Sự kiện

Điện gió… tắt điện!

Thứ ba, 26/8/2008 | 10:03 GMT+7
Được khởi công xây dựng từ năm 2003, với tổng mức đầu tư hơn 34 tỷ đồng sau hơn 1 năm thi công, dự án điện gió huyện đảo Bạch Long Vỹ đi vào hoạt động. Thế nhưng, cũng chỉ sau chưa đầy 2 năm hoạt động, dự án điện gió hơn 2 triệu USD ấy đã... tắt khi dự án chưa kịp quyết toán.

Gió vẫn thổi nhưng điện đã... tắt!

Để phục vụ sản xuất, quốc phòng - an ninh và nhu cầu tiêu dùng điện sinh hoạt cho toàn thể nhân dân huyện đảo thanh niên Bạch Long Vĩ, Chính phủ quyết định đưa điện ra đảo Bạch Long Vĩ và giao cho Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn từ chương trình Biển Đông hải đảo. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, Trung ương Đoàn có quyết định đầu tư “Dự án điện gió đảo thanh niên Bạch Long Vỹ” đặt tại hòn đảo vốn thiếu thốn mọi thứ nhưng luôn thừa… gió này.

Sau gần một năm chuẩn bị đầu tư, ngày 20/2/2001, Trung ương Đoàn TNCS HCM có quyết định về phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án có tổng vốn đầu tư trên 34 tỷ đồng, gồm hạng mục: tua-bin gió (cánh quạt gió) sử dụng công nghệ của hãng Made Technogias Renovables S.A (Tây Ban Nha) có công suất 800KW; 2 máy phát điện diezel có công suất 414kVA/máy (để dự phòng những lúc thiếu gió) và mạng lưới điện, nhà điều hành… Dự án được giao cho Ban quản lý xây dựng thanh niên huyện đảo Bạch Long Vĩ (thuộc Trung ương Đoàn) tổ chức thực hiện.

Tháng 6/2003, hạng mục tua-bin gió trị giá 12.813 tỷ đồng bắt đầu được triển khai thi công. Đây là thiết bị siêu trường, siêu trọng gồm 2 đoạn cột tháp, mỗi đoạn dài 26m, 3 cánh quạt mỗi cánh dài 26m, rô-to nặng 30 tấn, tổng cộng toàn bộ tua-bin nặng 97 tấn. Với đặc điểm công nghệ, thiết bị nhập từ nước ngoài, việc xây dựng và lắp đặt ở xa đất liền, địa hình hiểm trở, điều kiện làm việc khó khăn, phương tiện thiếu thốn nhưng công trình lắp dựng điện gió đã hoàn thành đúng tiến độ, đạt yêu cầu kỹ thuật và an toàn tuyệt đối. Ngày 30/10/2004, trạm điện gió Bạch Long Vỹ chính thức khánh thành và đi vào hoạt động trong niềm vui mừng không chỉ riêng với người dân huyện đảo mà cả thành phố Hải Phòng.

Thế nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, chỉ sau 3 tháng đi vào hoạt động, các thiết bị được xem là hiện đại này bắt đầu...sự cố. Do còn trong thời hạn bảo hành nên các chuyên gia Tây Ban Nha vui vẻ sửa chữa và điện gió lại vận hành suôn sẻ. Nhưng cũng chẳng bao lâu, các thiết bị điều khiển hiện đại ấy lại tiếp tục...dở chứng. Và đến lần thứ 3, khoảng cuối năm 2006 thì điện gió tắt hẳn bởi lần này đã hết hạn bảo hành (bảo hành 1 năm). Các chuyên gia nước ngoài đã rút về nước và bộ phận tiếp quản vận hành thì... tịt mít.

Không có tiền thay thế thiết bị khi dự án chưa được quyết toán vậy là điện gió đành ngậm ngùi... đắp chiếu gần 2 năm nay. Các thiết bị điện tử “hiện đại” đến mức hiếm đó đã không được vận hành lại trong điều kiện nước mặn như Bạch Long Vỹ hẳn giờ chưa biết hỏng hóc đến mức nào. Giải pháp điện cho người dân trên đảo gần 2 năm nay là chạy 2 máy phát diezen vốn có chức năng phụ trợ để cấp điện.

Vi sao dự án triệu đô chóng vánh “đắp chiếu”?

Theo giải thích của một cán bộ của BQL dự án điện gió Bạch Long Vỹ thì: nguyên nhân điện gió tắt điện do các thiết bị phần mềm điều khiển hỏng bởi phụ tải... không đủ! Cán bộ này cho biết, khi thực hiện dự án, phía đối tác đã khảo sát rất kỹ phụ tải để nạp 1 phần mềm điều khiển tua-bin có dải áp phù hợp thực tế. Thế nhưng trong quá trình sử dụng, Trung tâm hậu cần nghề cá (chiếm ½ công suất tiêu thụ toàn huyện) đã ngừng hoạt động dẫn đến phụ tải không đủ và phá hỏng thiết bị điều khiển. Vì theo các chuyên gia Tây Ban Nha khuyến cáo, trạm điện chỉ nên hoạt động khi phụ tải đạt 350 KVA, nhưng đằng này những người vận hành vẫn cho máy hoạt động trong điều kiện phụ tải chưa đến 150KVA, thấp hơn nhiều mức cho phép.

Các chuyên gia của ngành điện thì cho rằng, những lý do trên không thuyết phục. Bởi lẽ, về giải pháp kỹ thuật, nhà sản xuất phải tính đến trường hợp thiết bị vẫn hoạt động bình thường trong điều kiện không tải. Nếu mỗi lần sụt tải (vào giờ thấp điểm) lại “nướng” một thiết bị điều khiển có giá trăm nghìn USD như vậy thì quả là thiết bị “hại tiền”? Bên cạnh đó, nếu do phụ tải không đủ dẫn đến hỏng thiết bị điều khiển thì tại sao đã 2 lần sửa chữa, thay thế mà điện gió vẫn không thể hoạt động? Khi hết thời hạn bảo hành, các chuyên gia Tây Ban Nha về nước đem theo những bí ẩn về công nghệ “tiến tiến” này. Khi sự cố, các kỹ thuật viên của Việt Nam chỉ còn biết... đứng nhìn bởi họ “mù tịt” về công nghệ. Theo Ban quản lý dự án thì đây là thiết bị được mua sử dụng chứ không phải sản xuất nên... không có hợp đồng chuyển giao công nghệ!

Hình ảnh về chiếc tua-bin điện gió là niềm tự hào của người dân Bạch Long Vỹ, nhưng 2 năm nay, nó là nỗi ám ảnh của nhiều cơ quan liên quan tại các kỳ họp HĐND thành phố Hải Phòng. Trả lời chất vấn cử tri tại kỳ họp HĐND thành phố mới đây, ông Đan Đức Hiệp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cũng đã chỉ ra được lý do chung chung về “cái chết” của điện gió là do “phần điện gió có công nghệ mới, trong nước chứa chủ động được về mặt kỹ thuật…; chủ đầu tư (Ban quản lý dự án Đảo thanh niên Bạch Long Vỹ) không có kinh nghiệm đối với quá trình triển khai và vận hành dự án có công nghệ mới”.

Lý do thì có nhiều, nhưng một lý do nhiều người vẫn thắc mắc tại sao một dự án lớn và có tầm quan trọng như vậy mà Chủ đầu tư (TW Đoàn) lại giao cho một đơn vị (BQL dự án xây dựng thanh niên huyện đảo Bạch Long Vỹ - thuộc TW Đoàn) vốn chưa hề có chút kinh nghiệm, kỹ thuật tổ chức thực hiện dẫn đến việc khảo sát và lựa chọn thiết bị không phù hợp?

Để cứu vãn điện gió, BQL cũng đôn đáo liên hệ với đối tác nhằm khắc phục sự cố điện gió nhưng “hồi âm” từ đối tác là... bảng báo giá thiết bị thay thế có giá cả trăm ngàn USD! Một cán bộ BQL dự án cho biết, lần gần đây nhất chuyên gia Tây Ban Nha đã mang bộ phận bị hỏng về nước chữa nhưng gần một năm nay chưa thấy trở lại. Và cách khắc phục điện gió là “giải phẫu” thiết bị điều khiển để nghiên cứu sản xuất!

Thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ thuật, thiếu kinh phí vậy là gió cứ thổi và điện cứ... tắt

Theo Công Thương