Tin trong nước

Ngày xuân lắng động cảm xúc về nghề thợ điện

Thứ năm, 26/1/2023 | 12:44 GMT+7
Xuân về, cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa, năm Nhâm Dần đi qua, năm Quý Mão đã đến. Trong không khí rộn ràng của những ngày đầu xuân năm mới, bất chợt suy ngẫm về công việc của người thợ điện vốn vất vả suốt bốn mùa.

 

CBCNV Điện lực Lộc Hà (PC Hà Tĩnh) túc trực đêm 30 Tết sẵn sàng mọi tình huống để ổn định nguồn điện cho bà con huyện nhà đón năm mới an vui, hạnh phúc.

Như hôm nay, khi tiếng cười sum họp đang vang lên râm ran trong những ngôi nhà Việt, thì đâu đó, nhiều người thợ điện trên mọi miền tổ quốc vẫn âm thầm, lặng lẽ “canh” cho dòng điện quốc gia luôn được vận hành liên tục, an toàn, ổn định. Họ là những người đang mang trong mình sứ mệnh “thắp sáng niềm tin” đến muôn nhà.
 
Một năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, thế nhưng để trả lời cho câu hỏi “mùa nào là mùa vất vả nhất đối với người thợ điện” thì quả là khó bởi mỗi mùa đều có những nét đặc trưng riêng của nó. Duy chỉ có một điểm chung đó là mùa nào cũng lấy đi không ít sức, trí, lực của người thợ điện, và qua từng mùa họ luôn cố gắng, nỗ lực vì một mục tiêu duy nhất đó là “đảm bảo cấp điện liên tục, ổn định” phục vụ nhân dân.

Trong tâm niệm của mỗi chúng ta, “một năm khởi đầu từ mùa xuân”, và đây cũng chính là mùa đẹp nhất bởi nó mang đến hơi thở của sự tươi mới, là khởi nguồn của mọi niềm vui, căng tràn nhựa sống, hạnh phúc đủ đầy. Ấy thế nhưng không ít người lao động tại nhiều ngành, nhiều nghề, trong đó có nghề thợ điện lại không được tận hưởng trọn vẹn niềm vui đó. Gặp anh Nguyễn Hồng Phong- Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế Hà Tĩnh những ngày cuối cùng của năm cũ, vẫn câu hỏi thăm quen thuộc “Năm nay anh có trực không?”. Nụ cười hiền kèm theo lời khẳng định “Có chứ em!”. “Lại gia nhập tổ xa vợ anh nhỉ!”. Anh cười đùa: “Uh em! xa vợ, xa con nhưng lại gần dòng điện em ạ!”. Chợt nghĩ, có lẽ anh ấy chẳng nhớ được bao nhiêu cái Tết mình đã vắng nhà và điều đó chắc cũng không khiến anh quá bận lòng, suy nghĩ bởi hơn ai hết anh hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong hành trình đi giữ nguồn sáng niềm tin, chỉ chừng đó thôi cũng đủ để cảm thấu tinh thần lạc quan và tình yêu ngành, yêu nghề của người “lính điện”.

Trước đó, để người dân đón Tết an vui, đầm ấm, thợ điện có quá nhiều công việc phải hoàn thành, nào là các công trình sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên, cân pha, san tải, rửa sứ, kéo dây… cả tháng trời “lính điện” phải liên tục bám sát hiện trường, kiểm tra nắm bắt thực trạng phụ tải, dự kiến diễn biến công suất đột biến trong các ngày Tết, nhất là thời khắc đêm giao thừa để lập phương án, kế hoạch cấp điện phù hợp. Hình ảnh những người lính áo cam cần mẫn “bắt bệnh” trên các tuyến đường dây, trạm điện, bất kể ngày đêm nỗ lực xử lý sự cố, kịp thời thông dòng điện trước, trong và sau dịp Tết đã không còn xa lạ đối với người dân, như thể nhìn thấy áo cam là nhìn thấy ánh điện bừng sáng khắp mọi nhà. 
 

Ban lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Tĩnh thăm hỏi, động viên CBCNV Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Hà Tĩnh trong đêm giao thừa.

 

Ấy thế mà khi Tết gõ cửa, nhiều “lính điện” chẳng được ở nhà để đón Tết. Cành đào, cây mai “mua nhanh, trao vội”, chỉ kịp xoa đầu con, nắm tay vợ rồi vui vẻ nhận nhiệm vụ “vào ca”. Với họ việc đón Tết sớm/muộn hoặc đón giao thừa tại các điểm trực, thậm chí là trên lưới điện… là chuyện quá đỗi bình thường. Đối với những gia đình có chồng, con làm nghề thợ điện, việc vắng mặt trong dịp Tết cũng là chuyện đã quá quen và cần lắm sự cảm thông, thấu hiểu. Mặc dù không được cùng người thân quây quần bên nồi bánh chưng xanh trong tiết trời se lạnh của mùa xuân, cũng chẳng được sum họp trong bữa cơm ấm cúng cùng gia đình tại thời khắc thiêng liêng, quý giá nhưng người thợ điện không hề cảm thấy thiệt thòi, cũng chẳng bao giờ so bì, kể công, than vãn. Ngược lại, họ luôn cảm thấy tự hào vì đã góp công sức nhỏ bé mang đến niềm vui đoàn viên cho bao nhà sum vầy trong ánh điện ngập tràn.
 
Rồi đây, khi xuân qua, hạ tới; khi đất trời tiễn đưa cái lạnh se sắt, ẩm ướt của tiết xuân thì cũng là lúc người “lính điện” lại đón nhận ngay cái nắng nóng chói chang, oi ả của mùa hè; lại phải đối mặt với nắng cháy da, mồ hôi mặn chát, xuyên trưa, xuyên tối trên hiện trường… mặc dù thế họ vẫn luôn vững tin đương đầu bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết và luôn luôn sẵn sàng tâm thế để "chuyển mùa".

Thu sang, đông tới, vòng xoay quy luật cứ thế trôi, mỗi mùa đi qua, sức khỏe của người thợ điện dẫu không còn sung sức, làn da dẫu có nhăn nheo, rám sạm bởi sương gió và nếp thời gian, nhưng niềm tin, ý chí, nghị lực của người thợ điện thì ngày càng trở nên mạnh mẽ, kiên cường.
 
Khi mùa xuân đi qua, ba mùa hạ, thu, đông vẫn đứng đó chờ người thợ điện với những công việc lặp đi lặp lại: cân pha, san tải, khắc phục, củng cố đường dây… mùa nắng cũng vội, mùa mưa cũng vội, chưa kịp nghỉ chân thì đã phải “tăng tốc” với những công việc về đích cuối năm… vậy đâu mùa được gọi là “mùa nghỉ” cho người thợ điện?. 

Phương Thảo