Địa điểm của nhà máy Phả Lại và các nhà máy điện liên kết. Nguồn: VCSC
VCSC dự báo lợi nhuận sau thuế 2018 của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC) dự kiến đi ngang. Lý do đưa ra là tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm và giá CGM (giá thị trường điện) phục hồi bù đắp cho thu nhập tiền gửi thấp hơn và mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn. Nhờ đó, lợi nhuận sản xuất điện sẽ tăng 6 - 9,1% trong giai đoạn 2019 - 2022 với sản lượng điện thương phẩm tăng trưởng khi tình trạng thiếu hụt điện ngày càng trầm trọng, cùng với cổ tức gia tăng từ HND và QTP.
VCSC kỳ vọng PPC sẽ duy trì cổ tức tiền mặt cao, tối thiểu 2.000 đồng/CP (lợi suất 10,8%) trong giai đoạn 2018 - 2022 nhờ dòng tiền hoạt động mạnh mẽ tạo ra mỗi năm (35 triệu USD/năm) và số dư tiền mặt lớn (70 triệu USD).
Tăng trưởng tiêu thụ điện mạnh mẽ tại miền Bắc đảm bảo hiệu suất hoạt động cao cho PPC cùng hai nhà máy HND và QTP. Nhu cầu điện Miền Bắc dự kiến vẫn tăng trưởng mạnh mẽ 10 - 11%/năm (cao hơn nhiều so với miền Nam), trong khi tăng trưởng nguồn cung ước tính hạn chế ở mức 4,3%/năm.
Vị trí lý tưởng, gần với nguồn tiêu thụ và nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như các công ty tiêu thụ xỉ than. PPC, HND ở ngay sát những cụm khu công nghiệp lớn. Ngoài ra, cả 3 nhà máy điện đều nằm khu vực có trữ lượng than lớn nhất Việt Nam sẽ giúp chi phí vận chuyển than cạnh tranh. Các nhà máy này có lợi thế lớn so với nhà máy điện than tại miền Trung và miền Nam khi gần các nhà máy sản xuất xi măng, gạch nung vì các công ty này giúp tiêu thụ gần như toàn bộ xỉ than từ nhà máy điện.
Nhà máy Phả Lại 2 hiện đang rất cạnh tranh trên thị trường điện tự do. Chi phí sản xuất của nhà máy Phả Lại 2 là thấp hơn khoảng 20% so với giá thị trường trong 4 năm qua.
Dự án nâng cấp (2020 - 2023, 100 triệu USD) sẽ giúp nâng cao hiệu quả của nhà máy Phả Lại 1. Sau khi nâng cấp, giá bán điện theo hợp đồng của nhà máy Phả Lại 1 dự kiến sẽ giảm khoảng 8% do tiêu thụ than ước tính giảm 20% trong khi hiệu suất hoạt động tăng từ 45% lên 60%. VCSC ước tính trong dài hạn, nhà máy Phả Lại 1 có thể đóng góp khoảng 20% lợi nhuận cho PPC, so với mức chỉ 5% hiện tại.
(Sản lượng điện bán hợp đồng và theo CGM của hai nhà máy. Nguồn: VCSC)
Trong khi đó, cả HND và QTP đều là các nhà máy điện than mới, chỉ mới hoạt động 5-7 năm, sử dụng công nghệ tới hạn, tương tự Phả Lại 1 và 2. HND sử dụng máy móc và nhà thầu từ Trung Quốc và Nhật Bản, trong khi QTP phụ thuộc lớn vào các nhà thầu và thiết bị Trung Quốc.
Theo các chuyên gia trong ngành, đây là một trong những yếu tố chính giúp HND hoạt động khá trơn tru kể từ khi đi vào hoạt động, trong khi QTP đã trải qua một số giai đoạn tạm dừng hoạt động do máy móc và thiết bị hư hỏng trong những năm đầu hoạt động, nhưng đã dần cải thiện trong những năm gần đây.
QTP và HND cũng được hưởng lợi từ chi phí vận tải đầu vào thấp hơn so với các nhà máy điện than khác, khi một nhà máy nằm ở trung tâm nguồn nguyên liệu than lớn nhất Việt Nam và nhà máy còn lại nằm cách 3 - 30km các mỏ than lận cận.
HND sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ và gia tăng cổ tức trong khi QTP hoàn trả gần như toàn bộ nợ trong 5 năm tới. VCSC ước tính HND sẽ trả cổ tức tiền mặt 650 – 1.000 đồng/cổ phiếu trong các năm tới. Sản lượng gia tăng, chi phí lãi vay thấp hơn và giá thị trường cao hơn sẽ giúp HND ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi 2019 và 2020 lần lượt là 10,0% và 39,7%. Bên cạnh đó, QTP có thể bắt đầu trả cổ tức tiền mặt 500 đồng/CP từ năm 2020 trở đi.
Diễn biến cổ phiếu PPC trong 3 tháng qua. Nguồn: VNDirect
Nhiệt điện Phả Lại (PPC) được thành lập năm 1982 và được cổ phần hóa năm 2004. Công ty là một trong những nhà máy nhiệt điện than lớn nhất tại miền Bắc.
Công ty có hai nhà máy điện với tổng công suất 1.040 MW, bao gồm Phả Lại 1 (hoạt động thương mại vào năm 1984, 4x110 MW) và nhà máy Phả Lại 2 (hoạt động thương mại vào năm 2001, 2x300 MW). Ngoài Phả Lại 1 và Phả Lại 2, PPC cũng có lần lượt 26% và 16% cổ phần tại Công ty Nhiệt điện Hải Phòng (HND, 1.200 MW) và Công ty Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP, 1.200 MW).