Sự kiện

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An: “Tôi may mắn vì là một công nhân ngành Điện”

Thứ năm, 14/1/2010 | 09:35 GMT+7

Chất giọng ấm áp, lời nói hồn hậu và chan chứa xúc cảm, trò chuyện với chúng tôi trong căn phòng khách tại tư gia vào một buổi chiều đông ấm áp cuối năm, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An bồi hồi như được sống lại những ngày còn là một trong những chiến sĩ tự vệ trẻ tuổi nhất Nhà máy điện Bờ Hồ. Trong không khí gần gũi, chân tình, người công nhân lão thành ngành Điện đã đưa chúng tôi cùng trở về với tháng 12 lịch sử đong đầy những kỷ niệm của 55 năm trước.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An
“Tôi công tác ở ngành Điện trong hai khoảng thời gian ngắn, từ 1954-1960 và từ 1967-1969, tuy nhiên, quãng thời gian đó đã để lại cho tôi những ấn tượng sâu đậm nhất trong suốt cuộc đời làm việc của mình. Một trong những kỷ niệm không thể nào quên là ngày Bác Hồ về thăm nhà máy đèn Bờ Hồ mà sau này đã trở thành ngày Truyền thống ngành Điện Việt Nam. Thời đó, tôi là công nhân trực tiếp sản xuất, đồng thời tham gia trong nhóm “Tự vệ đỏ” – Nhóm của những công nhân điện trẻ tuổi, giàu nhiệt huyết và lý tưởng cách mạng. Được chọn để bảo vệ Bác trong đợt về thăm Nhà máy, đội “Tự vệ đỏ” chúng tôi ai cũng tự hào, phấn chấn, thầm nhủ: Nếu có chuyện gì nguy biến, có đạn thì sẵn sàng ôm vào lòng để bảo vệ lãnh tụ, có súng bắn sẵn sàng dùng thân mình để che.

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ từng chi tiết nhỏ trong buổi Bác về thăm, nhất là những lời căn dặn của Người: “Trước đây, các cô các chú là những người làm thuê, giờ các cô chú đã trở thành chủ nhà máy. Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải gìn giữ nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa…”. Lần đầu tiên trong đời, tôi thực sự xúc động khi nghe đến từ “làm chủ”. Trước đây, khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tôi cũng đã nghe đến từ này nhưng lúc đó trong đầu vẫn còn cảm thấy mông lung, trừu tượng. Chỉ đến khi nghe Bác nói, tôi mới thực sự cảm thấy cụ thể, mới xác định rõ những việc cần làm của một người công nhân trong tư thế làm chủ nhà máy, làm chủ dòng điện. Những lời dạy chân tình của Bác ngày ấy đã ảnh hưởng sâu sắc và truyền sức mạnh cho chúng tôi trong việc xây dựng lại nhà máy; đồng thời đánh dấu mốc cơ bản cho cuộc đời và sự nghiệp của tôi.”
 
Không chỉ với tư cách là Chủ tịch Quốc hội, đối với ngành Điện, đồng chí Nguyễn Văn An còn với một tư cách rất gần gũi, chân tình, đó là một công nhân lão thành của ngành Điện – một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển của ngành Điện, người hơn nửa thế kỷ trước đã vinh dự được đón tiếp Bác Hồ về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ và cũng là một trong những nhân chứng lịch sử quan trọng của ngành Điện Việt Nam. Từ khi còn là công nhân Nhà máy đèn Bờ Hồ, cho đến khi học tập, nghiên cứu ở Liên Xô và sau đó trở thành kỹ sư Ban Quản lý Xây lắp Trạm 110 kV Đông Anh, rồi Trưởng phòng Thí nghiệm điện Sở Quản lý phân phối điện khu vực 3… đồng chí Nguyễn Văn An đã có gần 10 năm làm việc tại ngành Điện và là một trong những Đảng viên đầu tiên của ngành. Là những người đi sau, chúng tôi thực sự cảm phục khi được biết, trong những năm làm việc tại Sở Quản lý phân phối điện khu vực 3 tại Nam Định, cùng với CBCNV và lực lượng tự vệ của điện lực, đồng chí đã không quản mưa bom, bão đạn, ngày đêm bám tuyến, đốt đuốc để dựng cột, nối dây, có mặt trong tất cả các trận oanh tạc nguy hiểm để nhanh chóng kịp thời khôi phục lưới điện, với một tinh thần chung của cả nước ngày ấy là “Tất cả cho tiền tuyến”, với một ý chí quyết tâm của riêng những người bảo vệ dòng điện: “Bom ngừng là điện phải sáng”… Kể với chúng tôi về những “ngày lao động cộng sản” vất vả nhưng đầy say mê, ông chia sẻ:
“Ngoài bảo vệ ánh sáng, tôi còn có nhiệm vụ bảo vệ các tài liệu và máy móc quan trọng, làm sao để các tài liệu, máy móc kỹ thuật được an toàn để sau này hoạt động hiệu quả, phục vụ cho công tác cải tạo nhà máy. Lúc này, ngành Điện gặp muôn vàn khó khăn bởi sự thiếu hụt của tất cả các phương tiện, dụng cụ, thiết bị… nhưng với sự thống nhất và quyết tâm cao, bước đầu chúng ta đã nâng cấp và trùng tu lại đường dây 35 kV Hà Nội - Thái Nguyên - Hưng Yên - Nam Định và một số đường dây khác.

Thời kỳ đó tôi là Phó bí thư Đoàn Thanh niên, quyền Bí thư Đoàn; đồng chí Phạm Khai (sau này là Bộ trưởng Bộ Điện lực) là Bí thư Đảng ủy giao nhiệm vụ cho tôi phát động phong trào thanh niên, trong đó có phong trào bảo vệ sứ trên các đường dây 35 kV (đưa các bát sứ lên đường dây phải bảo vệ làm sao để không bị sứt mẻ). Được giao trọng trách quan trọng, lại sẵn say mê ca dao, tục ngữ, tôi nghĩ làm sao để có một câu về phong trào dễ nhớ, dễ thuộc như ca dao, tục ngữ nên đã phóng tác câu “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” thành “nâng sứ như nâng trứng, hứng sứ như hứng hoa”. Không ngờ, câu đó được hưởng ứng mạnh mẽ và trở thành khẩu hiệu của phong trào. Rồi có những ngày chủ nhật - thời đó chúng tôi gọi là “ngày lao động cộng sản”, tất cả mọi người từ Bí thư Đảng ủy, Đoàn Thanh niên đến công nhân đều đi kéo dây dựng cột, dù không có lương, thiếu thốn vật tư thiết bị nhưng ai cũng hăng say, làm với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ, của “tinh thần lao động Cộng sản”.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm Nhà Truyền thống Điện lực Việt Nam (năm 2006) 

Gần 10 năm học tập, lao động trong ngành Điện, từng chiến đấu vào sinh ra tử để bảo vệ gìn giữ dòng điện, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An vô cùng thông cảm với những gian khó mà ngành Điện phải trải qua, thấu hiểu những nỗ lực vượt bậc của cán bộ công nhân ngành Điện để có thể đạt được những bước tiến dài không chỉ trong thời chiến mà cả thời bình:

 “Tôi cảm thấy rất may mắn vì là một công nhân ngành Điện. Thời đó, chúng tôi vẫn thường tự hào với nhau rằng: Điện cùng giao thông vận tải, thủy lợi là một ba ngành quan trọng nhất của cơ sở hạ tầng. Dù ở ngành Điện không lâu, nhưng tôi lại có cơ hội chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại và những đổi thay của ngành. Tôi luôn biết ơn các đồng chí lãnh đạo, anh em, bạn bè… đã tạo điều kiện cho chúng tôi cống hiến và phát triển".

Cùng với sự đi lên của Đất nước, hiện nay ngành Điện đã phát triển hơn rất nhiều. Từ cơ sở vật chất nghèo nàn và lạc hậu tiếp quản từ tay người Pháp, sau 55 năm chiến đấu, bảo vệ, xây dựng và phát triển, ngành Điện cách mạng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đi vào mọi mặt của đời sống, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại, và là một trong những trụ cột của nền kinh tế đất nước. Chúng ta có quyền tự hào về hệ thống đường dây 500 kV Bắc Nam, và nhiều công trình thủy điện, nhiệt điện tầm cỡ quốc tế, nhất là đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản, có đủ kinh nghiệm, trình độ để quản lý, tổ chức, tiếp thu, làm chủ công nghệ hiện đại…”.

Còn nhớ, trong thời khắc thiêng liêng chuẩn bị chuyển giao giữa năm Ất Dậu và năm Bính Tuất 2006, trước không khí đầm ấm thân tình, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An ngày ấy không chỉ với tư cách một lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà còn với tư cách là một công nhân lão thành ngành Điện trở về thăm đại gia đình Điện lực đã bồi hồi tâm sự: “Tôi thật sự xúc động mỗi lần về thăm ngành Điện. Là người trưởng thành từ ngành Điện, tôi rất biết ơn sự nuôi dưỡng của ngành Điện và vô cùng tự hào về sự phát triển vượt bậc của Điện lực Việt Nam hôm nay…”.  Đánh giá cao và biểu dương những thành tựu to lớn ngành Điện đạt được trong những năm qua, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nhiệm vụ “đi trước một bước” của ngành Điện và khẳng định: “Vị trí của ngành Điện vô cùng vẻ vang song cũng rất nặng nề, nếu ngành Điện không thực hiện được nhiệm vụ của mình thì cả nước sẽ không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình…”.

Mặc dù vô cùng bận rộn với công việc của Đảng, Chính phủ, song trong những năm tháng giữ trọng trách đứng đầu Quốc hội, đồng chí Nguyễn Văn An vẫn không ngừng dõi theo những bước đi của Điện lực Việt Nam và luôn coi ngành Điện như “cái nôi” trưởng thành. Với một tình cảm gần gũi, với những lời tâm sự hết sức chân tình, cuộc trò chuyện giữa thế hệ trẻ ngành Điện chúng tôi với Nguyên Chủ tịch Quốc hội, người anh cả, người đồng chí, đồng nghiệp, người cán bộ lão thành ngành Điện - đồng chí Nguyễn Văn An dường như không còn khoảng cách.

Chúng tôi không ai nói ra, song qua không khí ấm áp của buổi trò chuyện và bằng linh cảm của một người con - người cán bộ lão thành ngành Điện, có lẽ Ông hiểu được tâm tư, nguyện vọng giản dị của thế hệ trẻ chúng tôi đối với các thế hệ tiền bối. Chúng tôi luôn chờ đón, mong mỏi ngày sum họp của gia đình Điện lực vào dịp 21/12 hàng năm, để các thế hệ có thể cùng nhau ôn lại những ký ức một thời gian khó mà oanh liệt; để cùng chia sẻ với chúng tôi những thách thức, khó khăn; để chung vui với những thành công của ngành Điện thời kỳ đổi mới, và để tiếp tục đưa đường, chỉ lối cho những người kế tục ngành Điện hôm nay và ngày mai.

Hà Nội, tháng 12/2009

Theo: Tạp chí Điện lực