Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Phước- Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EVN HCMC.
Thưa ông, ngành điện TP đã đi lên từ xuất phát điểm nào?
Lúc mới thành lập, ngành điện thành phố tiếp nhận hệ thống lưới điện phân phối lạc hậu, gồm: Khoảng 1.300km lưới trung thế, trên 1.000km lưới hạ thế, chưa tới 3.000 trạm biến thế với tổng dung lượng lắp đặt chưa đến 600 MVA; khả năng cung ứng điện công suất cao nhất chỉ 200 MW; sản lượng điện trên dưới 600 triệu kWh; tổn thất điện trên 20%. Nhưng đến nay, đơn vị đã trở thành 1 trong 5 tổng công ty phân phối điện chủ yếu của cả nước với sản lượng cung ứng lên trên 10 tỷ kWh/năm, đội ngũ cán bộ, công nhân viên (CBCNV) hơn 7.400 người.
Việt Nam đang thực hiện chính sách Tam nông, ngành điện TP đóng góp như thế nào vào quá trình này?
Ngay từ đầu những năm 90, để đẩy nhanh điện khí hóa nông thôn, ngành điện TP đã có bước đi đột phá là phương án phụ thu tiền điện. Sau hơn 6 năm thực hiện, với 703,795 tỷ đồng từ phụ thu, ngành điện đã hoàn thành chương trình điện khí hóa cho toàn bộ 6 huyện ngoại thành với 100 xã, thị trấn; cải tạo và xây dựng mới 794,4 km đường dây (ĐZ) trung thế, 2.650,2 km ĐZ hạ thế; lắp đặt mới và tăng cường công suất 3.382 trạm hạ thế với tổng dung lượng đưa thêm vào lưới đạt trên 344.000 kVA, gắn mới thêm 164.334 điện kế cho các hộ nông thôn. Giai đoạn 2006-2008, EVN HCMC tiếp tục hoàn tất phủ kín lưới điện đến từng ngõ, hẻm; giải quyết cho 29.164 trường hợp có nhu cầu gắn điện kế trực tiếp và mua điện đúng giá quy định, đảm bảo 100% các xã của TP đều đạt tiêu chí nông thôn mới về điện.
Thưa ông, là ngành vừa sản xuất - kinh doanh vừa làm dịch vụ đến hàng triệu người, ngành điện TP đã làm thế nào để làm hài lòng khách hàng?
Đến cuối năm 2012, tổng số khách hàng sử dụng điện của TP đã lên đến trên 1,9 triệu (99,9% số hộ dân). EVN HCMC luôn nỗ lực để cung ứng dịch vụ tốt nhất đến từng khách hàng. Các quy trình tiếp xúc với khách hàng luôn được cải tiến, đơn giản hóa đến mức tối đa; các dịch vụ về điện ngày càng được giải quyết nhanh chóng. Đặc biệt từ năm 2007, quy trình kinh doanh “một cửa” được triển khai áp dụng tại tất cả các công ty điện lực; mở rộng việc thu hộ qua 27 ngân hàng với 1.440 điểm thu tiền điện, qua các máy ATM, tin nhắn, internet, ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi… Chủ động làm việc với khách hàng, thông báo thường xuyên về tình hình cung cấp điện, nắm bắt và giải quyết kịp thời các nhu cầu của khách liên quan đến sản phẩm, dịch vụ điện. Đưa vào hoạt động Trung tâm Chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp đầu tiên của ngành điện, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ. Hiện tại, EVN HCMC đã mở rộng phục vụ cho các ngành hạ tầng kỹ thuật khác trên địa bàn; thí điểm thành công hóa đơn điện tử vào quý IV/2012, mở đầu cho giai đoạn thương mại “điện tử hóa”.
Đồng thời, tổng công ty đã xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa, từng bước tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của CBCNV. Đỉnh cao của văn hóa doanh nghiệp tập đoàn cũng như tổng công ty chính là: Vì con người, vì cộng đồng xã hội, khi khách hàng là thượng đế - “Khách hàng là sự tồn tại của chúng ta”. Mỗi cá nhân CBCNV lại là khách hàng của chính người đứng đầu doanh nghiệp - “Người lao động là tài sản quý giá nhất”. Tổng công ty cũng đã quản lý 72.204 cam kết với chủ nhà trọ, giải quyết bán điện đúng giá cho 1.192.877 trường hợp thuộc đối tượng thuê nhà để ở.
Để cung ứng đủ nhu cầu về điện, cũng như nâng cao chất lượng cung cấp, ngành điện tp đã có những giải pháp nào?
Những năm qua, EVN HCMC luôn tập trung đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cấp, hiện đại hóa lưới điện, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện; nghiên cứu, ứng dụng đưa công nghệ mới vào thi công lắp đặt cáp ngầm không phải đào đường (dùng robot đào đường), thi công – bảo trì ĐZ trên không mà không cần cắt điện (Hotline), sử dụng camera nhiệt để phát hiện phóng điện vầng quang (Corocam), đặc biệt là camera quan sát vị trí quá nhiệt bằng tia hồng ngoại (Thermacam)… EVN HCMC là đơn vị đầu tiên trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai xây dựng các trạm truyền tải 220/110kV dùng công nghệ GIS (cách điện khí) và đưa vào khai thác tuyến cáp ngầm 220kV đầu tiên trong cả nước.
Bên cạnh đó, tổng công ty cũng luôn quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong các mặt hoạt động, góp phần tăng năng suất lao động. Đến nay, EVN HCMC đã hoàn tất ngầm hóa lưới điện tại một số khu vực trung tâm TP, trong đó có các công trình trọng điểm như: Dự án đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi, cầu đường Nguyễn Văn Cừ, cầu Thủ Thiêm, cầu Khánh Hội, đại lộ Đông Tây, dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc, đường Lê Lợi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi, Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn, Trương Định...
Đến cuối năm 2012, tỷ lệ lưới điện ngầm hóa đạt 27% trên tổng số lưới điện trung thế; làm gọn dây thông tin trên 80.330 trụ điện, tương ứng với 2.100 km ĐZ trên các tuyến đường; cơ bản hoàn tất chỉnh trang ĐZ trên địa bàn. Đơn vị cũng không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Gần đây nhất, tổng công ty đã thành công trong Dự án “Điện mặt trời cấp điện cho ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ”.
Tiết kiệm điện đang là một yêu cầu cấp thiết, ông có thể cho biết kết quả thực hiện chương trình này?
EVN HCMC hiện là đơn vị phân phối điện dẫn đầu EVN về thành tích triển khai chương trình tiết kiệm điện với kết quả giai đoạn 2006-2012 là 1,608 tỷ kWh (tương đương 1.971,4 tỷ đồng) – chiếm bình quân gần 2% sản lượng điện thương phẩm mỗi năm. Nổi bật là trong các năm 2011, 2012, lượng điện tiết kiệm toàn TP đạt trên 2,5% sản lượng điện thương phẩm, giúp giảm phát thải gần 730 ngàn tấn CO2. Hiệu quả chương trình thể hiện rõ qua hệ số đàn hồi năng lượng của TP.HCM vào các năm 2000, 2001 trên 1,5, thì đến 2012 đã giảm còn 0,67 (trong khi cả nước xấp xỉ 2), ngang bằng với một số nước tiên tiến trong khu vực. Tỷ lệ tổn thất điện đến cuối năm 2012 chỉ còn 5,56%.
Xin cám ơn ông!