Ninh Thuận định hướng phát triển năng lượng xanh làm đòn bẩy bứt phá

Thứ hai, 6/2/2023 | 08:58 GMT+7
Ninh Thuận tập trung vào các nhóm ngành đột phá, trụ cột với trọng tâm xây dựng tỉnh trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, phát triển tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng.

Trang trại điện gió Trung Nam được khánh thành tại huyện Thuận Bắc. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Phát triển ngành năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đang đóng vai trò đặc biệt quan trọng, trở thành động lực bức phá và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của Ninh Thuận.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận -Trần Quốc Nam khẳng định đây là hướng đi đúng đắn, là xu thế phát triển tất yếu của tỉnh trong thời gian tới.

Tài nguyên gió và năng lượng Mặt trời lớn nhất nước

Tham dự Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng, ngày 5/2, lãnh đạo Ninh Thuận cho biết tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ đồng thời nằm ở giao điểm của 3 tuyến đường giao thông chiến lược là Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc-Nam và Quốc lộ 27 lên Tây Nguyên...

Theo đó, Ninh Thuận có vị trí quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc và có nguồn tài nguyên gió và năng lượng Mặt trời lớn nhất cả nước. Đây là nguồn tài nguyên quý giá cho việc phát triển kinh tế biển và năng lượng tái tạo (điện gió, điện Mặt trời), du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng, khai thác hải sản, sản xuất muối công nghiệp quy mô lớn, cảng nước sâu, phát triển công nghiệp ven biển, logistics...


Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Tuy nhiên, ông Nam cho biết điều kiện khí hậu và tự nhiên của địa phương rất khắc nghiệt, thường xuyên chịu tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn... Điều này đã làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân trong tỉnh.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhất là các khó khăn về xuất phát điểm nền kinh tế của tỉnh thấp, quy mô còn nhỏ, chậm phát triển, đặc biệt là khi Trung ương dừng chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân, điều này đã tác động và ảnh hưởng rất lớn đến định hướng, chiến lược cũng như kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Song với quyết tâm hướng tới phát triển nền “kinh tế xanh,” ông Trần Quốc Nam cho biết tỉnh đã chuyển hướng chiến lược từ chủ yếu dựa trên trục phát triển chính là điện hạt nhân sang phát triển, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về năng lượng tái tạo, kinh tế biển, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch. Theo đó, Ninh Thuận sẽ tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và cơ cấu lại trong từng ngành, lĩnh vực nhằm tạo động lực mới, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

“Trước đó, tỉnh đã tập trung tham mưu và được Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP, ngày 31/8/2018 về một số cơ chế đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân (giai đoạn 2018-2023) với nhiều cơ chế chính sách mới. Trong đó, tỉnh tập trung vào các nhóm ngành đột phá, trụ cột, nhất là chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, phát triển tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)...," ông Nam cho hay.

Đòn bẩy bứt phá

Trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ, ông Nam chia sẻ tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, như cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cụ thể hóa Nghị quyết thành các quy hoạch chuyên ngành về năng lượng, đất đai, xây dựng,... và chủ động rà soát, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kết nối giao thông, truyền tải điện.

“Đặc biệt, tỉnh đã kịp thời kiến nghị những vấn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật và đề xuất các giải pháp cho phép Ninh Thuận thực hiện thí điểm cơ chế xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng truyền tải điện...,” ông Nam nói.

Đến nay, Ninh Thuận đã thu hút đầu tư 56 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất gần 3.500MW và ghi nhận sản lượng điện năm 2022 đạt trên 7 tỷ kWh. Kết quả này đã đóng góp lớn cho tăng trưởng của tỉnh đồng thời là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển bứt phá, hiệu quả; đưa Ninh Thuận vào nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước trong những năm gần đây.

Để góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và chủ trương phát triền bền vững năng lượng xanh, năng lượng tái tạo thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới, lãnh đạo Ninh Thuận đề xuất Trung ương sớm xây dựng, phê quyệt và tổ chức thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để xác định không gian phát triển trên lãnh thổ vùng làm căn cứ và định hướng lập các quy hoạch của tỉnh, quy hoạch chuyên ngành.

Theo đó, các cấp cần sớm xây dựng, hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách đặc thù cho vùng để thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển và chính sách phát triển kết cấu hạ tầng kết nối.

Ông Nam nhấn mạnh, "Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, hầu hết các địa phương nguồn lực còn hạn chế, phải thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí khậu". 

Vì vậy, Trung ương cần có những ưu tiên về nguồn lực để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, các dự án trọng điểm quốc gia quy mô lớn để làm hạt nhân thu hút, thúc đẩy các ngành nghề phát triển, gắn với có cơ chế huy động đa dạng hóa các nguồn lực để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, tạo ra liên kết vùng,” ông Nam kiến nghị.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nguồn vốn tín dụng đầu tư do Ngân hàng Phát triển giải ngân trên phạm vi cả nước (trong đó có Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ) trong giai đoạn 2006-2021 đạt 204.772 tỷ đồng. Mục tiêu là đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, góp phần tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho nền kinh tế thông qua hoạt động cho vay đối với nhiều chương trình/dự án trọng điểm trong một số lĩnh vực chủ yếu (như hạ tầng công nghiệp, sản xuất và truyền tải điện, xi măng, hóa chất, nông nghiệp, nông thôn, an sinh xã hội, kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông nông thôn, tôn nền vượt lũ…).

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc cho vay lượng vốn lớn đối với các dự án trọng điểm đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa phát triển vùng/miền và các ngành thương mại, sản xuất vật liệu.

Về các chính sách thu ngân sách, tín dụng ưu đãi, người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định cơ quan này sẽ tiếp tục rà soát lại các ưu đãi về thuế, phí, tín dụng để khuyến khích đầu tư phát triển đồng thời thu hút các dự án đầu tư ở các lĩnh vực là thế mạnh của vùng, bao gồm cảng nước sâu, các ngành công nghiệp dựa vào cảng biển có cơ hội phát triển, như lọc hóa dầu, đóng tàu, sản xuất thép, công nghiệp nặng, công nghiệp ôtô...

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm ngành sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi về thuế, phí theo hướng thu hẹp lĩnh vực ưu đãi, trong đó tập trung và có mức ưu đãi cao hơn cho doanh nghiệp, dự án đầu tư phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ mũi nhọn của vùng./.

Link gốc

Theo: Vietnam Plus