Cánh đồng điện gió kết hợp điện mặt trời ở huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.
Nắng và gió ở Ninh Thuận thực sự làm hài lòng các nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió. Bởi nơi đây có độ chiếu sáng mặt trời lớn, thời gian chiếu sáng dài và đồng đều nên có điều kiện tiếp nhận hàng năm một lượng bức xạ mặt trời rất lớn, trên 230 kcal/cm2. Số giờ nắng trung bình cả năm trong khoảng 2.600 - 2.800 h, phân bố tương đối đồng đều cả năm. Hơn 90% số ngày trong năm có thể sử dụng được năng lượng mặt trời, mỗi năm có 9 tháng nắng (tương đương 200 ngày nắng mỗi năm). Vì vậy, Ninh Thuận được đánh giá là tỉnh có tiềm năng năng lượng mặt trời lớn nhất nước.
Cánh đồng điện gió kết hợp điện mặt trời ở huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.
Cùng với nắng là gió. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,5 m/s, ở độ cao 65m và mật độ gió từ 400-500 W/m2 trở lên, cao nhất trong khu vực phía Nam. Tốc độ gió mạnh nhất trong năm từ 18-20 m/s (ở độ cao 12m). Đặc biệt, nơi đây ít bão, lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng và tốc độ từ 6,4 - 9,6 m/s đảm bảo ổn định cho tua-bin gió phát điện, tạo tiềm năng rất lớn về phát triển điện gió. 5 năm trở lại đây, Ninh Thuận “khoác” lên mình tấm áo mới, đó là sự phát triển mạnh các nhà máy, dự án chuyên về lĩnh vực NLTT.
Cánh đồng điện gió ở huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.
Chỉ tính riêng Dự án Tổ hợp NLTT điện gió và điện mặt trời của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (đặt tại xã Lợi Hải và xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc) là Tổ hợp NLTT điện gió và điện mặt trời lớn nhất và duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á cho đến thời điểm hiện tại. Với quy mô tổng công suất trên 355 MW (trong đó điện mặt trời là 204 MW; điện gió là 151 MW) đã khai thác tối đa phần diện tích đất phía dưới các tua-bin trụ gió để phát triển trang trại điện mặt trời; góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất; nhất là khai thác tối ưu hiệu quả nguồn lực đất đai hoang hóa, thiếu nước tưới, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả để sản xuất năng lượng.
Cánh đồng điện gió ở huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.
Dự án nói trên được khánh thành ngày 16/04/2021 là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng của Trungnam Group trong định hướng phát triển năng lượng bền vững của Tập đoàn. Tổ hợp NLTT Trung Nam (gồm trang trại điện gió và trang trại điện mặt) được đấu nối trực tiếp với hệ thống lưới điện quốc gia thông qua Trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm. Tổng sản lượng khai thác hàng năm của Tổ hợp năng lượng Điện gió - Điện mặt trời Trung Nam đạt 950 triệu kWh - 1 tỷ kWh điện mỗi năm.
Cánh đồng điện gió ở huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.
Từ một địa phương còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, thời gian qua Ninh Thuận đã nỗ lực vượt khó, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bứt phá, hiệu quả trên cơ sở phát triển năng lượng là khâu đột phá, trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội. Chính nhờ hướng đi này mà nhiều năm liền Ninh Thuận thuộc top 5 tỉnh thành trong cả nước có tăng trưởng kinh tế cao nhất nước, hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Riêng năm 2019 và 2020, ngân sách đạt trên 4.270 tỷ đồng, gấp hàng chục lần so với khi chưa phát triển ngành NLTT. Với một diện mạo mới đầy tự tin, Ninh Thuận đang “cất cánh” bằng tiềm năng dồi dào sẵn có của mình từ nắng và gió.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Ninh Thuận, việc chú trọng phát triển NLTT góp phần đáng kể thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp năng lượng sạch; đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách địa phương; giải quyết việc làm mới cho trên 17.380 lao động…
Sự xuất hiện của nhiều dự án năng lượng sạch giúp Ninh Thuận phát triển bứt phá, bền vững, hiệu quả. Người dân nơi đây có một cuộc sống tốt hơn, điều này dễ dàng nhận thấy khi đến Ninh Thuận.