Các học viên làm quen với thiết bị.
Trong khuôn khổ 5 ngày đào tạo, các học viên đã được giới thiệu, làm quen và huấn luyện kiến thức về 24 bộ thiết bị bay cơ bản và 17 bộ nâng cao, các ứng dụng của thiết bị, cách xử lý an toàn bay và các ứng dụng liên quan. Ngoài ra, các học viên còn được hướng dẫn thực hành tháo lắp thiết bị M300/ M2EA; Thực hiện bay trên thiết bị M300/ M2EA; Luyện tập bay M300/M2EA; Làm quen, thực hành sử dụng Camera Zoom và Camera nhiệt M300…
Trong công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay thì thiết bị UAV là thực sự cần thiết nhằm ứng dụng trong công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời các khiếm khuyết, sự cố trên đường dây và trạm biến áp để có biện pháp kịp thời khắc phục và xử lý; thu thập dữ liệu, hình ảnh phục vụ nghiên cứu cũng như triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc phân tích dữ liệu lớn (big data) sau này. Đồng thời tiết giảm thời gian, nhân công, góp phần tăng năng suất lao động; phục vụ công tác quản lý lưới truyền tải điện Quốc gia và công tác nghiên cứu khoa học công nghệ của PTC1 cũng như của toàn EVNNPT.
Kiểm tra thiết bị trước khi bay.
Ông Hoàng Xuân Khôi- Phó Giám đốc PTC1 khẳng định, việc trang bị thiết bị UAV phục vụ quản lý vận hành là rất cần thiết để kiểm soát chất lượng vận hành đường dây và trạm biến áp. Đến thời điểm này, PTC1 quản lý đến hơn 10.000km đường dây, trong đó có 7.568,365km đường dây 220kV và 3.050,353km đường dây 500kV. Với khối lượng công việc như vậy, với tuần suất kiểm tra định kỳ và đột xuất rất cao thì thiết bị UAV, thay vì phải kiểm tra theo cách truyền thống, sẽ giúp ích rất nhiều trong việc quản lý vận hành đường dây, nhất là đối với các đơn vị vùng sâu vùng xa, địa hình đồi núi hiểm trở, giảm bớt công sức cho người lao động. Thông qua lớp đào tạo này, các học viên sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức khoa học công nghệ mới, chủ động hơn trong công việc, làm tốt việc đảm bảo lưới điện được vận hành an toàn, liên tục.
Sau khóa học, các học viên tiến hành thực hiện bài kiểm tra. Kết quả có 5 học viên xuất sắc đạt điểm tối đa 60/60, gần 160 học viên đạt điểm khá giỏi từ 51 đến 59 điểm. Kết thúc khoá học, 100% học viên được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khoá Hướng dẫn vận hành và chuyển giao công nghệ thiết bị bay không người lái.
Đây cũng là dịp để các học viên trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau và nâng cao kiến thức trong lĩnh vực công nghệ số, góp phần vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất được giao.