Bác Hồ đến thăm cán bộ, công nhân viên Nhà máy đèn Bờ Hồ.
Cùng với việc xuất hiện các nhà máy điện và các tổ chức này, các thế hệ đầu tiên của những người làm nghề điện Việt Nam được hình thành và mau chóng trưởng thành cùng phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam. Lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc đã ghi tên nhiều chiến sỹ cách mạng ưu tú xuất thân từ những người thợ điện như: Tôn Đức Thắng (thợ máy Nhà đèn Chợ Quán), Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái (nhà máy điện Vinh), Nguyễn Đức Cảnh, Lương Khánh Thiện (nhà máy điện Hải Phòng và Yên Phụ)… và nhiều tấm gương kiên trung khác.
Tháng 7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, các thành phố lớn và các trung tâm điện lực ở phía Bắc vĩ tuyến 17 được tiếp quản. Ban Tiếp quản của Bộ Giao thông Công chính được giao nhiệm vụ các cơ sở điện lực, trở thành những “vốn liếng” đầu tiên của ngành Điện lực Cách mạng Việt Nam.
Ngày 21/12/1954, cách đây vừa tròn 60 năm, không lâu sau ngày tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ Kính yêu đã về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ và Nhà máy điện Yên Phụ. Người đã căn dặn: “…Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải giữ gìn nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa…”. Sự kiện này đã trở thành một mốc son lịch sử và ngày 21/12 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của ngành Điện lực cách mạng Việt Nam. Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ và như thực tiễn của lịch sử đã chứng minh, ngành Điện đã trở thành và luôn là một bộ phận gắn bó hữu cơ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Ngày 21/7/1955, Bộ Công thương ra quyết định thành lập Cục Điện lực. Năm 1957, Bộ Công thương tách thành Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp, Cục Điện lực là đơn vị thuộc Bộ Công nghiệp. Ngành Điện non trẻ vừa ra đời đã tham dự vào những kế hoạch đầu tiên của nền kinh tế quốc dân nhằm mục tiêu hàn gắn những vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế miền Bắc mới được giải phóng.
Năm 1961, Bộ Công nghiệp sáp nhập cùng Bộ Thuỷ lợi thành Bộ Thuỷ lợi và Điện lực, Tổng cục Điện lực được thành lập. Ngành Điện tham gia thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965) với chủ trương “công nghiệp điện lực đi trước một bước”, xây dựng và khánh thành nhiều công trình điện to lớn.
Sau năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, các nhà máy và công trình điện là những mục tiêu đánh phá trọng điểm cùng với những mục tiêu quân sự. Tuy nhiên, những tổn thất do chiến tranh gây ra không ngăn cản được sức sống và vươn lên của ngành Điện. Đã xuất hiện nhiều tấm gương kiên cường bám trụ để giữ vững dòng điện, với tinh thần bất khuất “tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”, “trái tim người thợ điện còn đập thì dòng điện không bao giờ tắt”, ngành Điện đã anh dũng quật cường vừa sản xuất vừa chiến đấu, chuẩn bị cho công cuộc xây dựng sau ngày chiến thắng.
Ngày 06/10/1969, tận dụng cơ hội hòa bình khi đế quốc Mỹ tạm ngưng ném bom miền Bắc, Bộ Điện và Than ký quyết định thành lập Công ty Điện lực, hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế. Ngành Điện được phát huy tính năng động và tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhanh chóng phục hồi thiết bị và sản xuất, tạo chất lượng phát triển mới gắn nhiệm vụ chính trị của một ngành kinh tế quan trọng với hiệu quả kinh doanh.
Tháng 5/1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, Đội Quân quản điện lực tiếp quản Công ty Điện lực Việt Nam của chế độ cũ, Nha chuyển vận phân phối. Tổng cục Điện lực Miền nam được thành lập. Ngày 07/10/1975, Bộ Điện và Than ra quyết định thành lập Công ty Điện lực miền Trung. Tháng 8/1976, Bộ Điện và Than ra quyết định thành lập Công ty Điện lực miền Nam.
Như vậy đến năm 1976 đã hình thành một ngành Điện Việt Nam thống nhất, bao gồm 3 công ty điện lực quản lý địa bàn 3 miền Bắc - Trung - Nam, trực thuộc Bộ Điện và Than nhằm ổn định và phát triển sản xuất phục vụ những nhiệm vụ chính trị, kinh tế và xã hội. Ngành Điện đã thực hiện vai trò quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, đóng góp thực hiện các Kế hoạch 5 năm của đất nước và bước vào thực hiện các Tổng sơ đồ phát triển điện theo các giai đoạn.
Ngày 23-4-1981, Chính phủ thành lập Bộ Điện lực, là cơ quan của Hội đồng Chính phủ có chức năng quản lý ngành Điện trong cả nước.
Ngày 16-2-1987, Bộ Năng lượng được thành lập trên cơ sở sáp nhập các Bộ Điện lực với Mỏ và Than.
Năm 1995, kế hoạch 5 năm lần thứ 4 kết thúc, ngành Điện Việt Nam bước sang Tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn IV (1996-2000), giai đoạn kết thúc thế kỷ XX, bằng một bước chuyển mình quan trọng: Ngày 27/01/1995, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định số 14/CP thành lập và ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam. Từ ngày ngày 07/3/1994, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam hoạt động theo Quyết định 91/TTg của Chính phủ về việc thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế dưới hình thức các Tổng Công ty Nhà nước. Đây là sự kiện quan trọng, bước đột phá về đổi mới công tác quản lý doanh nghiệp Nhà nước, tạo quyền chủ động cho Tổng Công ty.
Ngày 22/6/2006, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định 147/2006/QĐ-TTg, 148/2006/QĐ-TTg chuyển Tổng Công ty Điện lực Việt Nam từ mô hình Tổng Công ty 91 thành Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Tổng Công ty Điện lực Việt Nam trước đây và các đơn vị thành viên để đảm bảo sức cạnh tranh trong môi trường hội nhập thế giới, đón vận hội mới của đất nước.
Công nhân ngành điện hôm nay.
Trong các năm tiếp theo, thực hiện các Đề án bổ sung sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước được Chính phủ phê duyệt, cơ cấu tổ chức các đơn vị thành viên của Tập đoàn đã lần lượt có nhiều sự thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia được thành lập theo công văn số 1339/VPCP-ĐMDN của Văn phòng Chính phủ ngày 3/3/2008 và Quyết định số 223/QĐ-EVN ngày 11/4/2008 của Hội đồng Quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại bốn Công ty Truyền tải điện: 1, 2, 3, 4 và ba Ban quản lý dự án công trình điện: Miền Bắc, Miền Trung và Miền Nam. Các Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc, Miền Trung, Miền Nam, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh được Bộ Công Thương ban hành quyết định thành lập tháng 02/2010. Các Tổng Công ty Phát điện 1, 2, 3 được Bộ Công thương ban hành quyết định thành lập tháng 6/2010. Trên đà phát triển của mình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam không ngừng nỗ lực phấn đấu để tiếp tục duy trì sứ mệnh cao cả của toàn Đảng, toàn dân giao phó là đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế đất nước và đời sống nhân dân.
Lịch sử hình thành và phát triển ngành Điện Việt Nam vừa tròn 120 năm và đã trải dài qua 3 thế kỷ (1894-2014). Trong đó, chặng đường 60 năm vinh quang (1954 – 2014) là do mồ hôi, trí tuệ, thậm chí cả máu và nước mắt của các thế hệ những người làm nghề Điện đã hun đúc nên ngành Điện lực cách mạng Việt Nam XHCN ngày hôm nay. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc qua các thời kỳ, ngành Điện lực Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý nhất: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, cùng nhiều danh hiệu Anh hùng, huân, huy chương cao quý cho các đơn vị, cá nhân thuộc Tập đoàn... Nhìn lại những thành quả đã đạt được, các thế hệ cán bộ công nhân viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam hết sức tự hào vì đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục phấn đấu hết sức mình bảo đảm dòng điện cho Tổ quốc.
Thông tin tổng hợp của Tập đoàn Điện lực VN (EVN)