Sự kiện

Chương trình phát triển Liên hiệp quốc : Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện tiết kiệm năng lượng

Thứ sáu, 22/8/2008 | 09:46 GMT+7
Thời gian qua, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc đã thực hiện dự án hỗ trợ nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho các DNNVV tại Việt Nam. Chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Bá Vinh, Giám đốc điều hành dự án trên về vấn đề này.

Dây chuyền đánh ống của ngành dệt sợi.

* Ông đánh giá như thế nào về thực trạng sử dụng năng lượng của các doanh nghiệp (DN) nước ta hiện nay?

- Việc sử dụng và tiết kiệm năng lượng (TKNL) phụ thuộc vào trình độ công nghệ sản xuất và quản lý. Công nghệ sản xuất của các DNNVV ở Việt Nam nói chung là lạc hậu, trình độ quản lý lại yếu kém nên tiêu tốn lãng phí nhiều năng lượng để có thể làm ra một đơn vị sản phẩm.

Thực tế triển khai việc nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng của chúng tôi tại một số ngành sản xuất như gạch, gốm sứ, thực phẩm, giấy… cho thấy, chỉ cần ứng dụng một số giải pháp nhỏ về kỹ thuật và quản lý cũng đã có thể tiết kiệm một lượng lớn năng lượng cần sử dụng.

Cụ thể như nếu chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch thủ công sang công nghệ lò gạch liên tục kiểu đứng có thể tiết kiệm được 50% nhiên liệu. Hay trong sản xuất gốm sứ, nếu chuyển đổi công nghệ lò đốt than truyền thống sang lò đốt bằng ga LPG, thì có thể tiết kiệm được 90% năng lượng. Tương tự, ở các ngành khác như dệt, giấy và bột giấy, chế biến thực phẩm với quy mô đầu tư vừa phải cũng có thể tiết kiệm được 20%-30% năng lượng.

* Vậy dự án sẽ hỗ trợ các DN thực hiện TKNL như thế nào?

- Trước hết đó phải là các DNNVV (có vốn đăng ký kinh doanh nhỏ hơn 30 tỷ đồng hoặc có số lao động trung bình hàng năm thấp hơn 500 lao động) và thuộc 5 ngành công nghiệp là sản xuất gạch, gốm, sản xuất giấy và bột giấy, dệt và công nghiệp chế biến thực phẩm. Các DN này có thể được hỗ trợ bảo lãnh vốn vay với mức vay tối đa là 2 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn không quá 4 năm.

* Nhiều DN có tâm lý ngán ngại đăng ký nhận hỗ trợ từ phía dự án vì cho rằng thủ tục quá lâu và quá khó. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Nếu DN có nhu cầu vay vốn để thực hiện các dự án TKNL mà không có đủ tài sản thế chấp, chúng tôi sẽ giúp DN bảo lãnh vốn vay tối đa là 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, DN phải có báo cáo khả thi hay báo cáo đầu tư được Ban quản lý dự án phê duyệt. Công việc hiện nay chúng tôi làm rất nhanh, không quá 5 ngày. Hiện đã có gần 300 DN trong 5 ngành công nghiệp kể trên đã đăng ký tham gia dự án và được hỗ trợ tư vấn về chuyển giao công nghệ. Nhiều DN có nhu cầu vay vốn, nhưng không đủ tài sản thế chấp, cũng đã được quỹ bảo lãnh vốn vay của dự án hỗ trợ bảo lãnh vay với tổng mức trên 7 tỷ đồng. Trường hợp một số DN không vay được vốn thực hiện TKNL thời gian qua là vì không đủ hồ sơ vay vốn theo yêu cầu của ngân hàng, hoặc hồ sơ bảo lãnh vốn vay theo yêu cầu của quỹ bảo lãnh của dự án.

* Trong thời gian tới, Ban quản lý dự án có những biện pháp nào nhằm thúc đẩy mạnh hơn hoạt động TKNL cho các DN?

- Hiện Ban quản lý dự án đang tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ để giúp tạo ra một thị trường sôi động thực hiện các dự án TKNL. Theo đó, Ban quản lý hỗ trợ và thúc đẩy các địa phương có các chương trình, dự án và chính sách cụ thể để giúp đỡ DNNVV thực hiện TKNL; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền; tăng cường hỗ trợ đào tạo các tổ chức dịch vụ TKNL nhằm tư vấn giúp các DN thực hiện dự án; huy động các nguồn vốn của các tổ chức ngân hàng hay quỹ để cho DN vay. Sắp tới, vào năm 2009, khi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội thông qua sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ giúp các DN khắc phục khó khăn về vốn thực hành các dự án TKNL .

Theo SGGP