Sự kiện

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp trước hết để vượt qua khó khăn hiện nay

Thứ hai, 16/2/2009 | 09:32 GMT+7
Xu thế hội nhập của nền kinh tế và lộ trình xây dựng, phát triển thị trường điện của Chính phủ đòi hỏi các doanh nghiệp ngành Điện cần có chiến lược và các giải pháp hiệu quả. Một trong những đòi hỏi không thể thiếu là cần thúc đẩy quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, từ đó tạo điều kiện củng cố, phát triển thương hiệu của các đơn vị ngành Điện. Tạp chí Điện lực đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Trần Đình Long – Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam.

PV: Thưa Giáo sư, hiện nay, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong các đơn vị ngành Ðiện đang ngày càng được coi trọng bởi đó là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp phát triển bền vững cũng như thích ứng với tình hình mới. Xin Giáo sư cho biết quan điểm về vấn đề này?

GS Trần Ðình Long: Văn hóa doanh nghiệp là một vấn đề rất rộng, phức tạp và luôn giữ vị trí quan trọng bởi nó liên quan tới các vấn đề từ chính sách, quan điểm phát triển ngành, đơn vị đến những vấn đề như tác phong trong công việc, cách ứng xử trong nội bộ cơ quan, quan hệ với đối tác và khách hàng… Văn hóa doanh nghiệp không đơn thuần có được ở một doanh nghiệp mà CBCNV đều tốt nghiệp đại học vì trình độ học vấn cao, chưa chắc đồng nghĩa với văn hóa tốt. Theo tôi, văn hóa doanh nghiệp là phông văn hóa của ngành, của đơn vị, không chỉ xuất phát từ trình độ học vấn, mà quan trọng hơn là vấn đề hiểu biết xã hội và phát huy các giá trị truyền thống của ngành, của đơn vị,…

Tôi cho rằng, việc ngành Ðiện coi trọng xây dựng văn hóa trong kinh doanh hiện nay là hướng đi rất đúng. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thời kỳ gặp khó khăn và đối với EVN, thách thức lớn nhất hiện nay là đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế và đời sống xã hội. Tình trạng thiếu điện đã tạo nên sức ép không nhỏ từ phía khách hàng, dư luận đối với EVN. Theo tôi, để EVN có thể vượt qua khó khăn này nhanh hơn, một trong những giải pháp cần thiết là tăng cường xây dựng mối quan hệ thân thiện với khách hàng để tranh thủ được sự đồng cảm, cảm thông, chia sẻ của họ và đó là một phần quan trọng của văn hóa doanh nghiệp.

PV: Như vậy, việc quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong ngành Ðiện hiện nay có thể nói là một đòi hỏi, là nhiệm vụ tất yếu, tác động trực tiếp tới quá trình phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông có cho rằng, để thúc đẩy nhanh hơn quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, các lãnh đạo của ngành, của từng đơn vị cần nâng cao vai trò công tác này hơn nữa cũng như dành sự quan tâm nhiều hơn?  

GS Trần Ðình Long: Thực ra, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp không chỉ là nhiệm vụ của các đồng chí lãnh đạo mà cần sự tham gia của cả một tập thể. Nhưng sự quan tâm thường xuyên của những người đứng đầu là yếu tố rất quan trọng, giúp thúc đẩy nhanh hơn quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Hiện EVN đang có chủ trương xây dựng một tiêu chuẩn thống nhất về văn hóa doanh nghiệp cho toàn Tập đoàn. Theo tôi, đây là một động thái hoàn toàn đúng đắn. Ðiều này cũng cho thấy đội ngũ lãnh đạo cấp cao của EVN đã có sự quan tâm đúng mức về vấn đề này. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là khi thực hiện chủ trương này, từ trên xuống dưới phải làm thực chất, không thể là một phong trào chung chung, mà phải là người thật, việc thật và bắt đầu sự chuyển biến từ những cá nhân cụ thể như nhân viên thu tiền điện, lắp đặt, ghi chỉ số công tơ, sửa chữa điện... Một điều tôi xin nhấn mạnh là việc xây dựng, hoàn thiện các chuẩn mực văn hóa của doanh nghiệp là cả một quá trình, hơn nữa, với một ngành đặc thù, luôn tồn tại yếu tố độc quyền nhà nước như ngành Ðiện thì việc này không đơn giản có kết quả ngay  trong một sớm một chiều.

PV: Liệu yếu tố độc quyền có là một trở ngại cho việc xây dựng văn hóa trong các doanh nghiệp của ngành Ðiện?

GS Trần Ðình Long: Hiện nay, có 3 loại hình doanh nghiệp phổ biến là doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và cổ phần. Tôi cho rằng mỗi loại hình doanh nghiệp có cách làm việc, phong cách ứng xử, tinh thần trách nhiệm,… (bao hàm yếu tố văn hóa doanh nghiệp) riêng. Các doanh nghiệp ngành Ðiện hiện nay vẫn phần lớn thuộc sở hữu Nhà nước, mang nhiều phong thái của đơn vị quốc doanh, lại có yếu tố độc quyền, nên sẽ tạo lực cản nhất định cho quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

PV: Tuy nhiên, hiện nay, ngành Ðiện đang tích cực tham gia thực hiện lộ trình xây dựng thị trường điện theo chủ trương của Chính phủ. Ngày càng nhiều doanh nghiệp ngành Ðiện 100% vốn nhà nước đã và sẽ được cổ phần hoá. Ðồng thời, nhiều thành phần kinh tế khác nhau cũng tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năng.

GS Trần Ðình Long: Việc phát triển ngành Ðiện theo xu thế thị trường cạnh tranh sẽ đảm bảo tốt hơn lợi ích của ba đối tượng: Thứ nhất, Nhà nước sẽ giảm được gánh nặng đầu tư; thứ hai, doanh nghiệp điện lực sẽ tăng tính tự chủ, phát huy khả năng sản xuất kinh doanh; thứ ba, khách hàng sẽ được hưởng lợi từ cơ chế cạnh tranh. Tuy nhiên, việc ngành Ðiện chuyển đổi từ độc quyền sang cạnh tranh, đa sở hữu đòi hỏi phải có lộ trình nhất định, không phải là việc trong ngày một ngày hai.

Xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp ngành Ðiện trong bối cảnh đó sẽ tạo được chuyển biến nhanh hơn, nhưng để đáp ứng được yêu cầu thực sự về văn hóa doanh nghiệp thì vẫn đòi hỏi thời gian. Bởi như tôi đã nói ở trên, xây dựng văn hóa nói chung và văn hóa của doanh nghiệp nói riêng cần cả một quá trình mới có thể đạt tới những chuẩn mực ở bình diện xã hội. Tôi cho rằng, trong khi ngành Ðiện còn yếu tố độc quyền thì càng phải phục vụ thật tốt khách hàng, cộng với nhiều nỗ lực khác để thúc đẩy quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

PV: Có ý kiến cho rằng việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp không nằm ngoài mục tiêu tạo dựng, củng cố hoặc nâng cao uy tín thương hiệu của doanh nghiệp. Trong cơ chế thị trường, có thể nói việc xây dựng và giữ vững thương hiệu là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành bại của doanh nghiệp. Vậy, Giáo sư đánh giá thế nào về vấn đề xây dựng thương hiệu ngành Ðiện trong bối cảnh hiện nay?

GS Trần Ðình Long: Theo tôi, một thương hiệu tốt là được biết đến nhiều, được đón nhận và được nhận xét, đánh giá tốt. Như vậy, thương hiệu tốt hay không phụ thuộc sự chấp nhận, đánh giá của công chúng. Tuy nhiên, EVN là một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đặc thù, đến nay vẫn nắm vai trò là người bán điện (sản phẩm) duy nhất cho khách hàng. Vì điện là một mặt hàng thiết yếu, nên dù muốn hay không, khách hàng vẫn phải mua điện của EVN. Tuy nhiên, khi hình thành thị trường điện cạnh tranh, nhiều đơn vị bán lẻ điện cùng hoạt động, khách hàng có nhiều sự lựa chọn, thì lúc đó vấn đề thương hiệu sẽ được đặt ra với đầy đủ ý nghĩa của nó. Hiện nay, tiến trình thị trường hóa ngành Ðiện đang diễn ra và việc quan tâm, coi trọng xây dựng văn hóa lẫn thương hiệu trong doanh nghiệp là hướng đi cần thiết, đúng đắn.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư!

Theo Tạp chí Điện lực