Sự kiện

Ông Trần Ngọc Luận – Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải: “Tạo mọi điều kiện để triển khai dự án đúng tiến độ”

Thứ năm, 15/10/2009 | 09:43 GMT+7

Vừa qua, Hội đồng thẩm định Nhà nước (HĐTĐNN) đã nhất trí thông qua báo cáo đầu tư dự án điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận. Báo cáo là cơ sở để Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong kỳ họp lần thứ 6 của Quốc hội khóa XII vào tháng 10/2009. Tại hai huyện Ninh Hải và Ninh Phước - nơi sẽ xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam, chính quyền và người dân địa phương đang có những động thái tích cực trong việc đón nhận, ủng hộ chủ trương lớn này của Nhà nước. TCĐL có cuộc trao đổi ngắn với ông Trần Ngọc Luận – Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải.

PV: Thưa ông, chính quyền và nhân dân địa phương đã đón nhận chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc triển khai xây dựng Nhà máy ĐHN đầu tiên trên địa bàn huyện Ninh Hải như thế nào?

Ông  Trần Ngọc Luận: Dự án nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam được triển khai tại tỉnh Ninh Thuận, đó là niềm tự hào của địa phương Ninh Thuận nói chung và huyện Ninh Hải nói riêng. Đây là một dự án lớn, sẽ cung cấp điện năng từ năng lượng hạt nhân cho lưới điện quốc gia. Huyện Ninh Hải chúng tôi có 2 xã Vĩnh Hải và Thanh Hải được nằm trong quy hoạch giải phóng mặt bằng.

Ban đầu, khi được biết về dự án Nhà máy ĐHN, nhân dân địa phương không khỏi lo lắng, thậm chí có người phản đối vì cho rằng nhà máy ĐHN gây phóng xạ, ô nhiễm môi trường sống, nhất là mất an toàn khi có sự cố xảy ra. Đặc biệt, khi có sự cố xảy ra, nhân dân địa phương sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp…Các nước như Liên Xô, Nhật, Mỹ… có nền khoa học tiên tiến và kinh nghiệm trong lĩnh vực này mà vẫn để xảy ra sự cố rò rỉ phóng xạ. Liệu Việt Nam có “kham” nổi công tác quản lý kỹ thuật, công nghệ mới mẻ này không?

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2008, nhân dân địa phương tỉnh Ninh Thuận nói chung và 2 huyện Ninh Hải, Ninh Phước nói riêng đã được học tập, quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước về dự án này, đồng thời cũng nắm được nhiều thông tin về ĐNT. Các cơ quan có chức năng đã giới thiệu cụ thể về quy mô, công nghệ hiện đại và cơ chế vận hành Nhà máy ĐHN thông qua các cuộc triển lãm, hội thảo. Đại diện các địa phương, các tổ chức đoàn thể đã được đi tham quan cơ sở hạt nhân Đà Lạt; cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện được tham quan một số nước đã và đang sử dụng năng lượng hạt nhân một cách an toàn, hiệu quả… Dần dần, người dân đã hiểu hơn về công tác đảm bảo an toàn cho nhà máy ĐHN, lợi ích mà dự án mang lại cho quốc gia cũng như cho địa phương. Từ đó, đã có sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân địa phương về dự án này.

PV: Nhân dân đã đồng thuận. Đó là điều kiện rất cần thiết để dự án được khởi động. Tuy nhiên, công tác di dời, giải phóng mặt bằng cần thực hiện ra sao nhằm tránh  những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ của dự án đặc biệt quan trọng này?

Ông Trần Ngọc Luân: Nhân dân 2 huyện Ninh Hải và Ninh Phước chúng tôi sẵn sàng di dời, giải tỏa để dự án được triển khai theo đúng tiến độ của Chính phủ. Tuy nhiên, khi áp dụng mức đền bù giải tỏa, đề nghị các ngành, các cấp cân đối theo giá cả thị trường để người dân khỏi bị thiệt thòi.

PV: Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã phối hợp với chủ đầu tư như thế nào trong thời gian qua?

Ông Trần Ngọc Luận: UBND huyện Ninh Hải đã phối hợp rất tốt với Ban Chuẩn bị đầu tư dự án ĐHN và năng lượng tái tạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc triển khai các bước: Xác định vị trí mặt bằng theo thiết kế quy hoạch; khảo sát địa điểm, lấy các mẫu đất, đá, nước đi phân tích thử nghiêm tại Viện nguyên tử hạt nhân Đà Lạt. Đồng thời, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chủ trương triển khai dự án ĐHN đầu tiên của Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn Ông!

Theo: Tạp chí Điện lực