Phóng sự

Xây dựng Đường dây 220kV vượt biển đầu tiên tại Việt Nam: Gặp những người chinh phục biển

Thứ tư, 31/8/2022 | 14:11 GMT+7
Từ tháng 6, thời tiết vùng biển Tây Nam không còn bị ảnh hưởng bởi những đợt gió mùa từ Đông Bắc, song miền Nam lại bước vào mùa mưa. 

Trạm biến áp 220kV Kiên Bình đã sẵn sàng truyền tải điện ra đảo ngọc qua đường dây 220kV vượt biển đầu tiên tại Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.  Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Đã hết bóng dáng những ngày hè đổ lửa mà luôn bất chợt mưa, bất chợt gió. Chen giữa là nắng hoe vàng, óng ả rót xuống như tơ như mật trên một bầu trời lúc nào cũng vần vũ mây trôi. Chỉ ở biển một ngày, tôi đã cảm nhận rõ nhất điều ấy. Không còn những con sóng êm đềm, nồm nam mát rượi với dải nước xanh trong. Thay vào đó, nước biển đã ngả sang cái màu bàng bạc, sóng đã biết gầm gào, triều xuống triều lên sáng chiều bất chợt, cơ chừng báo hiệu một mùa biển động đang cận kề, hối thúc các Nhà thầu Dự án Đường dây 220kV vượt biển Kiên Bình – Phú Quốc sớm hoàn tất những công việc cuối cùng để đóng điện trong tháng 9 – 2022.
 
Đường dây 220KV vượt biển Kiên Bình – Phú Quốc là dự án trọng điểm quốc gia và là đường dây 220 kV vượt biển đầu tiên tại Việt Nam. Dự án đường dây 220 kV Kiên Bình – Phú Quốc vừa khởi công thì ngay sau đó dịch COVID-19 bùng phát hiện hữu ngay sau khi khởi công công trình. Ở nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam thời gian thực hiện giãn cách xã hội khá dài, các địa phương phong tỏa để phòng chống dịch nên việc huy động nhân công, cán bộ kỹ thuật của nhà thầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tranh thủ những ngày biển lặng, các nhà thầu khẩn trương thi công các hạng mục trên biển. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Do đặc thù công tác thi công cần lượng lớn vật tư, máy móc và thiết bị cần phải vận chuyển từ các phạm vi lân cận đến công trường, việc diễn biến phức tạp của dịch đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công của dự án. Sau Tết Nguyên đán Nhâm dần - 2022, tình hình dịch bệnh COVID -19 trên cả nước diễn biến phức tạp, số ca mắc COVID -19 tại các tỉnh tăng mạnh, nhiều công nhân bị nhiễm bệnh, không thể ra công trường nên việc huy động lực lượng thi công gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến các nhà thầu không điều chuyển đủ nhân lực, thiết bị như cam kết dẫn đến bị chậm triển khai công tác thi công, việc bố trí tăng cường nhiều đội thi công cùng lúc để triển khai song song công tác dựng trụ và néo dây không thực hiện được.
 
Chi phí vận tải, chi phí nguyên vật liệu cũng tăng từ 10% đến 30% do giá xăng dầu liên tục tăng, riêng giá thép tăng đột biến từ 40-50%, kéo theo giá các loại lương thực thực phẩm và hàng hóa tăng theo, trong khi thu nhập của người lao động không thay đổi khiến người lao động và sử dụng lao động gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều lao động sau khi về quê ăn tết đã không quay trở lại công trường. Những khó khăn của các nhà thầu đã ảnh hưởng tới tiến độ thi công.

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Anh em công nhân Công ty Cổ phần Xây lắp điện 1 tâm sự, vì trót đam mê với nghề xây lắp những công trình điện, nên buộc phải nằm lòng bất chấp mưa gió tơi bời và cái dữ dội của biển mới mỗi khi có cơn bão đi qua. Những ngày bị ảnh hưởng bão, anh em ăn dầm ở dề trên các xà lan đánh vật với sóng, với gió. Thi công các công trình trên biển rất kén người, vì ngoài đòi hỏi kỹ thuật khá khó và phức tạp, làm việc trên xà lan có diện tích khá nhỏ so với trên đất liền nên phải là những người có khả năng chịu nước, chịu sóng, đối diện với sóng biển trong mưa gió rét mướt mới trụ nổi.
 
Phú Quốc mùa này khá đông khách du lịch. Những chiếc ca-nô nằm chen nhau chờ khách. Chúng tôi cũng lên một chiếc ca – nô để “lên tuyến”. Biển trông khá hiền lành. Nắng gắt. Gió lặng. Mây trắng vẩn vơ từng dải mỏng tang. Phành phạch máy nổ, chiếc ca - nô đè sóng hướng ra khơi về phía Kiên Bình. Đảo Phú Quốc dần lùi xa. Màu nước bên mạn thuyền cứ ngày càng xanh thẫm, cơ chừng đã sâu lắm rồi. “Mới khoảng 10 sải nước thôi”, anh lái thuyền giải thích. Ở biển, người ta ước độ sâu của nước bằng sải tay. Một sải tay tầm mét rưỡi. Nghĩa là “mới” sâu có 15 mét nước tính từ đáy thuyền xuống. Ra xa, biển vắng tanh, đã nhìn thấy mờ mờ hàng trụ điện đã được dựng đều tăm tắp giữa mênh mông biển khơi. Nơi đây, đâu cũng một màu nước, một kiểu sóng, mù mịt trùng khơi. 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Hơn một tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được vị trí trụ cột đầu tiên. Có tất thảy là 117 trụ cột vượt biển, mỗi trụ là một khối kết cấu sắt thép và bê tông khổng lồ. Trong đó, mỗi trụ thép là một kết cấu cao từ 51 - 87 mét với trọng lượng từ 54 đến 114 tấn, được đặt trên một đế móng trụ là khối bê tông hình vuông có diện tích mặt sàn trung bình 400 m2. Đế móng trụ được đặt trên một hệ thống cọc bê tông gồm từ 56 - 72 cọc dự ứng lực với đường kính D800mm. Mỗi cọc có đường kính từ 60 - 80 cm, dài trên 31 mét, chịu được nước biển, cắm sâu dưới lòng biển từ 20 đến 50 mét. Khoảng cách các vị trí trụ trên biển trung bình là 600 mét.
 
Được biết, ngay giữa tháng 3-2022, lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã đi kiểm tra tiến độ công trình, làm việc với các nhà thầu, đơn vị thi công và đã giao Ban quản lý dự án Điện lực miền Nam - đơn vị giám sát công trình, làm việc với các nhà thầu và cập nhật lại tiến độ cấp 3 (bao gồm cả thời gian dự phòng cho công tác nghiệm thu, đóng điện) đảm bảo thời gian hoàn thành công trình đúng tiến độ được giao. Phối hợp với các nhà thầu gồm Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Công ty TNHH MTV Xây lắp Điện 2 và Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 2 khẩn trương giải quyết dứt điểm vấn đề sai lệch thanh neo ở các vị trí trụ 54, 60, 61, 107 để đảm bảo Công ty TNHH MTV Xây lắp Điện 2 dựng trụ không gặp vướng mắc, trở ngại ảnh hưởng đến tiến độ công trình; làm việc với Công ty cổ phần Xây lắp Điện 1để sớm hoàn tất phương án cắt điện thi công giao chéo với đường dây 110kV 176 Kiên Bình – 172 Holcim thỏa thuận cắt điện với khách hàng và ưu tiên dựng trụ VT152 để hoàn thành kéo dây khoảng néo VT145÷155; phối hợp Công ty Điện lực Kiên Giang làm việc với chính quyền địa phương nhằm đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Nghiên cứu, đề xuất các phương án dự phòng thay thế tạm thời để đảm bảo tiến độ đóng điện của công trình; theo sát và yêu cầu nhà thầu phải bổ sung máy móc dự phòng để đảm bảo tiến độ của công trình.

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Đến thời điểm cuối tháng 8-2022, tiến độ chung toàn bộ công trình đã hoàn thành trên 95%, theo đó, hạng mục thi công móng trụ và dựng trụ thép trên biển các đơn vị thi công đã hoàn thành 100% tiến độ (117/117 móng trụ và trụ thép); thi công móng trụ và dựng trụ thép phía bờ Kiên Bình cũng đã hoàn thành 100% tiến độ (39/39 móng trụ và trụ thép); tại bờ Phú Quốc, thi công móng trụ hoàn thành trên 92% tiến độ (12/13 móng trụ); còn hạng mục dựng trụ thép trên bờ Phú Quốc cũng hoàn thành được trên 62% (8/13 trụ); đã hoàn thành được gần 60/64,7 km đường dây trên biển; kéo dây đoạn tuyến trên bờ hoàn thành 12/15,6km.
 
EVNSPC đang tích cực đôn đốc đơn vị giám sát, các nhà thầu khẩn trương thi công một số vị trí còn lại của hạng mục kéo dây trên biển và kéo dây đoạn tuyến trên bờ tại Phú Quốc nhằm sớm đưa công trình vào đóng điện trong tháng 9-2022.

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Năm 2014, đường dây cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc đưa điện lưới Quốc gia ra huyện đảo Phú Quốc. Có điện lưới quốc gia, có Cảng hàng không quốc tế, Cảng biển quốc tế An Thới, Cảng biển hành khách quốc tế Dương Đông…là những động lực giúp cho Phú Quốc vươn lên trở thành đô thị loại II, chỉ sau 5 năm. Tháng 9- 2022, đường dây trên không 220kV vượt biển Kiên Bình – Phú Quốc đưa vào vận hành - lưới điện truyền tải đầu tiên có mặt ở huyện đảo đáp ứng nhu cầu về sử dụng điện của đô thị loại 1 vào năm 2025. Tuyến đường dây 220kV Kiên Bình – Phú Quốc đã hiện hữu kết nối đất liền với biển hứa hẹn sẽ tạo sự đột phá mới, “đi trước một bước” nhằm xâu chuỗi và hối thúc các hợp phần khác trong đặc khu kinh tế Phú Quốc. Cùng với Hàng không, viễn thông, sự có mặt của đường dây 220kV Kiên Bình – Phú Quốc sẽ xóa nhòa ranh giới ngăn cách về không gian địa lý, để những ham muốn khám phá, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trở thành hiện thực. Biển cả bao la luôn được xem là khát vọng chinh phục thiên nhiên của con người và những công trình đưa điện lưới quốc gia ra Phú Quốc chính là những công trình chinh phục thiên nhiên. Công trình lưới điện nơi đại dương sâu thẳm kia là ước mơ hàng ngàn năm của ngư dân Phú Quốc được chắt chiu từ những điều dung dị nhất của những người thợ điện Việt Nam dành cho “đảo ngọc”. 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Nắng lên đỉnh đầu, kết thúc hành trình với những người thợ xây lắp điện. Không gian giờ chỉ còn tiếng máy giòn tan hòa trong tiếng gió, tiếng sóng biển ì oạp bên mạn thuyền. Tạm biệt những người thợ xây lắp điện nhiệt tình và tốt bụng. Tạm biệt biển mênh mông hiền hòa. Tạm biệt biển khơi thương nhớ. Một ngày không xa, dòng điện truyền tải sẽ được hợp long trên vùng biển Tây Nam, giảm tải cho đường dây cáp ngầm 110kV Hà Tiên – Phú Quốc, đảm bảo nguồn điện lâu dài, ổn định phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư của thành phố Phú Quốc, góp phần bảo về an ninh quốc gia và chủ quyền biển đảo của đất nước.
 

Các hạng mục dựng trụ thép trên bờ Phú Quốc đã hoàn thành được trên 62%. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Dự án Đường dây vượt biển 220kV Kiên Bình – Phú Quốc có tổng mức đầu tư 2.212 tỉ đồng do EVNSPC làm chủ đầu tư. Dự án gồm 169 vị trí trụ, trong đó có 117 trụ vượt biển trên không có tổng chiều dài hơn 80,44km đường dây 220kV từ xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương ra thành phố Phú Quốc.
Đường dây 220kV Kiên Bình – Phú Quốc là đường dây 220kV vượt biển đầu tiên tại Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á. 

Thi công móng trụ và dựng trụ thép phía bờ Kiên Bình cũng đã hoàn thành 100% tiến độ. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Toàn bộ hệ thống trụ điện đều được sản xuất gia công tại Việt Nam bằng thép cường độ cao, mạ kẽm nhúng nóng, với lớp sơn bên ngoài chịu được tác động muối biển. Dự án được thiết kế trụ tháp sắt 2 mạch. Hệ thống cọc cũng được sản xuất tại Việt Nam, trong đó đài móng làm bằng bê tông cốt thép chịu được tác động của sóng biển trong mọi điều kiện thời tiết. 
 



Người đàn ông dân tộc Thái tận Sơn La lênh đênh trên biển nhiều tháng liền và mỗi tuần say sóng một lần khi vào đất liền mua thực phẩm phục vụ những bữa ăn cho đồng nghiệp.
 
Dự án do đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, quản lý, xây dựng, thi công. Toàn bộ vật liệu xây dựng chính của dự án đều do Việt Nam tự sản xuất trong nước.
 
Thanh Mai