Đến ngày 1/3/2016 mức nước hồ thủy điện A Vương thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 đến 5,7m, thấp hơn mức nước tối thiểu của quy trình liên hồ 3,64 m. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mực nước tại hầu hết các hồ chứa thủy điện đang xuống rất thấp, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất điện và đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng hạ du. Mặc dù vậy, EVN vẫn ưu tiên số 1 nước cho sản xuất và đời sống vùng hạ du thủy điện và yêu cầu các chủ hồ chứa thủy điện phải thực hiện. Vậy, EVN sẽ huy động điện như thế nào, và giải pháp nào đảm bảo điện, nước cho phát triển kinh tế và đời sống trong bối cảnh hạn hán kéo dài ? PV Nguyên Long đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Xuân Khu - PGĐ Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) về nội dung này.
PV: Thưa ông, một số NMTĐ ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ đã phải ra khỏi thị trường điện để điều tiết nước theo Quy trình vận hành liên hồ chứa phục vụ nước cho mùa kiệt vùng hạ du thủy điện - dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền địa phương. Thực tế hiện nay đã có bao nhiêu nhà máy thủy điện phải ra khỏi thị trường điện để thực hiện nhiệm vụ này ?
Ông Vũ Xuân Khu: Khi mức nước hồ chứa của các nhà máy thủy điện xuống thấp quá mức quy định thì phải tách ra tham gia gián tiếp thị trường điện, còn gọi là ra khỏi thị trường điện. Điều này đã được Thông tư của Bộ Công thương quy định. Tính tới thời điểm hiện nay có 12 nhà máy thủy điện đang phải tham gia gián tiếp thị trường điện, bao gồm: Đại Ninh, Bắc Bình, Hàm Thuận, Đa Mi, Cửa Đạt, Kanắk, An Khê, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp, Srêpốk 3.
PV: Thực tế mực nước các hồ thủy điện hiện nay ra sao - đặc biệt là các hồ thủy điện khu vực miền Trung, Tây Nguyên ?
Ông Vũ Xuân Khu: Do ảnh hưởng mạnh mẽ của hiện tượng El Nino kéo dài suốt từ năm 2015 đến nay, đã tách động trực tiếp đến các hồ thủy điện khu vực miền Nam và miền Trung, lưu lượng nước về hầu hết các hồ ở 2 khu vực này thấp hơn nhiều so với các năm qua. Tính đến thời điểm ngày 31/03/2016, lượng nước còn lại trong các hồ chứa thủy điện trên toàn hệ thống là 20.34 tỷ m3, thấp hơn 2.51 tỷ m3 so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng các hồ miền Trung và miền Nam mặc dù suốt từ cuối năm 2015 đến nay khai thác rất hạn chế mà chủ yếu chạy để đáp ứng nước hạ du, nhưng đến nay lượng nước còn lại là 5.90 tỷ m3, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 2.5 tỷ m3 (cùng kỳ là 8.39 tỷ m3). Về mực nước của hầu hết các hồ chứa thủy điện khu vực Tây Nguyên đều thấp hơn so với cùng kỳ, cụ thể như sau: hồ Pleikrông thấp hơn 6.8 m; Kanắk: 1.53 m; Đồng Nai 3: 3.83m; Hàm Thuận: 1.47m; Đại Ninh: 3.66 m, đặc biệt là hồ Ialy thấp hơn 9.36m.
PV: Việc đưa ra khỏi thị trường điện các nhà máy thủy điện - có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp - Nhà máy thủy điện cũng như việc đảm bảo điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là cao điểm mùa khô năm 2016 này ?
Ông Vũ Xuân Khu: Việc đưa các NM thủy điện tham gia gián tiếp thị trường điện khi mực nước thấp là điều bắt buộc và đã được quy định nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện và đảm bảo cấp nước hạ du. Đây là việc mà các đơn vị phát điện không mong muốn do họ mất đi cơ hội tham gia TTĐ của mình, tuy vậy hầu hết các đơn vị phát điện đến nay đều cho rằng việc cung cấp nước cho các địa phương là nhiều vụ hết sức quan trọng cần phải làm. Mặc dù lượng nước ở các hồ thủy điện khu vực miền Nam và miền Trung còn không nhiều nhưng theo cân đối của chúng tôi ngay từ đầu năm việc thiếu thụ sản lượng của các nhà máy thủy điện miền Nam và miền Trung sẽ được bù bởi các dạng nguồn khác kể cả nguồn dầu.
PV: Ông có nói về sự giảm sút đáng kể lượng nước về các hồ thủy điện cũng như những khả năng ảnh hưởng tới tình hình cung ứng điện mùa khô năm nay. Vậy, xin ông cho biết cụ thể, lượng điện huy động từ các NM thủy điện kể từ đầu mùa khô trong 3 tháng đầu năm nay như thế nào, so với cùng kỳ ra sao ?
Ông Vũ Xuân Khu: Qua 3 tháng đầu năm, sản lượng điện huy động từ các nhà máy thủy điện trên toàn hệ thống chỉ đạt 8.38 tỷ kWh, thấp hơn 2.14 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó riêng đối với khu vực miền Trung và miền Nam chỉ đạt 3.3 tỷ kWh, thấp hơn tới 1.7 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái, như vậy chỉ đạt 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng hụt của các nhà máy thủy điện được bù bởi các dạng nguồn điện khác, kết quả việc cung cấp điện 3 tháng qua được đảm bảo, hệ thống vận hành an toàn.
Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah đang chạy máy phát điện, cung cấp nước cho hạ lưu với lưu lượng 100 m3/giây. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
PV: Nhu cầu điện của mùa khô 2016 tiếp tục tăng cao, trong bối cảnh hiện nay công suất nguồn điện từ thủy điện vẫn chiếm khoảng hơn 30% toàn hệ thống, liệu chúng ta có cân đối được nguồn điện để đảm bảo điện mùa khô hay không ?
Ông Vũ Xuân Khu: Đến thời điểm hiện nay, tổng công suất đặt của toàn hệ thống điện quốc gia đạt 38.642 MW, công suất phụ tải khoảng 25.000 MW, như vậy về mặt tổng thể thì hệ thống có đủ công suất và có dự phòng để đáp ứng nhu cầu phụ tải. Tuy nhiên, tương tự những năm qua, việc cung cấp điện cho miền Trung và Nam gặp khó khăn do phải truyền tải một lượng lớn điện năng từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. Vì vậy, việc đảm bảo đủ điện cho miền Nam, miền Trung đồng nghĩa với hệ thống điện được cung cấp đủ điện. Có nhiều giải pháp cân đối được nguồn điện khu vực miền Nam và miền Trung trong đó có vấn đề khai thác thủy điện khu vực này. Kể từ cuối năm 2015 đến nay việc khai thác các hồ thủy điện miền Nam và miền Trung rất hạn chế mà chủ yếu khai thác đáp ứng các yêu cầu hạ du để dành lượng nước còn lại cho thời gian sắp tới. Theo tính toán cân đối cập nhật của chúng tôi cho thấy các tháng còn lại của mùa khô, tiếp tục huy động tối đa các nguồn nhiệt điện than và Tuarbin khí và huy động cả các nguồn dầu thì việc cung cấp điện được đảm bảo.
PV: Cụ thể các giải pháp EVN triển khai thực hiện để đảm bảo điện - đặc biệt cao điểm mùa khô như thế nào?
Ông Vũ Xuân Khu: Để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế của đất nước, ngay từ các tháng cuối năm 2015 Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã và đang thực hiện đồng bộ hàng loạt các giải pháp, trong đó tập trung vào mốt số giải pháp lớn như huy động tối đa Nhiệt điện than và Tuarbin khí khu vực miền Nam; trong khi đó khai thác tiết kiệm thủy điện miền Nam và miền Trung mà chủ yếu chỉ để đáp ứng yêu cầu nước hạ du. Tận dụng khả năng truyền tải Bắc-Trung và Trung Nam mọi thời điểm để truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam. Dự kiến trong tháng 4 chúng tôi sẽ đưa vận hành các bộ tụ bù dọc đoạn Pleiku2- Cầu Bông để tăng khả năng tải từ Trung vào Nam. Bố trí lịch sửa chữa nguồn điện hợp lý, đến thời điểm hiện nay các các kế hoạch sửa chữa Tuarbin khí và nhiệt điện than đã xong, hiện sẵn sang cao nhất trong các tháng đỉnh điểm mùa khô tới. Phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam cung cấp đủ nhiên liệu khí, than cũng như vận hành ổn định các nhà máy của các Tập đoàn này.
PV: EVN đã phải huy động điện từ nguồn chạy dầu. Cụ thể việc này như thế nào thưa ông ?
Ông Vũ Xuân Khu: Để đảm bảo cung cấp điện cho năm 2016 nói chung và mùa khô nói riêng, xét mức độ ảnh hưởng của El Nino đối với việc cấp nước và đảm bảo an ninh cung cấp điện của mùa khô 2016, ngay từ cuối năm 2015 EVN đã huy động tối đa các nguồn điện nhiệt diện than và Tuarbin khí khu vực miền Nam và có cả nguồn điện chạy dầu để giữ nước các hồ thủy điện. Bước sang năm 2016, chúng tôi vẫn tiếp tục huy động các nguồn chạy dầu để giữ nước thủy điện.
Thực tế, tổng sản lượng chạy dầu trong 03 tháng năm là 355 tr.kWh, theo tính toán cập nhật dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục huy động dầu. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của EVN ngay từ những tháng cuối năm 2015, chúng tôi đã và đang thực hiện hàng loạt các giải pháp, vì vậy việc cung cấp điện mùa khô này sẽ được đảm bảo.