Sự kiện

EVN NPC: Đơn vị dẫn đầu về phát triển lưới điện vùng sâu, vùng xa

Thứ năm, 23/9/2010 | 09:59 GMT+7

Với nhiệm vụ quản lý, phân phối, kinh doanh hệ thống điện lưới ở khu vực phía Bắc và Bắc miền Trung, các đơn vị điện lực của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) được coi là khó khăn vất vả nhất trong các công ty phân phối điện. Thế nhưng các thế hệ cán bộ, công nhân viên luôn khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra.

Ảnh: Ngọc Hà

Gian nan đưa điện lên non

Tây Bắc là xứ sở nổi tiếng với khí hậu lúc mưa lúc nắng, những nỗi hiểm nguy trên những cung đường quanh co, khúc khuỷu, những con đèo chênh vênh, một bên là vách núi dựng đứng, bên kia là vực sâu thăm thẳm, bên này đèo thì trời nắng chang chang, bên kia đèo là sương mù dày đặc hoặc mưa lấp cả đường đi, thậm chí những cơn lũ bất ngờ đổ về ngay cả khi trời đang nắng. Gian nan là vậy nhưng miền núi Tây Bắc cứ như có ma lực hấp dẫn cánh nhà báo. Có lẽ không chỉ vì nơi đây có Thủy điện Sơn La nổi tiếng cả Vùng Đông Nam Á mà còn vì những đường dây điện treo trên sườn núi, những bóng áo vàng cam thấp thoáng trong những bản làng. Quả thực, mỗi lần nhìn thấy những bóng áo vàng cam ở vùng núi xa xôi này, dù chẳng kịp chào hỏi nhau nhưng chúng tôi luôn có cảm giác như gặp lại người nhà và cũng không tránh khỏi nao nao khi nghĩ đến chặng đường vất vả các anh phải trải qua để đem ánh sáng điện đến với đồng bào nơi đây.

Vốn được coi là nơi có địa hình hiểm trở nhất cả nước, suất đầu tư cho lưới điện ở vùng cao lên tới 20 triệu đồng/hộ, riêng các xã nằm sát biên giới có thể lên tới 80 triệu đồng/hộ. Chưa kể sau khi đầu tư xây dựng, đưa vào quản lý vận hành thì luôn phải bù lỗ do sản lượng điện quá thấp; chi phí quản lý, vận hành lưới điện và mức độ nguy hiểm đối với anh em công nhân rất lớn. Tôi đã được nghe nhiều câu chuyện các anh đi phát quang hành lang tuyến gặp thú dữ rắn rết ra sao, đi thu tiền điện vòng vèo đèo dốc cả trăm cây số như thế nào để thu được mấy chục ngàn, tính ra tiền xăng còn tốn hơn nhưng nếu không thu sợ bà con bản nọ so sánh với bản kia. Rồi chuyện khiêng máy biến áp qua bao đèo núi để cấp điện cho bà con. Gian nan có thừa, doanh thu rất thấp nhưng EVN NPC vẫn là đơn vị dẫn đầu toàn ngành về công tác phát triển lưới điện về các xã miền núi biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Phúc Vinh – Tổng giám đốc EVN NPC tự hào khoe: Trong thành tích 100% số huyện có điện lưới và điện tại chỗ; 97,78% số xã và 95,4% số hộ dân nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia có đóng góp rất lớn của EVN NPC. Chưa kể các tỉnh Ninh Bình, Hải Dương, Hải Phòng, đến hết 30/6/2010, toàn Tổng Công ty đã có 4.495 xã với 5.451.619 hộ dân có điện lưới quốc gia. Tiếp nhận bán điện đến 3.034.395 hộ dân nông thôn trên địa bàn 3.298 xã. Khối lượng giao nhận  là 40.248 km đường dây hạ áp, 2.993.793 công-tơ điện các loại, giá trị tài sản còn lại là 1.152 tỷ đồng. Đây là công việc vô cùng khó khăn, gặp nhiều rào cản, nhu cầu vốn cho đầu tư cải tạo rất lớn, tăng lao động và chi phí quản lý, trong điều kiện hoạt động tài chính vô cùng hạn hẹp nhưng vì lợi ích của nhân dân, EVN NPC đã nỗ lực cao độ. Những tỉnh khó khăn xa xôi nhất như Sơn La cũng đã kéo điện lưới quốc gia đến được 100% huyện, thành phố, 98,44% số xã và 73% số hộ được sử dụng điện. Tỉnh Điện Biên cũng đã đưa điện lưới quốc gia tới 100% huyện, thị với 72% số hộ dân  được sử dụng điện lưới quốc gia. Để giảm tổn thất điện năng, căn cứ vào hiện trạng lưới điện từng xã, bản, EVN NPC đã chỉ đạo các đơn vị Điện lực thực hiện đầu tư tối thiểu, nâng cao chất lượng điện cho các xã vừa tiếp nhận, áp giá đúng đối tượng theo biểu giá điện Chính phủ quy định và nâng giá bán bình quân.

Hướng tới mục tiêu 24 tỷ kWh điện thương phẩm

Từ những năm cuối thế kỷ 20, cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, nhu cầu sử dụng điện khu vực phía Bắc tăng đột biến, trong khi nguồn điện luôn thiếu công suất, lưới phân phối cũ nát, xuống cấp, điện áp nhiều khu vực giảm thấp, tổn thất điện năng cao. EVN NPC đã huy động mọi giải pháp khắc phục như đầu tư, cải tạo hàng chục nghìn hạng mục công trình với tổng giá trị đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng đầu tư hơn 18%/năm. Năm 2009, điện thương phẩm của EVN NPC đạt 20,89 triệu kW giờ. Tỷ lệ tổn thất điện năng là 6,09%, tổng số khách hàng đạt 5.511.554, tăng 2.596.561 khách hàng so với năm 2008. Doanh thu tiền điện đạt 17.781,6 tỷ đồng, tăng 24,5% so với năm 2008. Năm 2010, EVN NPC  phấn đấu đẩy mạnh cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn, đưa tỷ lệ tổn thất lưới hạ thế khu vực tiếp nhận 2009 xuống dưới 15%, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng sản xuất.

Bên cạnh nhiệm vụ quản lý vận hành lưới điện có cấp điện áp từ 110 kV trở xuống, kinh doanh phân phối điện năng, EVN NPC còn mở rộng thêm nhiều nhiệm vụ khác như: Kinh doanh dịch vụ viễn thông công cộng và công nghệ thông tin; đầu tư kinh doanh các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ; đầu tư kinh doanh bất động sản, khách sạn, du lịch; đầu tư kinh doanh vật tư, thiết bị điện; tư vấn đầu tư xây dựng, xây lắp các công trình điện và các công trình viễn thông công cộng...  triển khai thực hiện thành công nhiều dự án hợp tác với nước ngoài ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga... tạo đà cho hướng hợp tác quốc tế sau này. Đàm phán hợp tác mua bán điện với các công ty điện lực Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc, bổ sung công suất cho lưới điện gần 200 MW. Nguồn bổ sung này hằng năm được duy trì khoảng 800 triệu kWh. Với mục tiêu phấn đấu điện thương phẩm năm 2010 đạt 24 tỷ kWh, EVN NPC luôn có mặt ở những nơi gian khổ khó khăn nhất để giữ nguồn sáng cho bà con vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Ngọc Loan