Sự kiện

Than cho Quy hoạch điện VII: Nhiều phương án

Thứ ba, 23/10/2012 | 08:40 GMT+7
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), có 52 dự án nhiệt điện chạy than, phát triển tăng dần trong suốt 20 năm (2011-2030), chiếm tỷ lệ lớn nhất: năm 2020 (48%) đến năm 2030 (51,6%). Đây thực sự là một gánh nặng không nhỏ với ngành than trong việc làm sao để lo đủ than cho các nhà máy điện.
 

Lo âu nhiều bề

So với yêu cầu Quy hoạch điện VII và dựa trên Quy hoạch than 2012, thực tế sản xuất của ngành than chỉ đáp ứng được cho nhiệt điện than là 36 triệu tấn vào năm 2020 và 63 triệu tấn vào năm 2030, số lượng than còn lại sẽ phải nhập khẩu.

Chính vì chiếm tỉ lệ lớn nhất về công suất cũng như sản lượng, nên việc giải quyết được thỏa đáng vấn đề tăng sản lượng than nội địa cũng như nhập khẩu than có tính quyết định đến tính khả thi của Quy hoạch điện VII.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, do khả năng dự báo và công tác quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế, nên chỉ riêng vấn đề than cho điện giai đoạn 5 năm (2011-2015) đã bộc lộ nhiều bất cập. Bên cạnh việc các dự án nhiệt điện than đã được quy hoạch - một trong những cơ sở quan trọng để lập quy hoạch khai thác than - bị chậm tiến độ, khiến lượng tồn kho của năm 2012 tăng cao, thì việc “đảo lộn” kế hoạch sử dụng than cũng khiến nhiều đơn vị sản xuất lao đao. Đơn cử như: Quy định là các nhà máy điện khu vực miền Trung, miền Nam dùng than nhập khẩu, miền Bắc dùng than sản xuất trong nước, nhưng thực tế Dự án nhiệt điện than Hải Phòng 3, Phú Thọ lại sử dụng 100% than nhập khẩu. Thái Bình 2 ký nguyên tắc sử dụng than cám 6b, sau đó lại không lấy nữa, hay Vĩnh Tân 1 sau ba năm vận động, phút cuối lại chuyển sang dùng than nhập khẩu…

Thực tế trên cùng với độ trễ của quy hoạch đang đặt ngành than phải tính đến những phương án linh hoạt để sản xuất- kinh doanh hiệu quả, thích ứng với thị trường. Bởi thực tế, việc khai thác, duy trì, hay tăng năng lực khai thác than mỏ hầm lò đều rất tốn kém; trong khi như dự báo, tốc độ các dự án nhiệt điện than sẽ còn lùi nữa.

Xác định đúng nhu cầu- sinh mệnh của ngành than

Để chuẩn bị tốt nhất việc cung cấp than cho quy hoạch điện VII, theo Tổng giám đốc Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)- Lê Minh Chuẩn- quan trọng nhất là đánh giá đúng khả năng đáp ứng của ngành than theo quy hoạch. Muốn vậy, phải tổng rà soát lại kế hoạch 5 năm (2011-2015) xem đã thực hiện được đến đâu và có kế hoạch cụ thể 5 năm tiếp theo (2015-2020).

Theo đó, ông Chuẩn yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch tăng sản xuất tối đa hàng năm là 5% hay 8%. Sau khi tính toán khả năng thực hiện đến hết năm 2013, xác định xem sẽ phải làm gì tiếp theo: Đầu tư vào đâu, thăm dò bao nhiêu dự án, mỏ nào nâng cấp, mỏ nào cải tạo, mỏ nào mở mới…? Các nhà máy tuyển cũng phải lên kế hoạch tuyển rõ ràng; hệ thống vận chuyển, băng tải, cảng biển xác định khả năng phục vụ ra sao? “Các công việc trên, các đơn vị thành viên thuộc Vinacomin sẽ phải hoàn thiện trong quý IV/2012, sau đó có báo cáo cụ thể với lãnh đạo tập đoàn”- ông Chuẩn nhấn mạnh.

Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn cũng lưu ý, với lượng than nhập khẩu sẽ ngày càng cao, các đơn vị có liên quan phải làm rõ xem có bao nhiêu đơn vị cần nhập than, nhập từ đâu, nguồn thế nào.., để có phương án tính toán cụ thể, hợp lý.

Bên cạnh đó, xem xét, đánh giá năng lực của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu than- Coalimex; nếu đủ năng lực và hoàn thành nhiệm vụ, về lâu dài sẽ nâng lên thành tổng công ty XNK, đảm nhiệm chức năng: Lo nguồn than trong nước, xây dựng hệ thống vận chuyển cảng biến, bố trí cung cấp than từ cảng biển vào nhà máy điện.

Trong các phương án mà các Ban: Xuất khẩu, Tiêu thụ trong nước, Tài nguyên… sẽ xây dựng, đề xuất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh than những năm tới đây, ông Chuẩn đề nghị: “Nên tính đến chuyện pha trộn than với các tỉ lệ khác nhau để đạt hiệu quả nhiệt năng tốt nhất. Đây là hình thức các nước trên thế giới đang thực hiện đạt hiệu quả cao và khá phổ biến”.

Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện cung cấp than chuẩn bị cho Quy hoạch điện VII, trong đó phân công rõ công việc và có cơ chế hoạt động rõ ràng cho các bộ phận của ban, cũng được xác định là công việc cần làm ngay của ngành than.

“Đã đến lúc chúng ta làm thật chứ không phải vẽ cho đẹp. Mọi tính toán cho sản xuất, kinh doanh phải theo tư duy thị trường chứ không lệ thuộc hoàn toàn vào quy hoạch. Bởi quy hoạch không phải lúc nào cũng sát với thực tế và thường có độ trễ. Tuy nhiên, cần chuẩn bị sẵn phương án điều chỉnh khi nhu cầu thực tế tăng, giảm đột biến so với dự tính” - Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn nhấn mạnh.

Theo Quy hoạch điện VII, năm 2020, công suất các nhà máy nhiệt điện than là 36.000MW, sản xuất được 154,44 tỷ kWh, nhu cầu than là 67,3 triệu tấn. Năm 2030, công suất các nhà máy nhiệt điện than là 75.748,8MW, sản xuất được 391,980 tỷ kWh, nhu cầu than lên tới 171 triệu tấn.

 
Báo ĐT Công thương