Cùng với những chứng nhận thành tích và danh hiệu thi đua ấy là hình ảnh đảng viên Lê Ngọc Phong bản lĩnh và mẫu mực, một Chủ tịch Công đoàn cơ sở luôn sâu sát giúp đỡ những đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, luôn hoà đồng, tình nghĩa với anh em. Thấu hiểu và cảm thông sâu sắc với người lao động, bởi chính anh cũng xuất phát từ hoàn cảnh đặc biệt: Suốt 17 năm trường, với đồng lương công nhân eo hẹp, vợ chồng anh phải thuốc thang chạy chữa cho đứa con lớn – cháu Lê Ngọc Danh bị mắc căn bệnh bại não bẩm sinh, đồng thời lo cho đứa nhỏ ăn học. Song, dù cố gắng đến đâu thì con người cũng không thể chiến thắng được số phận, đến năm 2002 cháu Danh mất. Vượt qua những khó khăn và nỗi đau riêng, với nhiệm vụ là tổ trưởng Tổ đóng cắt điện thuộc Phòng kinh doanh Điện lực Phú Thọ, anh luôn tích cực nghiên cứu, học tập, sáng tạo, nỗ lực cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trở lại thời điểm năm 1981, sau khi tốt nghiệp trường Công nhân Kỹ thuật Điện với bậc nghề 3/7, chàng trai xứ Gò Công Tây - Lê Ngọc Phong được toại nguyện nối nghiệp cha là Lê Văn Sen, một công nhân điện đã nghỉ hưu. Anh được bố trí công tác tại Chi nhánh điện Bắc TP Hồ Chí Minh (nay là Điện lực Phú Thọ). Từ 1 công nhân quản lý vận hành trạm điện, sau 5 năm anh được đề bạt làm Trưởng ca Điều độ, rồi 5 năm sau nữa - trở thành tổ trưởng Tổ điều độ (năm 1995 đổi thành Đội vận hành lưới điện Điện lực Phú Thọ). Đầu năm 2006, anh lại nhận nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ đóng cắt điện thuộc Phòng Kinh doanh Điện lực. Công việc cụ thể của 12 anh em trong Tổ là “cầm sào” đi đóng điện và cắt điện theo phương thức vận hành của Điều độ Điện lực. Có lúc cắt điện là để sửa chữa, nhưng cũng có lúc cắt điện do khách hàng nợ tiền điện. Đây quả thực là một công việc đầy phức tạp, không tránh khỏi va chạm khi quản lý gần 100.000 khách hàng. Theo Lê Ngọc Phong, để thu hồi tiền điện đạt tỷ lệ thu 100% cho Điện lực mà không làm cho khách hàng khó chịu thì phải “có bài”. Từ kinh nghiệm thực tế, anh đã dày công thuyết phục có lý, có tình, động viên sự tự giác của khách hàng là chính, cách “cắt điện” như vậy đồng đội gọi là “cắt điện thông minh”. Anh tâm sự: “Cái nghề này khó lắm, phải nắm được hoàn cảnh, tâm lý từng khách hàng. Bản thân phải vững về pháp luật, quy định. Có lúc “mềm” nhưng có lúc phải kiên quyết trước sự ngang ngược, liều lĩnh của khách hàng”. Anh nhắc đến 1 kỷ niệm nghề nghiệp: Đó là trường hợp của khách hàng Chung Thị Hảo ở Quận 10 - TPHCM, chây ỳ tiền điện quá lâu, nhưng khi bị cắt điện, niêm phong công tơ, bà Hảo đã xé cả niêm phong để phản đối. Lê Ngọc Phong đã phải nhờ đến chính quyền và bà con khu vực đến chứng kiến, phân tích đúng – sai, bà Chung Thị Hảo mới tâm phục, khẩu phục chịu phạt.
Anh cho rằng để làm việc có hiệu quả, từ cán bộ đến công nhân phải có cái “tâm” và cái “tầm”. Cái tâm thì rõ rồi, còn cái tầm là biểu hiện trình độ năng lực nghiệp vụ phải luôn tìm tòi, khắc phục cái khó, sáng tạo để đáp ứng với nhiệm vụ. Nhận thức như vậy nên trong quá trình quản lý lưới điện gồm 135 km đường dây trung áp, gần 5000 km đường dây 0,4 kV và 954 trạm biến áp trên địa bàn Điện lực Phú Thọ, Lê Ngọc Phong đã chịu khó suy nghĩ, tìm tòi, khiêm tốn, học hỏi và đề xuất được những biện pháp quản lý tối ưu nhất. Chỉ tính từ năm 2003 trở lại đây, anh đã đề xuất được 11 sáng kiến, giá trị làm lợi được Hội đồng sáng kiến Điện lực đánh giá từ 30 đến 70 triệu đồng/1 sáng kiến. Từ những cải tiến kỹ thuật như “chế tạo tay đỡ bợ chì trung thế ngăn máy biến áp trong tủ RMU” đến những đề xuất biện pháp bảo đảm an toàn cho người và thiết bị như: “chế tạo đầu móc lắp vào sào để thao tác cầu dao hạ thế”; áp dụng tin học để viết “chương trình tái lập điện sau khi khách hàng thanh toán xong nợ tiền điện”… Hiện, Lê Ngọc Phong đang “trình làng” 1 sáng kiến cải tiến kỹ thuật mới và làm các thủ tục để tham gia giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ I năm 2008. Hiệu quả của những sáng tạo đó thật lớn, nhưng trên hết đó là Lê ngọc Phong đã cùng đồng đội góp phần để Điện lực Phú Thọ giải quyết trực tiếp một số khó khăn nảy sinh trong sản xuất và kinh doanh điện năng. Năm 2007, toàn Điện lực đã đạt được tổng sản lượng điện 735 triệu kWh, trong đó điện thương phẩm chiếm 678 triệu kWh, tăng gần 15% so với năm 2006. Tỷ lệ tổn thất điện năng đạt 7,72%, giảm được 0,08%, làm lợi cho Nhà nước gần 2 tỷ đồng.
Bận rộn trong công tác chuyên môn là vậy, nhưng Lê Ngọc Phong luôn có mặt ở những “điểm nóng” trong phong trào Công đoàn của đơn vị, bởi anh còn được công nhân lao động ở đây tín nhiệm bầu là Chủ tịch Công Đoàn. Ngoài các phong trào thi đua trong sản xuất, an toàn lao động, văn thể mỹ…, Lê Ngọc Phong đã đề xuất phong trào tự nguyện đóng góp quỹ tương trợ để giúp đỡ thiết thực các hoàn cảnh khó khăn trong CNVC – LĐ. Có thể kể đến các trường hợp bệnh tình hiểm nghèo của công nhân Hồ Hùng Ninh, Lê Thị Xuân Dung, Nguyễn Thị Thuỳ Trang… đã được Công đoàn quan tâm chăm lo chu đáo, thể hiện “cái tâm” của người cán bộ công đoàn đối với đoàn viên của mình.
Tiếp xúc và trò chuyện với Lê Ngọc Phong, tôi thực sự “tâm phục - khẩu phục”. Đây đúng là con người của công việc - những công việc bình dị trong nhiệm vụ thường ngày, nhưng lại ngời lên từ sức phấn đấu phi thường, bởi được tôn lên bằng ý thức thi đua mãnh liệt và trong sáng. Anh thật sự xứng đáng với “ Bộ sưu tập thành tích” của mình.