươn xa. Cũng như giá trị vật chất, giá trị tinh thần mà ngành Ðiện đã tạo ra là rất to lớn. Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển của ngành Ðiện, các thế hệ thợ điện đã nối tiếp nhau, không ngừng vươn lên. Lớp sau học tập, phát huy kinh nghiệm lớp trước. Những tấm gương sáng của ngành Ðiện đã được các thế hệ thợ điện soi rọi, học tập nhằm tự hoàn thiện mình để phấn đấu vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Ngành Ðiện có truyền thống tốt đẹp, rất đáng tự hào, cần phát huy để xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân phát triển bền vững, đáp ứng tốt mọi yêu cầu của xã hội.

54 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Ðiện đã vượt qua nhiều gian nan, thử thách. Với đội ngũ những người thợ điện có bản lĩnh vững vàng, năng động, sáng tạo, không ngừng học tập, phấn đấu vươn lên, chắc chắn sẽ làm dày dặn thêm những trang sử vàng vẻ vang truyền thống ngành Ðiện.

Theo Tạp chí Điện lực