Chuyển đổi số trong EVN

PC Đà Nẵng chuyển đổi số: Từ công tơ điện tử đến dịch vụ khách hàng ấn tượng

Thứ năm, 16/3/2023 | 09:19 GMT+7
Những năm qua, việc ứng dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh đã mang lại cho ngành điện nói chung và Công ty TNHH MTV Điện lực (PC) Đà Nẵng nói riêng những đổi thay tích cực.


Trung tâm điều khiển lưới điện Đà Nẵng. Ảnh: PC Đà Nẵng.

Chuyển đổi số ở PC Đà Nẵng còn mang đến nhiều sự tiện lợi, góp phần tiết giảm chi phí của người dân.

Tiên phong trong chuyển đổi số

Ông Bùi Đỗ Quốc Huy – Phó Giám đốc PC Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, Công ty đã đẩy mạnh chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh lưới điện, góp phần tăng năng suất lao động. Trong đó, tập trung số hóa, tự động hóa các công việc thủ công, nhiều giấy tờ; áp dụng các công nghệ số mới trong công tác quản lý vận hành lưới điện; nghiên cứu công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data),…

Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mang đến nhiều tiện ích, tăng khả năng tương tác, đưa ngành điện đến gần hơn với khách hàng sử dụng điện.

Chuyển đổi số đã được PC Đà Nẵng ứng dụng sớm và đã đạt được nhiều kết quả ấn tương như năm 2014, chuyển đổi hóa đơn giấy truyền thống sang hóa đơn điện tử, mang nhiều tiện ích hiện đại đến với khách hàng; Năm 2015, kênh thanh toán tiền điện trực tuyến ra đời, hỗ trợ khách hàng chủ động lựa chọn hình thức thanh toán phù hợp tại các ngân hàng, điểm thu, các tổ chức trung gian thu hộ…

Năm 2016, khánh thành Trung tâm điều khiển lưới điện Đà Nẵng, xây dựng thành công và đưa vào vận hành các trạm biến áp 110kV không người trực, thực hiện lộ trình phát triển lưới điện thông minh; Năm 2017, áp dụng dịch vụ điện trực tuyến, khách hàng chỉ cần truy cập vào website như: Cổng dịch vụ công quốc gia, Dịch vụ công thành phố Đà Nẵng hay Trung tâm chăm sóc khách hàng điện lực miền Trung để sử dụng 20 dịch vụ điện lực.

"Quá trình chuyển đổi số đã góp phần nâng cao trải nghiệm cho người lao động trên môi trường số và phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo khi có thể giải quyết công việc mọi lúc mọi nơi. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, nhằm phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn…", ông Bùi Đỗ Quốc Huy – Phó Giám đốc PC Đà Nẵng cho hay.

Cùng năm 2017, thử nghiệm thành công công nghệ tự động hóa lưới điện phân phối DAS trên lưới điện Đà Nẵng và nhân rộng tại 54 xuất tuyến vào cuối năm 2022, hoàn thành cơ bản tự động hóa lưới phân phối; Năm 2019, triển khai phương thức giao dịch điện tử, kết nối với khách hàng qua "không gian số". Hợp đồng hay các giấy tờ giao dịch khác đều được ký kết thông qua chữ ký điện tử.

Ngoài ra, khi đăng ký các dịch vụ điện khách hàng có thể đăng ký các dịch vụ điện trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia và Web/App CSKH EVNCPC, hồ sơ được luân chuyển và xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng.

Năm 2022, tỷ lệ khách hàng đăng ký dịch vụ điện trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 100%. Trong đó tỉ lệ đăng ký trên cổng dịch vụ công quốc gia đạt 97,32%. Tỉ lệ hồ sơ kinh doanh và dịch vụ khách hàng xử lý trên mạng theo phương thức điện tử của công ty đạt 100%. Tỉ lệ khách hàng ký hợp đồng qua phương thức điện tử đạt tỷ lệ 100%. Từ tháng 12/2022, web CSKH EVNCPC đã sử dụng xác thực đăng nhập định danh điện tử và lưu trữ thông tin khách hàng từ VneID.


Chuyển đổi số đã góp phần nâng cao trải nghiệm cho người lao động trên môi trường số và phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo khi có thể giải quyết công việc mọi lúc mọi nơi. Ảnh: PC Đà Nẵng.

Năm 2020, PC Đà Nẵng là điện lực đầu tiên trên toàn quốc thực hiện cấp điện hạ áp không khảo sát hiện trường. Đáp ứng yêu cầu đổi mới, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian cấp điện, công ty đã số hóa toàn bộ chu trình cấp điện hạ áp cho khách hàng.

Hoàn thành lắp đặt công tơ điện tử vào tháng 12/2018 và 100% công tơ được thu thập dữ liệu từ xa vào tháng 8/2019. Trên cơ sở đó, công ty đã chủ động xây dựng nhiều ứng dụng phục vụ quản ký kinh doanh và nâng cao chất lượng dịch vụ:

Xây dựng Web tra cứu chỉ số điện hàng ngày, tự động cảnh báo sản lượng tăng cao. Hệ thống kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu sai sót trong khâu chốt chỉ số, phát hành hoá đơn tiền điện dựa trên dữ liệu CMIS và đo xa Rf spider.

Hướng đến sự hài lòng của khách hàng

Ông Bùi Đỗ Quốc Huy cho biết thêm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác dự báo phụ tải, nhằm cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực, cảnh báo mất điện TBA công cộng (chương trình cảnh báo sản lượng điện bất thường được EVN tích hợp vào chương trình CMIS, EVNCPC triển khai cho 13 công ty điện lực).

Năm 2022, EVNCPC đã cải tiến và bổ sung các tiện ích thông minh cho ứng dụng CSKH EVNCPC như hiệu chỉnh giao diện dễ sử dụng hơn, bổ sung tính năng tra cứu chỉ số, cảnh báo sản lượng điện tăng/giảm bất thường, dịch vụ điện trên nền bản đồ Google map, ký số hồ sơ, biên bản và hợp đồng điện tử, tra cứu hồ sơ điện tử giúp khách hàng sử dụng các dịch vụ điện ngày thuận tiện hơn, theo dõi sử dụng điện, sửa chữa điện, rút ngắn thời gian thực hiện.


Công tác xây dựng, cải tạo, bảo dưỡng lưới điện của PC Đà Nẵng được triển khai nhanh chóng, kịp thời phục vụ người dân một cách tốt nhất. Ảnh: PC Đà Nẵng.

Về triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, công ty đã kết nối 16 ngân hàng và 8 tổ chức trung gian với nhiều hình thức thanh toán như qua ATM/Thẻ ngân hàng, Internet Banking, trích nợ tự động, ủy nhiệm thu/ủy nhiệm chi, ví điện tử, web CSKH EVNCPC đạt tỉ lệ 99,47% (trong đó thu qua ví điện tử có tỉ lệ cao nhất là 47,65%).

Thông qua trung tâm điều khiển và tự động hóa lưới điện phân phối, việc vận hành các trạm biến áp 110kV, các thiết bị trên lưới được thao tác ngay tại trung tâm; thời gian cô lập sự cố chỉ còn 11- 43 giây (trước đây khoảng 30-60 phút).

Các thông số vận hành, chỉ số điều kiện sức khỏe thiết bị, tình trạng vận hành…đều được số hóa và quản lý trên phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS và tích hợp trên hệ thống thông tin địa lý GIS, thể hiện trực quan trên bản đồ và quản lý thuận lợi.

Năm 2021, công ty chuyển đổi từ phương thức sửa chữa bảo dưỡng định kỳ sang bảo dưỡng thiết bị theo tình trạng thiết bị RCM/CBM. Đến nay đã áp dụng cho 100% thiết bị tại TBA 110kV, máy biến áp phân phối, thiết bị đóng cắt trung áp.

Giai đoạn 2021-2022, công ty đã tự nghiên cứu và phát triển thành một các ứng dụng/tiện ích thông minh như: Chương trình cảnh báo mất điện tại TBA công cộng đã giúp các đơn vị kịp thời phát hiện sự cố mất điện do nhảy aptomat tại các TBA công cộng, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, hạn chế mất thương phẩm và mang lại sự hài lòng cho khách hàng.

Chương trình cảnh báo điện áp thấp, giúp Công ty tổng hợp và cảnh báo điện áp thấp trên lưới điện hoặc khách hàng đến đơn vị vận hành nhằm giảm tổn thất, ngăn ngừa nguy cơ sự cố lưới điện hạ áp và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Trong lĩnh vực quản trị nội bộ, thời gian qua Công ty đã chuyển đổi sâu sắc các hoạt động, cách thức làm việc và nâng cao hiệu quản lý qua các báo cáo thông minh BI với dữ liệu được cập nhật tự động, thể hiện minh bạch, chi tiết và nhanh chóng.

Link gốc

Theo: Dân Việt