Sự kiện

Nhiều ngành đi trước để điện đi trước một bước

Thứ hai, 1/9/2008 | 09:43 GMT+7
Sau hơn 20 năm đổi mới, ngành điện lực Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, hàng loạt các công trình điện lớn được đưa vào vận hành với mục tiêu đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước, đáp ứng nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, với nhu cầu về điện cũng tăng đột biến thì thiếu điện vẫn tiếp diễn và giải pháp cắt điện luân phiên là không thể tránh khỏi. Để không mãi rơi vào tình trạng này, giờ đây phát triển nguồn điện không còn là chuyện riêng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mà đã có nhiều tập đoàn kinh tế khác cùng tham gia.

Công trường thủy điện Sơn La những ngày tháng 8/2008. Ảnh: Ngọc Hà

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam), trong những năm gần đây, mặc dù ngành điện đã đầu tư đáng kể để mở rộng mạng lưới và nâng cao năng lực cung cấp, nhưng sự thiếu điện cục bộ, đặc biệt nghiêm trọng vào những thời gian cao điểm sử dụng điện trong năm và sự mất cân đối giữa nguồn cung và nhu cầu năng lượng là rất lớn. Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng năng lượng thấp làm cho an ninh năng lượng trở nên nghiêm trọng hơn; việc phát triển nguồn điện thiếu cân đối giữa các vùng.

Điển hình như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là trung tâm công nghiệp lớn nhất, nhưng theo thiết kế phát triển ngành, phân bố điện lại tập trung ở miền Bắc. Sản xuất điện ở miền Bắc, rồi lại xây dựng 4 đến 5 đường dây 500KV để chuyển tải vào miền Nam nên tổn thất điện do chuyển tải rất lớn. Với một hệ thống sản xuất và cung ứng điện thiếu hụt và bất ổn như vậy, theo ông Trần Đình Thiên thì không thể có môi trường kinh doanh thuận lợi, thậm chí có thể nói vẫn chưa có một điều kiện đảm bảo vững chắc cho sự cất cánh của nền kinh tế.  

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, công suất lắp đặt các nhà máy điện trong toàn quốc hiện nay khoảng 13.500MW, nhu cầu khoảng 11.600MW. Tuy nhiên bao giờ trong hệ thống điện cũng có một số nguồn điện phải sửa chữa, bảo dưỡng (được bố trí rải ra trong cả năm); trong quá trình vận hành các tổ máy, nguy cơ xảy ra sự cố luôn xảy ra. Hiện nay EVN và các doanh nghiệp khác trong cả nước đang xây dựng 45 nhà máy điện với tổng công suất 14.580MW, sẽ đưa vào vận hành từ nay đến 2010. Từ cuối năm 2007, EVN đã chuẩn bị phương án đáp ứng nhu cầu điện cho mùa khô 2008 với mức tăng 18,11% so với mùa khô 2007. Hiện nay Tập đoàn đang khuyến khích mọi giải pháp tiết kiệm điện và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Trong lĩnh vực công nghiệp còn có thể tiết kiệm được 20% đến 25%, khu vực cơ quan hành chính sự nghiệp còn có thể tiết kiệm được 10% hoặc hơn nữa.

Dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, tới năm 2020, Việt Nam vẫn là nước phải nhập khẩu năng lượng. Về nguồn điện, năm 2020 cả nước cần có sản lượng điện 201 tỷ kWh; đến năm 2030 nhu cầu về điện sẽ lên tới 327 tỷ kWh. Trong khi đó, khả năng huy động sản xuất năng lượng nội địa tối đa cũng chỉ được 165 tỷ kWh và 208 tỷ kWh, như vậy đến năm 2020 Việt Nam có thể thiếu 36 tỷ kWh; đến năm 2030 thiếu 119 tỷ kWh và chắc chắn xu hướng gia tăng sự thiếu hụt nguồn điện trong nước sẽ càng gay gắt hơn và tiếp tục kéo dài trong những giai đoạn sau. Nếu dự báo này trở thành hiện thực thì hoặc là Việt Nam phải nhập khẩu điện với giá đắt gấp 2 đến 3 lần so với giá sản xuất trong nước, hoặc hoạt động của nền kinh tế sẽ rơi vào đình trệ, đời sống người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Do vậy, EVN đang tập trung triển khai các dự án đang xây dựng, đảm bảo tiến độ; vận hành an toàn các nguồn điện hiện có, hạn chế thấp nhất tình hình sự cố thiết bị. Các biện pháp lâu dài là xây dựng các nhà máy điện theo quy hoạch được duyệt; đầu tư xây dựng các nhà máy điện ở các nước lân cận để bán điện về Việt Nam; liên kết lưới điện với các nước trong khu vực; xây dựng thị trường điện, thị trường hóa giá điện để cân bằng tài chính cho nhà đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và cuối cùng lại là... đẩy mạnh tiết kiệm điện.

Theo tính toán của EVN, trong giai đoạn 2008-2015, tổng nhu cầu đầu tư của Tập đoàn là 832.063 tỷ đồng, trong đó đầu tư thuần là 758.840 tỷ đồng, trả nợ gốc và lãi vay là 73.223 tỷ đồng. Để tập trung vốn cho các công trình điện, mới đây Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu EVN ngừng đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính, đàm phán với các ngân hàng về lãi suất vay các hợp đồng tín dụng đã ký và được giải ngân. EVN cần xác định thứ tự ưu tiên các dự án điện để đưa vào vận hành trong các năm 2008, 2009 và 2010.  Hiện tại, ngoài EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đang là nhà đầu tư lớn nhất đầu tư cung ứng điện với dự án điện Cà Mau 1, Cà Mau 2 và hàng loạt các nhà máy nhiệt điện đang được triển khai. PetroVietnam hiện chiếm hơn 15% công suất của toàn hệ thống điện, ngoài ra, một số nhà đầu tư khác như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng công công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) và một số nhà đầu tư tư nhân lớn cũng tham gia vào lĩnh vực đầu tư phát điện.

Bàn về vấn đề thu hút đầu tư, tạo nguồn cho thị trường phát điện, ông Nguyễn Vũ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết, để phát triển thị trường điện cần phải sắp xếp, cải tổ lại ngành điện để hoạt động hiệu quả; phải phân tách minh bạch, rõ ràng và hiệu quả tuân theo từng bước với những điều kiện nhất định. Hiện nay Cục Điều tiết Điện lực đang triển khai đề án xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh, đây là những ý tưởng nhằm sắp xếp cho hiệu quả cơ cấu ngành điện Việt Nam.. Đồng thời, Cục Điều tiết Điện lực đang triển khai dự án, mời các nhà tư vấn nước ngoài tham gia để xây dựng một khung giá cho thị trường điện cạnh tranh.  Các chuyên gia ngành năng lượng cho rằng, muốn đạt được thị trường điện cạnh tranh thì điều kiện tiên quyết là phải đủ khung pháp lý, cấu trúc, quan hệ so với thị trường, đó là các quy tắc, quy định so với thị trường trong khi bây giờ Việt Nam mới xây dựng chứ chưa ban hành. Ngoài ra phải có quy định về vận hành, phải có thiết kế cấu trúc được duyệt và khung pháp lý được duyệt, cơ sở hạ tầng đảm bảo...

Theo ông Nguyễn Vũ Quang, việc triển khai thị trường yếu tố quyết định phải có đủ nguồn, nếu cung không đủ cầu thì không thể cạnh tranh được, chỉ khi đủ nguồn ở mọi giờ cao điểm thì lúc đó vận hành thị trường cạnh tranh mới có ý nghĩa. Phải điều chỉnh giá để các nhà đầu tư ngoài ngành và nước ngoài tham gia, việc ngành điện Việt Nam đang khó thu hút đầu tư là do giá đàm phán thấp, chi phí đầu tư lại tăng lên; thiết kế thị trường khi chỉ có 1 người mua (Công ty mua bán điện) cũng sẽ bất lợi.

Trong hội thảo mới đây bàn về thị trường điện cạnh tranh do Cục Điều tiết Điện lực tổ chức, các chuyên gia tư vấn cho rằng, một số vấn đề tồn tại chính của thiết kế thị trường phát điện cạnh tranh là cơ chế xác định giá thị trường, giá trần và giá sàn cho các bản chào của các nhà máy điện; cấu trúc thị trường điện năng; cơ chế xác định giá công suất cho các nhà máy điện và vấn đề khác như cơ chế dịch vụ phụ, tối ưu thủy điện..., là những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng lớn đến mô hình và sự vận hành của thị trường phát điện cạnh tranh. Do vậy các cơ chế được thiết lập phải bảo đảm đáp ứng được mục tiêu của thị trường điện, đó là thu hút được đầu tư trong và ngoài nước vào ngành điện, nhất là đầu tư phát triển nguồn điện./.

Xuân Mai