Công trình thủy điện Đồng Nai 4. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Tại đây, Người căn dặn cán bộ, công nhân viên: Trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào cũng phải thực hiện đoàn kết, thi đua nhằm mục đích để tăng năng suất; tiết kiệm nhiên liệu, vật liệu. Đồng thời, phải tuyên truyền cho nhân dân và các cơ quan ý thức tiết kiệm điện. Tiết kiệm được một cân than, tăng được một ki-lô-oát điện là góp thêm một phần lực lượng đánh thắng giặc ngoại xâm, nhất định khôi phục được kinh tế, nâng cao được đời sống toàn dân. Những lời căn dặn của Bác gần 68 năm trước như ngọn đèn soi tỏ mỗi bước đường, giúp ngành Điện Việt Nam kiên tâm vượt qua muôn vàn gian nan, thử thách.
Từ năm 2020, đại dịch COVID - 19 bùng phát, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với vai trò trụ cột trong cung cấp điện cho nền kinh tế, đã bị tác động theo chiều hướng tiêu cực, ảnh hưởng đến sản xuất và tăng trưởng. Trong muôn vàn thử thách, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập hợp sức mạnh đoàn kết, phát huy sức mạnh nội tại để hoàn thành suất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó.
Ải vũ môn
Công nhân Điện lực Nghĩa Lộ (Công ty Điện lực Yên) Bái lắp đặt công tơ điện tử cho khách hàng. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Đại dịch COVID-19 bùng phát trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, (năm 2020) vì thế việc lây lan rất nhanh chóng và khó kiểm soát. Hậu quả kinh tế mà đại dịch để lại trên toàn cầu rất nặng nề. GDP toàn cầu ước tính đạt khoảng 84,54 nghìn tỷ USD vào năm 2020 - nghĩa là tăng trưởng kinh tế giảm 4,5% dẫn đến sản lượng kinh tế bị mất gần 2,96 nghìn tỷ USD. Năm 2021, tăng trưởng của kinh tế thế giới có phần gượng lại, nhưng vẫn ở mức thấp.
Thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra phần lớn là do đứt gãy chuỗi cung ứng làm cho sản xuất bị gián đoạn và nhu cầu giảm, ít người tiêu dùng đủ khả năng mua hàng hóa và dịch vụ có sẵn trong nền kinh tế toàn cầu. Điều này được nhìn thấy rõ ràng trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là du lịch và lữ hành. Để làm chậm sự lây lan của vi-rút, các quốc gia đã đặt ra những hạn chế đối với việc đi lại và nhiều người không thể mua vé các chuyến bay cho các kỳ nghỉ hoặc các chuyến công tác. Sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng này là nguyên nhân khiến các hãng Hàng không mất doanh thu theo kế hoạch và do đó họ phải cắt giảm chi phí bằng cách giảm số lượng chuyến bay khai thác. Ngoài ra, nguồn cung toàn cầu cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do nguồn lao động bị ảnh hưởng, việc hạn chế di chuyển của các quốc gia gây khó khăn cho xuất nhập hàng hóa.
Năm 2021, cú sốc về nguồn cung và nguồn cầu cùng diễn ra, góp phần làm tăng giá hàng hóa từ sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng. Ghi nhận từ nhiều thị trường cho thấy, có sự đa dạng đáng kể về mức độ của những tác động này giữa các quốc gia và các lĩnh vực.
EVN đã tận dụng hiệu quả sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số, hướng tới việc khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ điện trực tuyến trên không gian số. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Tại Việt Nam, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế Việt Nam trên 3 tác động chính là: Tăng trưởng, đầu tư và thương mại; gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng tác động lớn đến dịch vụ và du lịch. Những ảnh hưởng trên đã tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVN.
Năm 2021 là năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế xã hội của đất nước và (EVN phải đối mặt với đại dịch COVID -19 bùng phát mạnh tại tất cả các địa phương trên cả nước đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế đất nước, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp dẫn đến tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm tiếp tục thấp hai năm liền, việc giảm giá điện, giảm tiền điện liên tục đợt 3, 4, 5 để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (năm 2021, EVN thực hiện giảm giá điện cho khách hàng do COVID -19 với tổng số tiền trước thuế khoảng 3.000 tỷ đồng); trong bối cảnh các thông số đầu vào cho sản xuất điện như giá than, giá khí đều tăng,… đã ảnh hưởng tiêu cực đến công tác vận hành hệ thống điện, cân đối tài chính và tiền lương thu nhập người lao động của EVN; công tác đầu tư xây dựng gặp nhiều vướng mắc do các quy định hiện hành của nhà nước còn thiếu đồng bộ, khó khăn trong việc chuyển đổi đất rừng, giải phóng mặt bằng.
Với vai trò nòng cốt trong đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, lãnh đạo EVN đã tập trung chỉ đạo điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện, thị trường điện đã bám sát nhu cầu phụ tải, khai thác hiệu quả các nguồn điện trong hệ thống. Kết quả, đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 20.670 MW (tăng 3.420 MW so với năm 2020) và chiếm tỷ trọng 27,0%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.
Các kỹ sư Công ty Điện lực Lai Châu vận hành lưới điện tại Trung tâm điều khiển xa. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống năm 2021 đạt 43.518 MW (ngày 2-6-2021), tăng 11,3 % so với năm 2020 (39.111 MW); sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2021 đạt 256,7 tỷ kWh, tăng 3,9% so năm 2020; sản lượng điện sản xuất và mua của EVN năm 2021 đạt 246,21 tỷ kWh, tăng trưởng 3,25% so năm 2020, trong đó điện mua từ các nguồn ngoài EVN là 123,68 tỷ kWh tăng 22,07% so với 2020; điện thương phẩm đạt 225,3 tỷ kWh, tăng 3,85%.
Năm 2021 là một năm vận hành đầy biến động của hệ thống điện quốc gia không chỉ chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, mà còn phải đối mặt các vấn đề khác, như: Phụ tải và thủy văn diễn biến bất thường, phức tạp và rất khó dự báo; nhu cầu sử dụng điện giảm mạnh trong khi tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo (bao gồm NMĐ gió, sinh khối, điện mặt trời) tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống và dẫn đến tình trạng “thừa nguồn” (đặc biệt là vào các ngày lễ và cuối tuần ở khu vực miền Nam), nhưng lại thiếu điện cục bộ một số khu vực tại miền Bắc tại một số thời điểm cao điểm nắng nóng mùa hè.
EVN đã đảm bảo vận hành an toàn hệ thống lưới điện, đặc biệt là hệ thống điện 500kV Bắc - Nam, thực hiện nghiêm túc các quy định về lập lịch, huy động, vận hành và điều độ các nhà máy điện trong hệ thống điện. Phối hợp với các đơn vị phát điện trang bị, kết nối hệ thống điều khiển công suất phát tự động (AGC) nên đã hỗ trợ hiệu quả cho công tác điều độ, vận hành tối ưu trong thời gian thực các nguồn điện tái tạo trong trường hợp phụ tải giảm thấp hoặc quá tải lưới điện khu vực, đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch. Đến cuối năm, hầu hết các hồ thủy điện đều tích lên đạt mực nước dâng bình thường để chuẩn bị phát điện cho năm 2022. Mặc dù ảnh hưởng của COVD -19 làm phụ tải thực tế thấp hơn nhiều so với dự báo, Điều độ quốc gia vẫn đảm bảo vận hành thị trường điện bán buôn cạnh tranh (VWEM) liên tục ổn định.
Đoàn kết và tiết kiệm
Công nhân Công ty Điện lực Lào Cai tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm cho bà con đồng bào dân tộc trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Năm 2022, đại dịch đã dịu bớt ảnh hưởng đến cung - cầu hàng hóa trên toàn cầu, nhưng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine có thể còn kéo dài làm trầm trọng hơn sự đứt gãy cung - cầu, tạo nên tình trạng lạm phát do “chi phí đẩy”.
Bước vào thực hiện Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2022 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, EVN đã gặp phải khó khăn do thiếu than cho sản xuất điện với sản lượng thiếu hụt khoảng 900 triệu kWh/tháng từ thiếu than. Trong khi đó, tình tình thủy văn tại một số hồ thủy điện lớn khu vực phía Bắc được dự báo có lưu lượng nước về kém. Trước tình hình đó, EVN thực hiện nhiều giải pháp để thực hiện tích nước các hồ chứa thủy điện khu vực phía Bắc ngay từ khi kết thúc mùa lũ nhằm đảm bảo cho việc vận hành hệ thống điện trong thời gian cao điểm mùa khô năm 2022, đảm bảo cấp nước đổ ải vụ Đông - Xuân 2021-2022, đặc biệt là cấp nước cho nhà máy nước Sông Đà phục vụ nước sinh hoạt cho Thủ đô Hà Nội.
Mực nước các hồ thủy điện vừa và lớn khu vực Trung Trung bộ phổ biến thấp hơn MNDBT từ 0,6-1,8m. Dung tích các hồ phần lớn đạt từ 93-98% DTH; dung tích của các hồ chứa thuỷ điện khu vực Nam Trung Bộ phổ biến đạt mức từ 90-100% dung tích hồ chứa (DTHC); mực nước hiện tại các hồ thủy điện khu vực Tây Nguyên phổ biến thấp hơn MNDBT từ 0,1-3,2m, dung tích các hồ phần lớn đạt từ 85-95%.
Đây đã là những thách thức rất lớn cho EVN khi phải đảm bảo cung cấp điện đáp ứng nhu cầu phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID - 19.
Để đảm bảo cung cấp điện trong năm 2022 và các năm tiếp theo, EVN tính toán cân đối cung cầu điện toàn quốc theo 2 kịch bản phụ tải, đó là, kịch bản phụ tải cơ sở: Đảm bảo điện cho phát triển kinh tế với tăng trưởng GDP từ 6,5-7% theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, dự báo nhu cầu điện tăng trưởng ~9%/năm; kịch bản phụ tải cao: Chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng mạnh, trong đó dự báo tăng trưởng nhu cầu điện năm 2022 là 11,5% và các năm 2023-2025 bình quân 10,36%/năm.
Qua tính toán cân đối cung cầu điện toàn quốc cho thấy, việc đảm bảo cung ứng điện sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong đó, đối với miền Bắc nhu cầu điện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Trong khi đó các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hàng năm trong giai đoạn 2022-2025 thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải nên việc đảm bảo cung cấp điện ngày càng khó khăn và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh vào các tháng 5-7 là thời điểm nắng nóng cuối mùa khô, công suất khả dụng các nhà máy thủy điện bị suy giảm. Việc hỗ trợ cấp điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc bị giới hạn bởi năng lực truyền tải 500kV Bắc – Trung.
Đối với khu vực miền Trung và miền Nam, cơ bản đáp ứng cung ứng điện trong cả giai đoạn 2022-2025, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn khó khăn trong trưởng hợp nhu cầu điện tăng trưởng theo kịch bản cao và/hoặc các nguồn điện lớn bị chậm tiến độ.
Công nhân Truyền tải điện Quảng Bình (PTC2) lắp đặt camera giám sát đường dây 500kV mạch 3. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Với những khó khăn trên, EVN đã xây dựng các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện đến năm 2025, theo đó, tăng cường kiểm tra, củng cố, khắc phục các khiếm khuyết để nâng cao độ tin cậy, khả dụng các tổ máy phát điện; đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện; bố trí lịch sửa chữa các tổ máy hợp lý, trong đó không bố trí lịch sửa chữa các NMĐ khu vực phía Bắc trong các tháng 57 năm 2022; các năm tiếp theo, bố trí lịch sửa chữa các tổ máy hợp lý, đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu vận hành an toàn, ổn định và tối đa công suất khả dụng các nguồn điện của hệ thống điện miền Bắc trong giai đoạn cuối mùa khô, đầu mùa lũ hàng năm; huy động tối ưu các nguồn điện, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc nhằm đảm bảo tích nước các hồ thủy điện miền Bắc lên mực nước cao nhất vào cuối năm và điều tiết giữ ở mực nước cao đến cuối mùa khô để nâng công suất khả dụng các NM thủy điện, nhất là các NMTĐ lớn trên bậc thang sông Đà.
Tập trung chỉ đạo để đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư của EVN như: Thủy điện Hoà Bình MR, NĐ Quảng Trạch I; tăng cường nhập khẩu điện Lào về khu vực miền Bắc; tiếp tục đàm phán nhập khẩu điện Trung Quốc linh hoạt qua các đường dây 220kV hiện hữu (công suất tối đa ~ 550MW) đến năm 2025 và đàm phán để tăng công suất nhập khẩu lên 2.000MW từ năm 2025 (qua các trạm Back-To-Back do phía Trung Quốc đầu tư); nghiên cứu đề xuất đầu tư các hệ thống pin tích trữ (BESS) tại miền Bắc nhằm bổ sung nguồn phủ đỉnh; khuyến khích phát triển các nguồn điện NLTT tại khu vực miền Bắc để có thể thực hiện nhanh, đưa vào vận hành trước năm 2025; tăng cường năng lực truyền tải, đặc biệt, truyền tải Bắc – Trung, trong đó đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến Đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa - Nam Định - Phố Nối năm 2024-2025. Sau khi hoàn thành sẽ tăng thêm năng lực truyền tải giữa miền Trung và miền Bắc từ mức ~2.200MW hiện nay lên khoảng 5.000MW (tăng thêm 2.800MW); tập trung đầu tư các dự án lưới điện phục vụ giải toả công suất các NMTĐ nhỏ miền Bắc và các nguồn NLTT miền Trung, miền Nam; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường truyền thông, khuyến khích khách hàng đầu tư lắp đặt hệ thống Điện mặt trời mái nhà với mục đích tự tiêu thụ tại khu vực phía Bắc…..Đặc biệt, cung cấp đầy đủ, liên tục than cho hoạt động sản xuất điện; không tăng giá than trong nước bán cho hoạt động sản xuất điện cũng như giá than trong nước tính toán trong phương án phối trộn than; nghiên cứu các phương án phối trộn, tối ưu hóa chi phí, các công đoạn sản xuất, tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai minh bạch giá than nhập khẩu để có giá than pha trộn phù hợp, không tăng quá cao; kiểm soát giá than trong điều kiện giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh kịp thời.
Với tinh thần “Giữ vững dòng điện như dòng máu trong tim”, chắc chắn tập thể CBCNV EVN sẽ vượt qua được khó khăn của năm 2022 để thực hiện trọn vẹn cam kết với Đảng, Nhà nước và Nhân dân “Điện đi trước một bước”, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.