PC Phú Yên: Thực hiện các giải pháp giảm tổn thất lưới điện 110kV

Thứ tư, 23/6/2021 | 09:43 GMT+7
Xác định giảm tổn thất lưới điện 110kV là nhiệm vụ quan trọng trong công tác vận hành, PC Phú Yên đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tổn thất điện năng. 

Đội QLVH lưới điện cao thế kiểm tra thiết bị định kỳ TBA 110kV Sơn Hòa.
 
Tính đến ngày 15/6/2021, tổn thất lưới điện 110kV của quý 2/2021 là 1,378%, giảm 0,214% so với quý 1/2021 (trong điều kiện tổng công suất điện mặt trời mái nhà đấu nối vào lưới điện 137MWp). Kết quả này cho thấy, PC Phú Yên đang đi đúng hướng và sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
 
Từ các kết quả phân tích, thống kê số liệu vận hành và đặc điểm vị trí địa lý khu vực tỉnh Phú Yên cho thấy, mạch đường dây 110kV Tuy Hòa 220 - Tuy Hòa 110 - NMTĐ Sơn Giang - Sông Hinh - Tuy Hòa 2 - Hòa Hiệp có bán kính cấp điện dài (103,88 km), tiết diện dây dẫn đang sử dụng là loại ACKII-185 phải truyền tải công suất lớn từ các NMTĐ Sông Hinh (70MW), Sơn Giang (10MW), Đá Đen (9MW) và hai nhánh đường dây 110kV là Tuy Hòa 220 - An Mỹ - Sông Cầu 2 - Long Mỹ (77,6 km), Tuy Hòa 220 - Tuy An - Sông Cầu 2 - Sông Cầu - Long Mỹ (84,5 km) thường xuyên mang tải lớn do phải giải tỏa công suất các nguồn năng lượng điện mặt trời từ TBA 220kV Tuy Hòa, Xuân Thọ 1 (50MWp) và Xuân Thọ 2 (50MWp). Đây là một trong những nguyên nhân khách quan làm tăng tổn thất điện năng lưới điện 110kV khu vực tỉnh Phú Yên.
 
Nắm bắt được nguyên nhân cốt lõi, PC Phú Yên đã chủ động đề xuất góp ý, phối hợp với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Trung (A3) xây dựng phương thức vận hành hệ thống điện tối ưu trong việc kết nối nguồn, lưới, phụ tải và phân bổ trào lưu công suất trên địa bàn tỉnh cũng như khu vực lân cận để giảm tổn thất điện năng trên lưới điện. Để giới hạn việc thu công suất phản kháng (MVAr) trên lưới điện, A3 đã điều chỉnh điện áp tại Nhà máy thủy điện Sông Hinh từ 116±2 lên 117±2 kV, điện áp thanh cái 110kV tại TBA 220kV Tuy Hòa duy trì từ 118±2 kV. Các nhà máy điện mặt trời đặt chế độ tự động điều khiển theo điện áp để thực hiện biểu đồ điện áp, không thực hiện chế độ điều khiển điện áp theo giá trị đặt công suất phản kháng hoặc hệ số công suất hoặc chế độ phát tự do.
 
Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên theo dõi và điều chỉnh 82 tụ bù ngang (25.2Mvar) trên lưới điện trung thế tại các thời điểm nhằm tránh lượng công suất vô công phát ngược lên lưới 110kV. Hơn nữa, bộ phận phương thức phòng Điều độ PC Phú Yên luôn phối hợp chặt chẽ với A3 sắp xếp lịch cắt điện công tác phù hợp. Chính điều này không làm quá tải các đường dây còn lại, hạn chế tăng tổn thất mà còn giải tỏa công suất từ các nhà máy điện mặt trời.
 
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Điều độ PC Phú Yên, đơn vị trực tiếp theo dõi, quản lý vận hành hệ thống điện cho biết: “Dưới góc độ quản lý vận hành, chúng tôi luôn mong muốn có kết cấu lưới điện hợp lý, đảm bảo các thông số vận hành trong giới hạn cho phép, khi các nhà máy điện mặt trời phát triển nhanh, đấu nối vào hệ thống điện như hiện nay, đặt ra thách thức không nhỏ trong công tác quản lý vận hành. PC Phú Yên luôn theo dõi cập nhật các chỉ số, phối hợp với các đơn vị liên quan khác để vận hành lưới điện tin cậy, giảm tổn thất điện năng. Trên tinh thần làm việc trách nhiệm cao nhất, chúng tôi luôn nỗ lực vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định và đảm bảo chất lượng điện năng”.
 
Bên cạnh đó, tại Trung tâm điều khiển hệ thống điện Phú Yên, lực lượng trực vận hành thường xuyên theo dõi cập nhật các thông số vận hành 24/24 giờ, báo cáo kịp thời đến các cấp điều độ có quyền điều khiển thiết bị. Giải pháp không kém phần quan trọng góp phần giảm tổn thất điện năng trên lưới điện 110kV là chủ động trong công tác đầu tư xây dựng các công trình. Trong năm 2020, PC Phú Yên đã thực hiện 10 công trình sửa chữa lớn, cải tạo đường dây 110kV nhánh rẽ NMTĐ Sông Hinh, sửa chữa đấu nối đường dây 110kV đến trạm 220kV Tuy Hòa và các công trình khác tại TBA 110kV Sơn Hòa, Hòa Hiệp, Sông Cầu.
 
Đặc biệt, trong quý 1/2021, PC Phú Yên đã hoàn thành đóng điện công trình “Nâng cao khả năng mang tải đường dây Sông Cầu 2 – Quy Nhơn” với việc thay tiết diện dây dẫn ACKII 185 lên ACSR 300/39, thay đổi kết lưới trước đây từ đường dây 171/Sông Cầu – 172/Long Mỹ bằng đường dây 173/Sông Cầu 2 – 172/Long Mỹ và đường dây 171/Sông Cầu 2  –  TBA 220kV Quy Nhơn. Điều này đã mang lại hiệu quả cao trong việc giảm tổn thất điện năng cũng như kịp thời giải tỏa công suất phát từ các nhà máy điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Phú Yên, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
 
Trong thời gian tới, để duy trì tổn thất ở mức thấp nhất, ngoài việc tiếp tục triển khai các giải pháp trên các lĩnh vực quản lý vận hành và cải tạo đầu tư xây dựng lưới điện 110kV, PC Phú Yên cùng các phòng chức năng, Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ như tính toán PSS/E, nâng cao năng lực giám sát, chẩn đoán, đánh giá đối với thiết bị và đường dây 110kV bằng thiết bị hiện đại.
 
Việc chủ động tính toán, nghiên cứu các biện pháp giảm tổn thất điện năng lưới điện 110kV trên địa bàn mình quản lý sẽ góp phần quan trọng vào lộ trình giảm tổn thất điện năng trong toàn hệ thống điện. Từ đó, đơn vị đề ra phương thức vận hành hợp lý cũng như khai thác lưới điện hiệu quả với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, nâng cao chất lượng điện năng phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội.
 
Theo: CPC