Nguồn cung lớn làm giá chứng khoán khó tăng

Thứ năm, 12/8/2010 | 15:55 GMT+7
Dòng tiền mới đổ vào còn hạn chế, trong khi sức mua khó có khả năng chống đỡ nổi các đợt cung cổ phiếu lớn, là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chao đảo mạnh trong nhiều phiên.


Kể từ đầu tháng 7, trên HOSE lẫn HNX có khoảng 30 doanh nghiệp chính thức giao dịch, với số lượng hàng trăm triệu cổ phiếu. Chưa kể cả chục công ty nộp hồ sơ đăng ký cùng với nhiều đơn vị được 2 Sở giao dịch duyệt kế hoạch niêm yết. Thêm vào đó, số doanh nghiệp niêm yết bổ sung cổ phiếu phát hành thêm khiến lượng chứng khoán được đưa vào giao dịch ước vượt 2-3 lần so với tháng 4, tháng 5 và vượt nhiều lần hồi đầu năm.

Ngoài ra, theo ước tính của Công ty chứng khoán SME, 21 nhà băng vốn dưới 3.000 tỷ đồng chạy đua tăng vốn sẽ cần huy động thêm khoảng 30 nghìn tỷ đồng. Cộng với một số ngân hàng lớn dự định niêm yết trong năm nay, tổng số vốn cần huy động của ngành này là trên 51 nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hắc Hải - Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Rồng Việt cho rằng: "Việc mất cân đối cung cầu là nguyên nhân sâu xa khiến thị trường suy giảm". Sự chú ý của nhà đầu tư gần đây tập trung nhiều vào Thông tư 13 của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi lực cầu yếu, nguồn cung ngày càng nhiều, kèm theo việc nhà băng phải bán các khoản đầu tư để đảm bảo hệ số an toàn vốn, cũng như việc áp tỷ lệ rủi ro khá cao đối với các khoản vay liên quan đến chứng khoán, đã tác động tiêu cực đến thị trường.
Song, ông Hải nhận định, về dài hạn, tăng trưởng chứng khoán sẽ phụ thuộc vào nền tảng kinh doanh cơ bản của nền kinh tế và doanh nghiệp. Sau giai đoạn mất cân đối cung - cầu như hiện tại, thị trường sẽ điều chỉnh về mức cân bằng mới. Đó là điểm mà sức mua xuất hiện nhiều hơn, nhằm đầu tư lâu dài vào triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp. Nguồn cung cổ phiếu cũng sẽ giảm bớt do mức giá phát hành, niêm yết mới không đủ hấp dẫn doanh nghiệp.

Đứng ở góc độ nhà đầu tư, anh Nam, quận 3 TP HCM cho rằng: "Nhiều hàng mới lên sàn đã thu hút lượng tiền đáng kể. Một số tổ chức, cá nhân đăng ký xả hàng cộng với những đợt phát hành cổ phiếu lớn khiến cái bánh bị chia làm nhiều phần. Sau chia, một lượng tiền của nhà đầu tư kẹt trong đám cổ phiếu chia chưa về... nên khó khăn xoay xở vốn". Theo anh, áp lực cung tăng dần trong khi dòng tiền ở thế yếu đã khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên quan ngại hơn về khả năng đi lên của thị trường.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phòng phân tích Công ty chứng khoán Sacombank cho rằng: "Chỉ số Index phụ thuộc vào nguồn vốn và nguồn cung tăng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường". Vấn đề ở đây là nhà đầu tư chỉ có 10 đồng mà có tới 10 công ty bán cổ phiếu nên chắc chắn có sự cạnh tranh. Nhà đầu tư "kén cá chọn canh" hơn trước khi quyết định giải ngân vào mã nào, chuyên gia này nhận định.

Theo phân tích của Công ty chứng khoán Sài Gòn, việc niêm yết và phát hành thêm khá lớn thời gian qua giúp nhiều công ty giải tỏa áp lực vốn vay, trong bối cảnh lãi suất ở mức cao. Tuy nhiên, anh hưởng của luồng tiền bị rút đi và hiệu ứng pha loãng cổ phiếu là trở ngại cho nỗ lực thúc đẩy thị trường trong một vài tháng tới.
Theo: VnExpress