Sự kiện

Giá điện còn… quá thấp!

Thứ sáu, 24/9/2010 | 09:20 GMT+7

Từ những băn khoăn của đông đảo độc giả về cơ chế giá điện, ưu và nhược của việc bán điện với giá thấp (dưới giá thành), để rộng đường dư luận, Tạp chí Điện lực số này xin đưa ra ý kiến từ các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp… về vấn đề này.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành - Cố vấn cao cấp Tập đoàn Tài chính quốc tế Mỹ (AIG)
 
Theo tôi, giá điện hiện tại của Việt Nam là quá thấp. EVN cũng là một doanh nghiệp, điện cũng là một sản phẩm hàng hóa mà phải bán dưới mức giá thành thì kinh doanh để làm gì? Cần phải tách bạch 2 vấn đề: Cơ chế chính sách cho người nghèo và kinh doanh điện. Với các hộ nghèo thì theo tôi, ngành Điện cũng không bán với giá lỗ. Với những khách hàng khác thì phải tính giá điện theo cơ chế thị trường. Đừng để một đơn vị kinh doanh phải gánh nhiệm vụ bao cấp tràn lan như hiện nay là lãng phí. Cần có sự thay đổi trong cơ chế giá điện, làm sao để ngành Điện hội tụ điều kiện tốt trong hoạt động nhằm phát triển bền vững hơn.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục quản lý Giá (Bộ Tài Chính):
 
Thực tế trong năm nay, ngành Điện gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, diễn biến thời tiết bất thường, nắng hạn kéo dài làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Còn mức độ lỗ lãi bao nhiêu thì phải cuối năm quyết toán mới tính hết được. Về giá điện hiện nay, một số yếu tố chi phí đầu vào chưa tính đủ. Giá than chẳng hạn. Vừa rồi than bán cho điện được cho phép tăng 27%, nhưng thực tế trên thị trường than đã tăng 60%. Điều đó cho thấy một số yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất điện chưa theo kịp thời những biến động của thị trường.
Ts Cao Sỹ Kiêm - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội:
 
Giá điện của Việt Nam thấp nếu so sánh với thế giới. Theo cam kết của lộ trình hội nhập thì không những giá điện mà giá các mặt hàng khác sẽ phải ngang bằng với giá thế giới. Hạn chế của giá điện thấp là không khuyến khích được các nhà đầu tư nhất là nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành Điện. Giá điện có thể khuyến khích đầu tư phải ngang với  giá điện trên thế giới (trên 8 cent/kWh). Nhưng điện, xăng dầu… là những mặt hàng thiết yếu, nhạy cảm, khi những mặt hàng này tăng giá thì ngay tức thì có tác động dây chuyền nên phải tính toán hết sức thận trọng. Từ giờ đến hết năm, Quốc hội và Chính phủ chủ trương giữ giá cả nhất là những mặt hàng thiết yếu để chống lạm phát, đảm bảo cân đối kinh tế vĩ mô. Trong tương lai, nếu đưa giá điện vận hành theo cơ chế thị trường thì giá điện sẽ cao hơn bây giờ rất nhiều, do đó phải cân nhắc phương án điều chỉnh giá điện theo nhiều giai đoạn, làm sao vừa đảm bảo những cam kết hội nhập của chúng ta mà vẫn ổn định được nền kinh tế vĩ mô.

Ông Trần Văn An - Tổng giám đốc Công ty D.C.N (Tp.HCM):
 
Thời điểm cao điểm về cung cấp điện vừa qua, đa phần các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rất thông cảm với những nỗ lực của ngành Điện. Hầu hết doanh nghiệp đều hiểu hạn hán bất thường là nguyên nhân chính, khách quan nằm ngoài tính toán của ngành Điện.

Về giá điện hiện nay, giá điện Việt Nam thấp nhất trong khu vực. Đó được xem là một thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khi hạch toán chi phí giá thành sản phẩm. Thiết nghĩ, doanh nghiệp Việt Nam nên có ý thức tiêu dùng điện hợp lý và tiết kiệm điện thực sự hiệu quả hơn. Giá cả các hàng hóa nói chung và giá điện nói riêng theo cơ chế thị trường là phù hợp với quy luật kinh tế. Nếu giá điện được điều chỉnh theo lộ trình thích hợp, dù tăng hay giảm, doanh nghiệp cũng sẽ chung tay chia sẻ với ngành Điện.

Theo: TCĐL số 8/2010