Sự kiện

Quảng Nam: Khai thác tiềm năng thuỷ điện - tiềm lực quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương

Thứ sáu, 5/9/2008 | 08:56 GMT+7
Trong thời gian gần đây, Quảng Nam được xem là địa phương có nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ được triển khai hàng loạt, cho phép người dân hy vọng vào sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững của công nghiệp điện địa phương.
 

Quảng Nam giàu tiềm năng thuỷ điện từ hệ thống các sông, suối lớn

Nằm ở vị trí thuộc vùng phát triển kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên, Quảng Nam có nhiều tiềm năng về đất đai, rừng và biển, thương mại và du lịch. Lâu nay, người ta biết đến Quảng Nam là mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh yêu nước, biết đến Quảng Nam với truyền thống hiếu học và những di sản văn hoá nổi tiếng được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới như đô thị cổ Hội An và quần thể tháp cổ Mỹ Sơn.

Sau ngày giải phóng, địa phương và các ngành chức năng ở TW đã tiến hành khảo sát khí tượng, thuỷ văn, địa chất toàn bộ khu vực miền núi nhằm phục vụ nhiều mục tiêu, trong đó có nhiệm vụ khai thác tiềm năng thuỷ điện. Qua đó đã kết luận, các sông ngòi Quảng Nam, nhất là hệ thông sông Vu Gia-Thu Bồn thuộc loại tiềm năng thuỷ điện lớn ở Việt Nam, có khả năng xây dựng thuỷ điện bậc thang (xếp thứ tư trong cả nước).

Trong giai đoạn 1975-1997, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, một số  huyện, thị đã đầu tư xây dựng 13 công trình thuỷ điện vừa và nhỏ, tổng công suất trên 11 MW. Trong đó lớn nhất là thuỷ điện Phú Ninh (2000 kW) và Thuỷ điện An Điềm (5400 kW). Đến nay, phần lớn các thuỷ điện nói trên đang được khai thác sử dụng, góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện đang diễn ra gay gắt trong phạm vi cả nước.

Về các dự án thuỷ điện mới, tính đến tháng 5-2008, có 53 dự án thuỷ điện đã được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất hơn 1.551 MW, dự kiến tổng vốn đầu tư 31.000 tỉ đồng. Trong đó, có 10 dự án thủy điện lớn là thủy điện bậc thang, trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, tổng công suất 1.094 MW đã được Bộ Công thương quyết định phê duyệt như A Vương (210 W); Sông Boung 2 (100 MW); Sông Boung 4 (220 MW); Sông Giằng (60 MW); Đak Mi 1 (255 MW); Đak Mi 4 (210 MW); Sông Côn 2 (60 MW); Sông Tranh 2 (135MW)…

Thủy điện vừa và nhỏ, UBND tỉnh đã ra quyết định phê duyệt quy hoạch 43 dự án với công suất 457 MW. Ngoài ra, UBND tỉnh còn cho phép nghiên cứu, khảo sát, lập báo cáo để bổ sung quy hoạch thêm 14 dự án nữa.   

Trong 10 dự án thủy điện lớn có bốn dự án đang trong quá trình thi công (A Vương, Sông Tranh 2, Đắc Mi 4, Sông Côn 2); ba dự án đã thông qua báo cáo đầu tư; hai dự án đang lập dự án đầu tư và một đang cho phép nghiên cứu đầu tư. Trong 43 dự án nhỏ có hai dự án đã hoàn thành (gồm Khe Diên- 9 MW và Đại Đồng- 0,6 MW); bốn dự án đã khởi công xây dựng; 12 dự án đang thẩm định thiết kế, dự kiến khởi công năm nay; 20 dự án trong giai đoạn lập dự án đầu tư. 

Xây dựng các công trình thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chắc chắn sẽ mang lại hiệu ích tổng hợp rất lớn: Bổ sung nguồn điện cung cấp cho lưới điện quốc gia; giúp giảm lũ cho hạ lưu về mùa mưa vì khả năng tích nước và phân lũ của các hồ chứa lớn; điều tiết cấp nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt vùng hạ du vào mùa hè; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc miền núi. Lợi ích mang lại từ những dự án này không phải là nhỏ.

Tuy nhiên, một trong những vướng mắc khi triển khai thực hiện các dự án thuỷ điện là vấn đề môi trường và đời sống dân cư trong khu vực, bởi miền núi Quảng Nam là một phần của dãy Trường Sơn, là một trong những vùng sinh thái toàn cầu quý hiếm và đa dạng nhất của thế giới. Nơi đây được coi là một trong những vùng đất cuối cùng ít chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên các loài động, thực vật quý hiếm tập trung lớn nhất.

Vì lẽ đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc hội thảo bàn về vấn đề môi trường khi xây dựng hệ thống thuỷ điện trên sông Vu Gia-Thu Bồn. Các nhà khoa học đã cảnh báo và yêu cầu phải chú ý đến việc bảo tồn đa dạng sinh học và giữ gìn các dòng sông nguyên vẹn thông suốt từ thượng nguồn đến hạ lưu khi triển khai các dự án thuỷ điện. Một số các thuỷ điện nhỏ trên sông Giằng và sông Tiên có nguy cơ tác hại đến môi trường đã được các đại biểu đề xuất huỷ bỏ. Và ngày 26/5/2008, UBND tỉnh đã ra quyết định dừng nghiên cứu đầu tư 5 dự án thuỷ điện có ảnh hưởng đến Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, bao gồm: Sông Giằng 1 (6,5 MW), Sông Giằng 2 (18 MW), Sông Giằng 3 (7 MW), Sông Giằng 4 (4,5 MW) và thuỷ điện Dak-Se (2,5 MW). Các thuỷ điện khác vẫn được phép xúc tiến đầu tư theo tiến độ quy hoạch đã đề ra.

Ngoài ra, vấn đề “đầu ra” của thuỷ điện vừa và nhỏ làm cho các nhà đầu tư trăn trở, bởi hiện tại một số nơi của vùng cao tỉnh Quảng Nam chưa có đường dây 110kV, 220 kV. Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị các ngành chức năng sớm hoàn chỉnh việc đầu tư xây dựng, nâng cấp lưới điện 220 kV, 110 kV để đấu nối cho các dự án thuỷ điện nhỏ. Có lẽ, trong thời gian qua, đây là nguyên nhân khiến một số đơn vị dù đã nhận công trình, nhưng còn lưỡng lự không thi công, hoặc nhận dự án, nhưng giữ đó để sang nhượng hoặc có nguy cơ dẫn đến hiện tượng thủy điện treo không ai mong muốn.

Theo Công ty Điện lực 3