Quy trình kiểm tra chất lượng phần mềm được áp dụng.
Hiện tại, hệ thống đã được triển khai áp dụng tại tất cả 5 Tổng Công ty Điện lực, 107 Công ty Điện lực tỉnh/thành phố và 630 Điện lực quận/huyện với tổng số xấp xỉ 28,3 triệu khách hàng sử dụng điện trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Trước đây, Hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) và các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến quy trình cung cấp dịch vụ điện đều là văn bản giấy. Đối với các hồ sơ, giấy tờ do khách hàng cung cấp, khách hàng phải chuẩn bị bản sao hoặc cung cấp bản chính để nhân viên điện lực chụp lại bằng thiết bị điện tử. Đối với HĐMBĐ và các hồ sơ, giấy tờ được ký kết giữa khách hàng và điện lực, nhân viên của điện lực phải thực hiện nhiều bước để điền thông tin khách hàng, gửi khách hàng và trình người có thẩm quyền của điện lực ký vào HĐMBĐ và các hồ sơ, giấy tờ.
Số lượng các hồ sơ, giấy tờ trong quy trình cung cấp dịch vụ điện là tương đối nhiều, vì vậy, việc áp dụng hình thức văn bản giấy trong quy trình cung cấp dịch vụ điện đòi hỏi một khối lượng lớn về thời gian, chi phí của điện lực và khách hàng. Việc thực hiện quy trình cung cấp dịch vụ điện bằng bản giấy cũng đòi hỏi một khối lượng lớn chi phí về nhân công, in ấn và lưu trữ.
Do vậy, xét về hiệu quả kinh tế, khi áp dụng hình thức HĐMBĐ và hồ sơ, giấy tờ điện tử trong việc quản lý và ký kết cung cấp dịch vụ điện/dịch vụ cấp điện sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các bên trong hợp đồng, đặc biệt là khách hàng.
Cụ thể, HĐMBĐ và hồ sơ, giấy tờ điện tử giúp tiết kiệm đáng kể chi phí nhân công, in ấn và lưu trữ dạng bản giấy, tiết kiệm thời gian thực hiện in ấn, ký kết và quản lý HĐMBĐ và hồ sơ, giấy tờ điện tử của khách hàng. Các bên cũng dễ dàng hơn trong truy cập, kiểm tra HĐMBĐ đã ký. Việc sửa đổi, bổ sung HĐMBĐ và hồ sơ, giấy tờ điện tử khi nội dung sửa đổi, bổ sung ít quan trọng (ví dụ: thay đổi thông tin cá nhân...) sẽ thuận tiện hơn rất nhiều so với ký HĐMBĐ và hồ sơ, giấy tờ điện tử dạng bản giấy.
Bên cạnh đó, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, ngày càng có nhiều khách hàng sử dụng các thiết bị thông minh (máy tính, điện thoại thông minh…) trong công việc và cuộc sống. Vì vậy, việc áp dụng HĐMBĐ và hồ sơ, giấy tờ điện tử là phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, đem lại rất nhiều tiện ích cho khách hàng mọi lúc, mọi nơi.
Cùng với sự phát triển của ngành điện đối với lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, trong thời gian tới, theo Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT), hệ thống phần mềm Cung cấp dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử sẽ thường xuyên được nâng cấp, hiệu chỉnh bổ sung các tính năng mới nhằm tạo ra tiện ích đa dạng cung cấp cho khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ, đáp ứng yêu cẩu của EVN và các Tổng Công ty Điện lực. Dự kiến trong năm 2020, sẽ chuyển đổi các hình thức thanh toán phí dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử và tích hợp thanh toán phí dịch vụ trực tuyến.
Về lâu dài, các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ khách hàng sẽ được triển khai và vận hành theo mô hình tập trung tại các Tổng Công ty nhằm giao tiếp và cung ứng dịch vụ điện, dịch vụ chăm sóc khách hàng theo một khung nhìn, chính sách và chiến lược nhất quán; đảm bảo chính xác, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi và đa dạng về hình thức và phương tiện giao tiếp, cung cấp dịch vụ.
Việc chuyển đổi số cũng được áp dụng trên tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh trong toàn tập đoàn từ sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh và dịch vụ khách hàng đến các hoạt động quản trị doanh nghiệp. Đồng thời, việc triển khai các phần mềm đáp ứng đầy đủ các dịch vụ điện tương đương dịch vụ hành chính công cấp độ 4, bao gồm: Tiếp nhận yêu cầu trực tuyến; ký kết hợp đồng trực tuyến; thanh toán phí trực tuyến; khách hàng theo dõi được tiến độ, quá trình xử lý yêu cầu của mình, khách hàng hoàn toàn không cần đến các điểm giao dịch của ngành Điện.