Phố Wall khởi sắc nhờ khối ngân hàng và công nghệ

Thứ tư, 22/4/2009 | 14:25 GMT+7

Ngày 21/4, nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ đã giúp cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, qua đó kéo thị trường đi lên.

Hôm thứ Ba, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Obama sẽ chi 500 triệu USD cho nhà sản xuất ôtô Chrysler LLC để duy trì hoạt động vì hãng đã đạt được thỏa thuận liên minh với nhà sản xuất xe ôtô Fiat của Italia.
 
Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ sẽ rót 5 tỷ USD cho General Motors nhằm giúp hãng này thực hiện quá trình tái cơ cấu hoạt động, tránh phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
 
Trong một diễn biến đáng chú ý trong ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã lên tiếng bảo vệ kế hoạch giải cứu khối ngân hàng mà chính quyền Obama đã kế thừa lại từ chính quyền tiền nhiệm, sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự báo các định chế tài chính Mỹ có thể mất 2,7 nghìn tỷ USD trong cuộc khủng hoảng tài chính này.
 
Ông Timothy Geithner cho biết, các tài sản xấu đang làm “tắc nghẽn” hệ thống tài chính Mỹ và cản trở những nỗ lực làm cho hệ thống tín dụng được lưu chuyển bình thường.
 
“Nếu Chính phủ Mỹ một mình mua tài sản tồn đọng từ các ngân hàng, Chính phủ sẽ phải gánh vác toàn bộ phần thua lỗ và rủi ro từ việc đó”, ông Timothy Geithner nói.
 
“Nếu các ngân hàng không thể gạt bỏ số tài sản tồn đọng kịp thời, thì chúng sẽ kéo dài cuộc khủng hoảng kinh tế. Như vậy sẽ gây tốn kém nhiều hơn đối với người đóng thuế”, ông Timothy Geithner nhấn mạnh.
 
Tuy nhiên, việc xác định giá trị của số tài sản tồn đọng lại rất khó khăn nên gây ra những trở ngại đối với việc cân đối nguồn vốn của các quỹ đầu tư tư nhân.
 
Ông Timothy Geithner cũng hy vọng quỹ đầu tư kết hợp giữa Chính phủ và tư nhân sẽ sớm có những biện pháp nhằm xác định được mức giá của số tài sản tồn đọng và sớm loại chúng khỏi bảng cân đối kế toàn. Qua đó dần tạo nên sự lành mạnh trong hệ thống tài chính và sẽ khiến các tổ chức tài chính sớm lấy lại niềm tin để đẩy mạnh hoạt động cho vay trở lại.
 
Đề cập đến các ngân hàng, ông Timothy Geithner khẳng định hầu hết các ngân hàng Mỹ đủ vốn để tiếp tục cho vay và đảm bảo dự phòng cho các khoản thua lỗ có thể xảy ra, nhưng một lượng lớn nợ xấu đã gây nên những lo ngại về sức khỏe của ngân hàng và làm chậm tiến trình phục hồi.
 
Các chỉ số tăng từ 1,63% đến 2,22%
 
Ngày 21/4, nhà sản xuất thiết bị xây dựng và khai mỏ lớn nhất thế giới – Caterpillar đã công bố doanh thu trong quý 1/2009 giảm 22%, xuống 9,2 tỷ USD; lợi nhuận sau thuế lỗ 112 triệu USD, tương đương -19 cent/cổ phiếu – đây là quý kinh doanh thua lỗ đầu tiên của tập đoàn này trong vòng 17 năm qua. Quý 1/2009, lợi nhuận của Caterpillar đạt 922 triệu USD.
 
Cùng ngày, Coca-Cola công bố lợi nhuận ròng trong quý 1/2009 đạt 1,35 tỷ USD, tương đương 58 cent/cổ phiếu - thấp hơn so với mức 1,5 tỷ USD (64 cent/cổ phiếu) trong quý 1/2008.
 
Trong khi đó, nhà sản xuất hóa chất DuPont thông báo doanh thu trong quý 1/2009 giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, xuống 6,87 tỷ USD; lợi nhuận ròng đạt 488 triệu USD, tương đương 54 cent/cổ phiếu – giảm 59% so với cùng kỳ năm trước nhưng vượt dự báo của giới phân tích.
 
Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trở lại sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ nhận định hầu hết các ngân hàng đều có đủ nguồn dự trữ bù đắp các khoản lỗ có thể xảy ra. Bên cạnh đó, lợi nhuận của một số blue-chip vượt dự báo cũng tạo nên lực đẩy giúp thị trường có được sức bật tốt hơn. Ngoài ra, sức tăng của cổ phiếu khối công nghệ cũng góp phần giúp thị trường khởi sắc.
 
Cổ phiếu khối ngân hàng tăng điểm mạnh nhất trong số 10 ngành trong chỉ số S&P 500. Chỉ số KBW khối ngân hàng tăng 8,1%, trong đó cổ phiếu JPMorgan tăng 9,6%, cổ phiếu Wells Fargo tiến thêm 10,7%, cổ phiếu Citigroup lên 10,2%, cổ phiếu Bank of America tăng 9,23%...
 
Trong số 5 cổ phiếu blue-chip thuộc chỉ số Dow Jones thì chỉ có cổ phiếu của Merck và Coca-Cola là giảm điểm mạnh nhất với biên độ lần lượt là 6,66% và 2,8%, do doanh thu của hai hãng này đều suy giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, cổ phiếu của United Tech, DuPont và Caterpillar lại tăng từ 2,99-4,94%, nhờ kết quả kinh doanh đáp ứng được kỳ vọng của giới đầu tư hoặc lỗ ít hơn dự báo.
 
Điểm qua kết quả giao dịch ngày 21/4: chỉ số Dow Jones tăng 127,83 điểm, tương đương 1,63%, chốt ở mức 7.969,56.
 
Chỉ số Nasdaq phiên này lên 35,64 điểm, tương đương 2,22%, chốt ở mức 1.643,85.
 
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 17,69 điểm, tương đương 2,13%, đóng cửa ở mức 850,08.
 
Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,67 tỷ cổ phiếu, thị trường có 2.409 cổ phiếu lên điểm và có 634 cổ phiếu giảm điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,45 tỷ cổ phiếu, thị trường có 2.021 cổ phiếu tăng điểm và có 671 cổ phiếu mất điểm.
 
Kết quả kinh doanh của một số ngân hàng địa phương, quỹ đầu tư và Yahoo:
 
* Ngân hàng lớn thứ 10 ở Mỹ - U.S. Bancorp công bố lợi nhuận sau thuế của cổ đông phổ thông trong quý 1/2009 đạt 419 triệu USD, tương đương 24 cent/cổ phiếu - giảm 61% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại vượt dự báo của giới phân tích.
 
* Bank of New York Mellon thông báo doanh thu trong quý 1/2009 đã giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 3,28 tỷ USD; lợi nhuận sau thuế phân phối cho cổ đông phổ thông giảm 57% so với cùng kỳ năm trước, xuống 322 triệu USD, tương đương 53 cent/cổ phiếu – không đáp ứng được kỳ vọng của giới phân tích. Kết thúc phiên, cổ phiếu Bank of New York Mellon (NYSE-BK) giảm 0,18%, chốt ở mức 27,98 USD/cổ phiếu.
 
* BlackRock công bố doanh thu trong quý 1/2009 giảm 24% so với cùng kỳ năm trước, xuống 987 triệu USD; lợi nhuận sau thuế giảm 65% so với cùng kỳ, xuống 84 triệu USD, tương đương 62 cent/cổ phiếu – đáp ứng kỳ vọng của giới phân tích.
 
* Yahoo thông báo doanh thu trong quý 1/2009 đạt 1,16 tỷ USD; lợi nhuận sau thuế đạt 118 triệu USD, tương đương 8 cent/cổ phiếu - giảm mạnh so với mức 537 triệu USD (37 cent/cổ phiếu) trong quý 1/2008. Hãng này cũng thông báo sẽ cắt giảm 5% lực lượng lao động, tương đương 1.500 nhân viên. Cổ phiếu của Yahoo (Nasdaq-YHOO) tăng 5,27% lên 14,38 USD/cổ phiếu.
 
Những thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
Thứ Tư: Công bố kết quả kinh doanh của Morgan Stanley, Wells Fargo, AT&T, Boeing, McDonald's, Apple, eBay, Qualcomm...
 
Thứ Năm: Công bố số liệu những người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu; doanh số nhà đã qua sử dụng chờ bán; công bố kết quả kinh doanh của tập đoàn năng lượng Conoco-Phillips, Microsoft, Pepsi, Fifth Third, PNC Financial, SunTrust, Union Pacific, US Air, Amazon,...
 
Thứ Sáu: Cuộc họp G7 diễn ra tại Washington; công bố số liệu về đơn đặt hàng lâu bền; số liệu về doanh số nhà mới chờ bán; công bố kết quả kinh doanh của 3M, Honeywell, Schlumberger và Xerox.
 
Chứng khoán châu Âu khởi sắc nhờ khối bán lẻ
 
Chứng khoán Đức và Pháp đã lên điểm hôm thứ Ba trong khi thị trường Anh đã mất điểm với biên độ không đáng kể vào cuối ngày giao dịch.
 
Cổ phiếu khối bán lẻ đã dẫn đầu về biên độ tăng điểm và là đầu tàu kéo thị trường đi lên. Trong đó, cổ phiếu Tesco tăng 4,9%, cổ phiếu Metro AG tiến thêm 2,8%, cổ phiếu Sainsbury lên 1,6% và cổ phiếu Ahold nhích 2,3%.
 
Cổ phiếu khối ngân hàng đồng loạt đổ dốc sau khi IMF dự báo các định chế tài chính thế giới sẽ mất 4,1 nghìn tỷ USD trong cuộc khủng hoảng này. Cổ phiếu Barclays hạ 4,8%, cổ phiếu Royal Bank of Scotland mất 5,9%, cổ phiếu BNP Paribas, Societe Generale và Commerzbank giảm từ 2,8-4,5%.
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 3,4 điểm, tương đương -0,09%, chốt ở mức 3.987,46. Khối lượng giao dịch đạt 2,68 tỷ cổ phiếu.
 
Chỉ số DAX của Đức lên 0,34%, khối lượng giao dịch đạt 43,23 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 0,15%, khối lượng giao dịch đạt 200 triệu cổ phiếu.
 
Sắc đỏ phủ trên sàn chứng khoán châu Á

 
Ngày 21/4, nhiều thị trường chứng khoán đã giảm điểm sau khi Bank of America công bố tình trạng nợ xấu gia tăng.
 
Trong một báo cáo phân tích kỹ thuật ra ngày 20/4, chuyên gia phân tích của Citigroup cho rằng, thị trường chứng khoán châu Á đang trong tình trạng mua quá nhiều trong ngắn hạn sau khi những thông tin tích cực từ kinh tế vĩ mô được công bố.
 
Mức phục hồi này đồng nghĩa với việc có tới 88% số cổ phiếu ở khu vực đã phục hồi. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 31% kể từ 2/3/2009.
 
Tuy nhiên, đà tăng điểm của thị trường châu Á đã dừng lại trong phiên giao dịch hôm thứ Ba, sau khi xuất hiện thông tin tiêu cực liên quan đến việc trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu của ngân hàng lớn nhất ở Mỹ - Bank of America.
 
Trên bảng giao dịch điện tử, sắc đỏ phủ ở nhiều thị trường và biên độ giảm hơn 2,4% đã xuất hiện ở 3 thị trường. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương phiên này đã giảm 2,1% xuống 88,13 điểm.
 
Chứng khoán Nhật đã sụt giảm điểm mạnh trước những lo ngại về tình trạng gia tăng nợ xấu của Bank of America, qua đó làm dấy lên quan ngại về sức khỏe của hệ thống tài chính Mỹ.
 
Giới đầu tư đã tăng mạnh bán cổ phiếu khối tài chính, đẩy cổ phiếu Nomura Holdings mất 3,3%, cổ phiếu Mitsubishi UFJ Financial Group hạ 1,8%, cổ phiếu Mizuho Financial Group xuống 2,5%, cổ phiếu Sumitomo Mitsui Financial Group mất 2,2%.
 
Bên cạnh đó, đồng Yên lên giá so với USD đã đẩy cổ phiếu của nhiều hãng xuất khẩu lớn mất điểm, qua đó đẩy chỉ số Nikkei 225 sụt giảm với biên độ lớn. Trong đó, cổ phiếu Sony mất 4,7%, cổ phiếu Canon trượt 4,4%, cổ phiếu Toyota xuống 4,1%, cổ phiếu Honda hạ 4,5%...
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 25 giảm 219,71 điểm, tương đương -2,39%, chốt ở mức 8.705,04.
 
Chuyển qua thị trường khác, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ vừa ban hành quyết định hạ lãi suất cơ bản từ 3,5% xuống 3,25%. Quyết định này được ra sau khi nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này tăng trưởng 6% trong quý 1/2009 - mức thấp nhất kể từ năm 2003.
 
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương nước này cũng ban hành quyết định hạ 0,25% lãi suất tái chiết khấu xuống còn 4,75%/năm. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc duy trì ở mức 5%.
 
Bất chấp quyết định cắt giảm lãi suất, thị trường chứng khoán vẫn giảm điểm. Kết thúc phiên, chỉ số BSE 30 mất 22,47 điểm, tương đương 0,2%, chốt ở mức 10.957,03.
 
Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 1,73%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc lên 0,03%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông mất 2,95%. Chỉ số Straits Times của Singapore xuống 1,52 %. Chỉ số ASX của Australia trượt 2,4%.
Theo: VNE