Sự kiện

Trên công trình Thủy điện Sơn La: Vượt lên mưa lũ

Thứ hai, 25/8/2008 | 09:50 GMT+7
Trận lũ lịch sử vừa qua không chỉ để lại hậu quả nặng nề cho các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ… mà còn gây sạt lở tại công trường thi công Nhà máy Thủy điện Sơn La. Tuy nhiên hiện tại, tất cả các đơn vị thi công các hạng mục lớn của thủy điện đều đang dồn sức vượt qua khó khăn, mưa lũ để quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ đã đặt ra.

Một góc công trình Thủy điện Sơn La đang thi công.

Sạt lở cung đường vai phải

Chiều 20-8, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Duy Hiếu - Chánh văn phòng Ban điều hành dự án Thủy điện Sơn La- cho biết, trong vòng 1 tháng trở lại đây, Thủy điện Sơn La cũng như huyện Mường La (Sơn La), nơi hàng ngàn công nhân đang thi công dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La, đã phải hứng chịu 2 trận lũ lịch sử. Trong đó, trận lũ dữ xảy ra vào những ngày 7, 8 , 9 tháng 8-2008 đã gây không ít khó khăn.

Do nước sông Đà dâng cao và nhanh, lũ dữ đã gây thiệt hại và làm cản trở rất nhiều cho các đơn vị thi công. Đặc biệt, do mưa lớn kéo dài liên tục nên đoạn đường giao thông bên vai phải từ cầu cứng lên các công trình đầu mối của thủy điện đã bị sạt lở nặng nề.

Đến thời điểm này, việc khắc phục vẫn còn nan giải do khối lượng lớn đất đá từ trên núi trôi, đổ xuống. Nhiều địa điểm, nền đường sụt lún. Con đường chở vật liệu lên mặt đập bị chặn lại, ách tắc toàn bộ. Không một xe nào có thể qua lại. Bởi vậy, hiện nay các ban điều hành đang phải bố trí cho tất cả xe chở vật liệu chạy bên vai trái lên mặt đập. Do lưu lượng xe đông nên nạn ùn tắc xảy ra, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Không chỉ quanh khu thi công thủy điện, cả con đường 106 từ thị xã Sơn La lên thị trấn Ít Ong và thủy điện cũng bị sạt lở nghiêm trọng do mưa lũ. Đây là huyết mạch quan trọng để vận chuyển vật liệu, máy móc, lương thực, thực phẩm lên công trình thủy điện nên ngay sau khi sự cố xảy ra, Sở GTVT tỉnh Sơn La đã tổ chức vá đường, xúc gạt đất đá để sớm thông xe.

Vượt lên lũ lụt

Suốt nhiều ngày nay, ở thượng nguồn sông Đà vẫn liên tục có mưa lớn. Bên dưới, nước sông vẫn đỏ quạch và hung dữ chảy. Phù sa từ thượng nguồn vẫn cuồn cuộn đổ về. Tuy nhiên, mặc cho mưa lũ quần thảo, những đoàn xe vận chuyển đất đá, bê tông, tôn thép, máy móc… vẫn cứ ùn ùn lội mưa, tiến vào các đại công trường. Cứ 7 giờ sáng, hàng trăm tốp thợ lại hối hả vào ca. Họ tự hào và hãnh diện về việc chính bàn tay họ đang từng ngày xây dựng lên một công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam.

Khi được hỏi về tình hình mưa lũ làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, Giám đốc Ban điều hành dự án Thủy điện Sơn La Nguyễn Kim Tới chia sẻ: “Do được dự báo trước là sẽ có nhiều trận mưa lũ lớn xảy ra năm nay nên từ tháng 4-2008, Ban chỉ đạo PCLB trên công trường (được thành lập từ mùa lũ năm 2006) đã triển khai hàng loạt kế hoạch để “đón” lũ. Trước mùa lũ, ban đã cùng với chính quyền và Ban chỉ huy PCLB huyện Mường La và tỉnh Sơn La xây dựng các phương án PCLB cụ thể để phân công trách nhiệm rõ ràng đến từng cơ quan, đơn vị chủ động ứng phó với mưa lũ. Bởi vậy, mặc dù vừa qua là một trận lũ lịch sử nhưng vẫn không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ của dự án”.

Ban chỉ đạo PCLB trên công trường Thủy điện Sơn La cũng cho biết thêm, nhằm sẵn sàng ứng phó với các trận lũ có thể xảy ra, hiện các công việc được phân công cho từng cơ quan, đơn vị đã rất cụ thể. Theo đó, Chi nhánh Sông Đà 9.08 đã được giao lập đội cứu hộ công trường khu vực hố móng bờ trái, có nhiệm vụ đảm bảo giao thông, chống sạt lở dọc các tuyến đường NT8, TC4, đường cao độ 138 bờ trái và khu vực hố móng nhà máy, vai trái đập.

Công ty cổ phần Sông Đà 9.09 được giao đảm bảo giao thông dọc tuyến đường NT7, khu vực mỏ đá Bản Pênh. Công ty cổ phần Sông Đà 7 có nhiệm vụ đảm bảo giao thông trên các tuyến đường công vụ bờ trái công trường. Tổng Công ty (LICOGI) được giao lo đảm bảo giao thông nửa đầu tuyến đường NP6 lên bãi thải số 1 và công tác cứu hộ khu vực đầu tràn xả lũ nơi đơn vị đang thi công. Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đảm bảo giao thông tuyến đường NP4, nửa cuối đường NP6 và nơi đơn vị đang thi công.

 

Theo SGGP