Sự kiện

Phát triển Lưới điện thông minh: Kỷ nguyên mới về cung ứng điện

Thứ tư, 24/4/2013 | 10:48 GMT+7
Tháng 11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam. Tuy nhiên, để thực hiện Đề án vẫn cần những bước đi thận trọng và vững chắc, đặc biệt về chính sách và pháp luật.



Vận hành tại Nhà máy thủy điện An Khê- Ka Nak. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Kỳ 2: Cần sự nỗ lực đồng bộ

Tháng 11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam. Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện; góp phần trong công tác quản lý nhu cầu điện, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động, giảm nhu cầu đầu tư vào phát triển nguồn và lưới điện; tăng cường khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo về môi trường và phát triển kinh tế xã hội bền vững.. Tuy nhiên, để thực hiện Đề án vẫn cần những bước đi thận trọng và vững chắc, đặc biệt về chính sách và pháp luật.

Đối với việc thiếu điện, cách giải quyết tốt nhất là áp dụng các tính toán mức độ hiệu quả điện năng. Trong đó, Chính phủ có vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh chính sách về giá, phát triển sơ đồ điện.

Về tình trạng nghẽn điện trong giờ cao điểm, cần có hệ thống vận hành linh hoạt các thiết bị, tòa nhà, cơ sở sản xuất để có thể điều tiết tăng hoặc giảm mức độ tiêu thụ, xác định phương thức tiết kiệm điện trong giờ cao điểm. Đặc biệt, khách hàng có vai trò rất quan trọng trong việc chấp nhận và phối hợp sử dụng lưới điện thông minh.

Để giải bài toán vốn, cần có sự kết hợp nguồn lực Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa. Có thể tập trung đầu tư cho lưới phân phối điện từ các nguồn vốn vay ODA hay các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và các tổ chức quốc tế trong việc cải tạo, nâng cấp hệ thống phân phối điện, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi, hải đảo. Chỉ khi có lưới điện tương đối hoàn chỉnh, hài hòa mới có thể tiến hành hiện đại, tự động và thông minh hóa cho lưới điện. Tuy nhiên, bà Mai Trang Thanh, Chủ tịch Honeywell khu vực Đông Dương cho rằng, trong điều kiện hạ tầng chưa được nâng cấp, có thể áp dụng ngay công nghệ điều chỉnh phụ tải tự động cho các dự án đơn lẻ tại các khu công nghiệp hay khu dân cư, từng cụm tòa nhà hay cụm văn phòng để nâng cao chất lượng cũng như giảm tổn thất điện năng. Những nơi mà cơ sở hạ tầng còn chưa phát triển thậm chí còn tiết kiệm được hơn 20 - 25%.

Bên cạnh đó, ngành điện cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách cần thiết. Xây dựng cơ chế tài chính phù hợp để huy động nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng LÐTM theo từng khu vực, từng giai đoạn cụ thể. Tìm kiếm nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật xây dựng khung pháp lý cho phát triển LÐTM. Thực hiện các dự án thử nghiệm đã được phê duyệt trong lộ trình để rút kinh nghiệm triển khai trên diện rộng.  

Theo kế hoạch, trong năm 2013, Ban chỉ đạo Đề án phát triển LĐTM Việt Nam sẽ tập trung xây dựng các cơ chế tài chính, quản lý để khuyến khích khách hàng tham gia quản lý phụ tải trong chương trình thử nghiệm; xây dựng các quy trình kỹ thuật cụ thể. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các dự án SCADA/EMS, miniCADA, AMI pilot; thử nghiệm tích hợp các nguồn năng lượng phân tán/tái tạo; tự động hóa. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho khách hàng về LĐTM.

Bảy lĩnh vực LĐTM có thể tác động: Nâng cao hiệu suất hoạt động của các nhà máy điện;Tối ưu hóa nhằm giảm tổn thất kỹ thuật trong vận hành hệ thống điện; Giảm hệ số đàn hồi giữa tốc độ tăng nhu cầu sử dụng điện trên tốc độ tăng GDP từ 2 lần như hiện nay xuống còn 1,1 đến 1,5 lần; Giảm lượng năng lượng sử dụng trung bình trên giá trị 1 đồng GDP; Giảm tổn thất phi kỹ thuật; Tạo ra văn hóa tiết kiệm và bảo tồn năng lượng trong xã hội; Tạo điều kiện phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và các loại nguồn điện nhỏ phân tán để giảm phát thải CO2.

(Hết)
Khánh Chi/Icon.com.vn