Sự kiện

Tạo điều kiện cho đầu tư, khai thác tiềm năng thuỷ điện vừa và nhỏ

Thứ tư, 18/2/2009 | 09:18 GMT+7
Một trong những lĩnh vực thuận lợi, có thể phát huy thế mạnh của Hà Giang đó là xây dựng thuỷ điện vừa và nhỏ. Đây được coi là một trong những lĩnh vực sẽ đóng góp rất lớn cho nền kinh tế của tỉnh nếu như khai thác hết tiềm năng.

Công nhân Điện lực thị xã bảo dưỡng trạm biến áp.

Những năm qua, nhu cầu về sử dụng năng lượng, đặc biệt là năng lượng điện ngày một tăng cao. Vào mùa khô thường xảy ra tình trạng thiếu điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, từ đó, nhu cầu về tăng sản lượng điện, khai thác nguồn tài nguyên này một cách hiệu quả nhất đang được đặt ra cấp thiết. Chính phủ cũng như các địa phương luôn tạo điều kiện và khuyến khích các nhà đầu tư có năng lực đầu tư vào lĩnh vực khai thác nguồn năng lượng sạch như thuỷ điện. Theo số liệu khảo sát của Viện Năng lượng Việt Nam, trên địa bàn tỉnh ta, quy hoạch thủy điện giai đoạn I (2005 – 2010 có xét đến 2015) có tổng số 25 dự án với công suất lắp máy khoảng trên 480MW. Quy hoạch thủy điện giai đoạn II (2006 – 2010 có xét đến 2015) có tổng số 34 dự án với công suất lắp máy khoảng trên 84MW. Tính chung, tiềm năng khai thác thuỷ điện trên địa bàn toàn tỉnh khoảng trên 700MW, tổng mức đầu tư khoảng 840 triệu USD. Có thể nói, tiềm năng thuỷ điện có ở tất cả các huyện, thị trong tỉnh. Đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 19 dự án, các chủ đầu tư đang tích cực triển khai thực hiện 18 dự án. Tổng vốn đầu tư các công trình tính đến thời điểm này ước đạt khoảng 1.889 tỷ đồng.

Trong bối cảnh việc đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cơ bản không còn sự thu hút như trước, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chuyển hướng đầu tư sang khai thác khoáng sản, dịch vụ và đặc biệt là đầu tư vào các dự án xây dựng thuỷ điện vừa và nhỏ. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, tỉnh đã có sự chỉ đạo khuyến khích phát huy lợi thế về tiềm năng nguồn thuỷ điện và tạo ra cơ hội để thu hút các nhà đầu tư. Thực hiện qui hoạch đồng bộ giữa phát triển nguồn điện và hệ thống truyền tải điện. Giảm thời gian thẩm định, phê duyệt thiết kế cơ sở, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục đánh giá tác động môi trường của các dự án... Cùng với đó, một tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp là năm 2009, nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay. Theo Thông tư của Bộ Tài chớnh, năm nay doanh nghiệp vừa và nhỏ được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (tính từ quý IV.2008 chuyển sang năm 2009), đồng thời được gia hạn thời gian nộp thuế trong 9 tháng, thời hạn nộp tính từ cuối quý I.2009 đến tháng 1.2010. Do vậy, các doanh nghiệp sẽ có điều kiện để đầu tư, thúc đẩy tiến độ xây dựng các công trình thủy điện. Trên cơ sở đó, đến nay theo tiến độ thi công các công trình, có 7 - 8 công trình thuỷ điện sẽ hoàn thành trong thời gian từ năm 2009 – 2010 gồm các công trình: Thuỷ điện Nậm Ngần, Sông Con, Suối Sửu1, 2, Sông Miện, Thái An, Thanh Thuỷ…

Tìm hiểu về khó khăn, thuận lợi trong đầu tư xây dựng các dự án thuỷ điện, chúng tôi đến Công ty Cổ phần Thủy điện Bát Đại Sơn, chủ đầu tư xây dựng công trình thuỷ điện Sông Miện trên địa bàn huyện Quản Bạ - Yên Minh, ông Trần Thanh Xuân, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Đặc thù của các công trình thuỷ điện là phải tận dụng tối đa thời gian thi công vào mùa khô. Do đó, ngay từ trước Tết Nguyên đán, chủ đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu tăng cường thêm máy móc, thiết bị và nhân lực, đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục dẫn dòng giai đoạn I, đào hố móng đập dâng, đập tràn, hố móng nhà máy. Dự kiến đến cuối tháng 4 sẽ thi công xong phần cống dẫn dòng để công trình có thể thi công cả trong mùa lũ 2009. Quá trình triển khai dự án cũng có nhiều thuận lợi đó là công trình ở gần Quốc lộ 4C nên dễ dàng trong vận chuyển vật tư, thiết bị; được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cũng như các thủ tục pháp lí; thuận lợi nữa là công trình gần điểm đấu nối với đường dây 35KV lộ E22.1… Với năng lực đầu tư tốt, đến nay đã đáp ứng các điều kiện cho các nhà thầu thi công, đảm bảo đúng tiến độ. Dự kiến sẽ phát điện tổ máy 1 vào tháng 12.2010 và tổ máy 2 vào tháng 2.2011, đưa điện hoà vào lưới điện Quốc gia.

Bên cạnh những thuận lợi trong đầu tư xây dựng thủy điện, đồng chí Phạm Đình Tuý, Giám đốc Sở Công thương cho rằng: Việc đầu tư xây dựng các công trình thuỷ điện sẽ gặp khó khăn nếu như nhà đầu tư là doanh nghiệp chưa đủ năng lực tài chính – kỹ thuật, sẽ làm chậm tiến độ triển khai dự án. Các dự án thuỷ điện luôn đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn về tài chính cũng như thời gian dài, trong khi đó, việc huy động các nguồn vốn vay trung và dài hạn còn khó khăn. Nếu đầu tư vào lĩnh vực thuỷ điện là nhà đầu tư mới, không phải là nhà đầu tư truyền thống thì sẽ gặp rất nhiều hạn chế. Hơn nữa, phần lớn các công trình thuỷ điện đều ở những nơi địa hình phức tạp nên sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho nhà đầu tư, thi công. Sự khủng hoảng kinh tế trong thời gian qua cũng tạo ảnh hưởng và hạn chế không nhỏ cho việc đầu tư xây dựng các công trình.

Trên cơ sở đó, để thu hút đầu tư xây dựng các công trình thuỷ điện cần phải có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Tỉnh cần nghiên cứu, xem xét cho phép tiến hành thực hiện thủ tục lập hồ sơ thu hồi đất, thi công các hạng mục phụ trợ song song với duyệt dự án. Xem xét, lựa chọn các nhà đầu tư thực sự có đủ năng lực; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện của các chủ đầu tư. Các nhà đầu tư vi phạm các qui định về đầu tư xây dựng cơ bản theo Quyết định số 30/2006/QĐ-BCN, ngày 31.8.2006 của Bộ Công nghiệp thì phải kiên quyết xử lí. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận tham gia đầu tư xây dựng các dự án đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao và tiên tiến… Khảo sát, thiết kế qui hoạch đồng bộ giữa phát triển nguồn điện và hệ thống truyền tải điện. Từ đó, sẽ giúp cho việc đẩy mạnh đầu tư, khai thác tối đa tiềm năng thủy điện trên địa bàn tỉnh, phục vụ đắc lực cho sự phát triển của nền kinh tế.

Theo Báo Hà Giang