PV: Nhu cầu điện năng ngày càng cao, trong khi khả năng cung cấp điện còn hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan; tình trạng lạm phát và những biến động lớn của thị trường chứng khoán đã ảnh hưởng đến quá trình huy động vốn cho các công trình điện… Công đoàn Điện lực Việt Nam (CĐ ĐLVN) đang phải vượt qua những “con sóng” thử thách này như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Văn Ngọc: Đó là những khó khăn chung của toàn ngành Điện thời gian qua. Bên cạnh đó, trong quá trình chuyển đổi, sắp xếp, tổ chức lại các doanh nghiệp, cổ phần hoá và thành lập mới các công ty cổ phần khi các cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, việc chăm lo đời sống cho công nhân lao động gặp khó khăn cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến tâm tư, tình cảm của người lao động. Vì thế, Công đoàn Điện lực Việt Nam đặc biệt chú trọng đến công tác tham gia xây dựng và thực hiện chế độ chính sách, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Do vậy, trong quá trình chuyển đổi mô hình, sắp xếp lại sản xuất tại hầu hết các đơn vị ngành Điện, đã không xảy ra vấn đề gì nổi cộm, gây bức xúc cho người lao động. Việc tập huấn về tiền lương, BHXH, BHYT, phổ biến Bộ luật Lao động… được tổ chức hằng năm ở các đơn vị, nên nhiều vấn đề vướng mắc, nảy sinh đã được giải quyết ngay tại cơ sở.
Bên cạnh đó, các phong trào thi đua yêu nước được các cấp công đoàn phối hợp triển khai thực hiện, đem lại hiệu quả thiết thực. Mục tiêu của các phong trào hướng tới là: Đảm bảo an toàn lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, tiến độ và hiệu quả, cải thiện môi trường và điều kiện làm việc, chăm lo sức khoẻ và đời sống của người lao động.
Thời gian qua, nhiều phong trào thi đua liên kết, các công trình chào mừng, thi đua nước rút… đã mang lại hiệu quả to lớn trong việc thực hiện các mục tiêu chất lượng, tiến độ, sớm đưa các công trình đi vào vận hành. Nổi bật là phong trào thi đua trên công trình xây dựng tuyến đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 2 lần đầu tiên được thực hiện bằng các nguồn lực trong nước; Phong trào thi đua liên kết trên công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La. Trên công trình xây dựng tuyến đường dây 220 kV mua điện Trung Quốc qua Hà Giang, phong trào thi đua liên kết giữa Công đoàn ĐLVN và công đoàn Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam đã tạo động lực quan trọng để đội ngũ CBCNV các đơn vị hoàn thành công trình trước kế hoạch, đảm bảo chất lượng, góp phần khắc phục tình trạng thiếu điện những năm gần đây…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc mà Công đoàn ĐLVN cần nhanh chóng khắc phục, để đáp ứng yêu cầu mới ngày càng cao hơn.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, có những hoạt động công đoàn còn chưa đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, khi các đơn vị ngành Điện chuyển đổi thành công ty cổ phần thì đương nhiên, không có vị trí ưu tiên các hoạt động không đem lại hiệu quả kinh tế trực tiếp này, từ đó dẫn đến mối quan hệ giữa chuyên môn và công đoàn không còn được như trước. Ông cho biết đó có phải là những khó khăn mà Công đoàn ĐLVN và các tổ chức công đoàn cơ sở đang phải đối mặt?
Ảnh: Cán bộ công đoàn là nhân tố quyết định mọi hoạt động
Ông Trần Văn Ngọc: Chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào một số hạn chế của nhiều hoạt động công đoàn trong những năm qua. Đó là: Công tác tuyên truyền, giáo dục còn chậm đổi mới về hình thức, nội dung và phương pháp hoạt động; một số hoạt động công đoàn còn chưa tập trung vào các hoạt động trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, phong trào thi đua tuy có khởi sắc, song đôi khi còn thiên về tính hình thức, việc tổng kết nhân rộng điển hình còn ít, việc khuyến khích về vật chất trong thi đua còn hạn chế… Chính vì vậy, đổi mới nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại chính là nội dung quan trọng nhất sẽ được đề cập tại Đại hội Công đoàn ĐLVN lần thứ III tới đây.
Còn đối với vấn đề mối quan hệ giữa công đoàn và chuyên môn trong các công ty cổ phần, theo tôi, dù các đơn vị có hay không trở thành công ty cổ phần thì với sự phát triển nhanh của nền kinh tế đất nước, đòi hỏi ngành Điện phải đạt mức tăng trưởng cao, một yêu cầu tất yếu là hoạt động công đoàn phải đổi mới và năng động hơn. Ở đây là hai mặt của một vấn đề. Bản thân lãnh đạo các công ty cổ phần phải hiểu vị trí và vai trò của tổ chức công đoàn trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, đó là trách nhiệm và năng lực của chính tổ chức công đoàn, của những cán bộ công đoàn. Thực tế, cán bộ là nhân tố quyết định mọi hoạt động. Nếu cán bộ công đoàn có năng lực trình độ, có bản lĩnh vững vàng, nhiệt tình, tâm huyết thì hiệu quả hoạt động công đoàn ở các đơn vị được thể hiện rõ rệt, vai trò, vị trí của công đoàn được khẳng định. Từ đó, các đoàn viên cũng sẽ tin tưởng và gắn bó với tổ chức. Tuy nhiên, cái khó là hiện nay việc bố trí cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn chuyên trách ở một số đơn vị chưa được chú trọng đúng mức. Nhiều cán bộ công đoàn có năng lực lại bị thuyên chuyển hoặc kiêm nhiệm, dẫn đến nguồn cán bộ công đoàn xáo trộn, không được ổn định.
PV: Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn là hiện nay vẫn chưa có cơ chế bảo vệ và chính sách đãi ngộ thích hợp đối với cán bộ công đoàn nhiệt tình, có năng lực?
Ông Trần Văn Ngọc: Chúng tôi rất hiểu thực tế đó. Làm cán bộ công đoàn tốt không dễ dàng như nhiều người lầm tưởng. Bởi lẽ, ngoài kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, cán bộ công đoàn vừa phải có “sức mạnh tinh thần” để tập hợp quần chúng, vừa phải có bản lĩnh vững vàng để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, có lòng nhân ái khi giải quyết chế độ chính sách để đảm bảo thấu tình, đạt lý. Đặc biệt, cán bộ công đoàn phải là người xây dựng được mối quan hệ hài hòa giữa người quản lý với người lao động, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa Công đoàn với chuyên môn trong việc giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của người lao động. Nếu không được bảo vệ tốt bằng những quy định của pháp luật thì cán bộ công đoàn cơ sở sẽ không dám nói, không dám làm; không có cơ chế đãi ngộ thỏa đáng thì họ không có động lực để làm tốt hơn.
Đây thực sự là một bài toán khó. Song, trong phạm vi vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, Công đoàn ĐLVN sẽ phối hợp với lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị có cơ chế khuyến khích các cán bộ có năng lực, tâm huyết chuyển sang làm công tác công đoàn; xây dựng cơ chế động viên, bảo vệ cán bộ công đoàn, tạo những điều kiện tốt nhất để họ phát huy vai trò và năng lực của mình. Những cán bộ công đoàn giỏi sẽ là đội ngũ quan trọng, có tính chất quyết định trong việc nâng cao hiệu quả của hoạt động công đoàn thời gian tới và đảm bảo cho sự đổi mới toàn diện, nhằm đạt được các mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ được đề ra tại Đại hội III Công đoàn Điện lực Việt Nam nhiệm kỳ 2008 – 2013.
PV: Xin cảm ơn ông!