Sự kiện

Đến 2010, các hộ nghèo sẽ được bù giá điện trực tiếp theo hóa đơn

Thứ tư, 18/2/2009 | 09:39 GMT+7
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào tại cuộc họp báo thông báo và giải đáp các thắc mắc xung quanh Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg ngày 12/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ về giá điện năm 2009 và các năm 2010-2012 theo cơ chế thị trường.

PV: Thưa Thứ trưởng, Quyết định điều chỉnh giá điện của Chính phủ có mâu thuẫn với gói kích cầu của Chính phủ?

Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Theo Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg, từ 1/3/2009, mức giá bán lẻ điện bình quân 948,5 đồng/kWh (chưa gồm VAT) được áp dụng thống nhất toàn quốc cho các đối tượng khách hàng.

Bậc thang đầu tiên của giá điện sinh hoạt được điều chỉnh ở mức 1-50 kWh với mức bù giá bằng 35%-40% giá điện bình quân; giá điện sinh hoạt cho bậc thang 51-100 kWh được tính bằng giá thành bình quân, không có lợi nhuận; áp dụng thống nhất biểu giá điện sinh hoạt bậc thang trong toàn quốc, không phân biệt khu vực nông thôn hay thành thị.

Thực hiện chính sách bù giá hợp lý giữa các nhóm khách hàng và từng bước giảm dần tiến tới xóa dần bù chéo giữa điện sản xuất và điện sinh hoạt, cơ chế giá mới quy định lộ trình thực hiện xóa bỏ bù chéo trong giá điện trong thời gian 5-6 năm. Trên cơ sở thực hiện của năm 2009, từ năm 2010 việc xây dựng và điều chỉnh giá điện sẽ được thực hiện theo cơ chế thị trường. Hàng năm giá điện sẽ được điều chỉnh định kỳ, tổng chi phí cho toàn bộ dây chuyền sản xuất và kinh doanh điện sẽ được tính toán theo các thông số đầu vào, đến cuối năm căn cứ trên số liệu thực hiện để xác định mức điều chỉnh giá cho năm sau. Hàng năm, nếu mức điều chỉnh giá bán điện bình quân thấp hơn hoặc bằng 5% so với giá bán điện bình quân năm trước.

Bộ Công thương và Bộ Tài chính sẽ có kế hoạch cùng nhau điều chỉnh giá bán điện. Ngoài ra, các đơn Bộ có liên quan cũng đã có kế hoạch triển khai, tuyên truyền, cam đảm bảo giữ giá các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, về mặt chủ trương thì đây là bước đi tất yếu và Chính phủ đã tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng các phương án để hạn chế tác động xảy ra ở mức thấp nhất đối với đời sống kinh tế xã hội, đồng thời đảm bảo được mục tiêu cải thiện tình hình tài chính ngành điện, minh bạch hóa thị trường điện. Việc điều chỉnh giá điện lần này không mâu thuẫn với mục tiêu chống suy giảm kinh tế cũng như các nhóm giải pháp kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng. Chính phủ sẽ có chỉ đạo, đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát để xử lý các trường hợp lợi dụng việc tăng giá điện để tăng giá sản phẩm bất hợp lý. Việc điều chỉnh giá điện vào thời điểm này đã được Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trên mọi góc độ, ở mức hợp lý vừa không ảnh hưởng nhiều tới việc thực hiện kích cầu đầu tư, tiêu dùng, hạn chế tối thiểu tác động lên đời sống kinh tế - xã hội, đồng thời, đảm bảo một lộ trình tất yếu trong việc thị trường hóa, minh bạch hóa, đẩy mạnh phát triển ngành điện, ngành công nghiệp xương sống của nền kinh tế.

PV: Mục tiêu và cơ chế thực hiện giá điện theo thị trường sẽ được tiến hành như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Mục tiêu chính của việc điều chỉnh giá điện lần này nhằm để từng bước làm cho giá điện phản ánh đúng chi phí của quá trình sản xuất kinh doanh điện và do đó đưa ra những tín hiệu đúng cho việc thu hút đầu tư vào ngành điện và cho việc tiêu dùng điện theo hướng khuyến khích doanh nghiệp và người tiêu dùng phải sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả, không ngừng đổi mới công nghệ tiêu dùng và sản xuất nhằm sử dụng điện tiết kiệm, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Ngoài ra, cơ chế quản lý giá mới cũng chính là đảm bảo tính minh bạch trong hạch toán kinh doanh của ngành điện, tách bạch được chi phí cho từng khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối bán lẻ điện, điều độ vận hành hệ thống điện và thị trường điện và quản lý ngành, tiến tới áp dụng cơ chế điều chỉnh giá cho từng thành phần theo cơ chế thị trường.

Theo cơ chế mới, giá bán điện sẽ được xây dựng và điều chỉnh định kỳ tăng hoặc giảm hàng năm để giá điện từng bước phản ánh đúng chi phí đầu vào. Hàng năm, căn cứ vào tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành điện và mặt bằng giá chung, trên cơ sở đề xuất của các doanh nghiệp ngành điện lực, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính xem xét để quyết định việc điều chỉnh giá điện.

PV: Đối với hộ nghèo, hộ có thu nhập nhấp sẽ có chính sách giá điện như thế nào để đảm bảo đời sống trong lúc khó khăn như hiện nay, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Để thực hiện chính sách hỗ trợ giá của Chính phủ cho các đối tượng là các hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp, trong cơ chế giá điện mới, biểu giá điện sinh hoạt bậc thang được áp dụng với bậc thang đầu tiên ở mức 50kWh và giữ giá ở mức thấp hơn giá thành với mức bù giá bằng 35 – 40% giá bán điện bình quân.

Hiện, cả nước có khoảng 21,1% số hộ thuộc diện nghèo, trong khi đó số hộ sở dụng bình quân dưới 50kWh/tháng trong năm 2008 ở mức 23% và trên 50% ở những vùng nông thôn miền núi do các tổ chức kinh doanh điện nông thôn bán lẻ. Như vậy, nếu thực hiện trợ giá cho 50kWh thì toàn bộ số hộ thuộc diện nghèo và một tỷ lệ lớn số hộ có thu nhập thấp cả ở thành phố và nông thôn sẽ giảm được lượng bù giá đúng cho đối tượng thuộc diện chính sách. Còn đối với số hộ sử dụng điện ở mức từ 51 đến 100kWh/tháng, vì cũng là các hộ cận nghèo và có thu nhập không cao, nên phương án giá mới quy định giá cho bậc thang này sẽ được giữ ở mức bằng mức giá thành bình quân sản xuất kinh doanh điện và ngành điện không có lãi.

Và đến năm 2010, sẽ nghiên cứu để áp dụng cơ chế bù giá trực tiếp cho các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp tiêu thụ dưới 50kWh/tháng theo hoá đơn tiền điện thực tế hàng tháng.

PV: Thứ trưởng có thể cho biết những tính toán tổng thể, tác động của điều chỉnh giá điện có gây tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp?

Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào:
Xét trên toàn bộ nền kinh tế, tác động này cũng tương đối nhỏ vì tổng số tiền chênh lệch do tăng giá bằng khoảng 0,35% GDP dự kiến cả năm, làm giảm tốc độ tăng GDP khoảng 0,05-0,06%, trực tiếp làm tăng CPI khoảng 0,25-0,3%.

Theo tính toán của các chuyên gia, việc tăng giá điện không tác động nhiều đến giá thành sản xuất của các lĩnh vực khác và không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân. Dự kiến, giá điện cho sản xuất chỉ tăng 6-7,5%. Quy ra tiền thì năm 2009, các ngành sản xuất sẽ phải trả thêm 2.300 tỷ đồng. Chi phí tăng thêm ở đa số các ngành sản xuất chỉ ở mức dưới 1% giá thành. Ngay cả những ngành khá tốn kém điện năng như cán thép, xi măng.. giá thành dự kiến chỉ tăng thêm khoảng 5.000- 7.000 đ/tấn/sản phẩm. Ngay cả những ngành quá tiêu hao điện năng (điện chiếm 40-50% giá thành sản xuất) như cấp nước, điện phân...cũng chỉ tăng tối đa 3-4%.

Các nhóm hàng hóa thiết yếu sinh họat hàng ngày như thực phẩm, may mặc, nhiên liêu xăng dầu… thực tế tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá thành là rất nhỏ, do đó việc tăng giá các mặt hàng này do tăng giá điện là không đáng kể. Tương tự, đối với đời sống người dân, giá điện bình quân cho sinh hoạt dự kiến tăng khoảng 13% sẽ làm tăng tiêu dùng cuối cùng của cá nhân năm 2009 khoảng 0,3-0,35%, làm tăng chi tiêu của các hộ gia đình thêm khoảng 3%.

Để tránh hiệu ứng tâm lý luôn xảy ra mỗi khi giá xăng dầu, điện tăng giá, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả. Công tác quản lý thị trường cần được đẩy mạnh để tránh kiểu lợi dụng té nước theo mưa, vin vào giá điện để tăng giá các mặt hàng khác.

Bên cạnh sự tính toán để giảm thiểu tác động tới kinh tế - xã hội, đời sống người dân, lý do quan trọng của việc điều chỉnh giá điện là để nhằm phát triển thị trường điện lành mạnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ngành điện, phục vụ sản xuất – kinh doanh cũng như sự phát triển chung của nền kinh tế. Nếu không điều chỉnh giá điện, ngành điện rất khó thu xếp vốn để đầu tư, đặc biệt là thu hút các nguồn lực đầu tư bên ngoài và như vậy về lâu dài tình trạng thiếu điện sẽ xảy ra; nếu không có điện dự phòng, sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt sản xuất và an ninh quốc phòng.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Theo: Website Đảng Cộng sản