Thị trường chứng khoán quí I/2010 và triển vọng

Thứ ba, 13/4/2010 | 11:26 GMT+7
 Trong quí I/2010, TTCK Việt Nam tiếp tục trải qua những thăng trầm và chỉ thay đổi rất ít so với cuối năm 2009. Tại phiên giao dịch ngày 31/3/2010, TTCK Việt Nam có những diễn biến trái chiều.

Trên sàn giao dịch TP. Hồ Chí Minh, VN-Index đóng cửa ở mức 499,24 điểm (giảm 1,48 điểm so phiên trước và tăng 4,47 điểm so với phiên giao dịch ngày 31/12/2009) với 52.760.980 cổ phiếu được khớp lệnh, đạt giá trị giao dịch là 2.014,789 tỉ đồng.

Tại sàn Hà Nội, Hn-index giảm 3 phiên liên tiếp và đóng cửa tại mức 160,55 điểm, giảm 1,82 điểm so phiên trước và giảm 7,62 điểm so cuối năm 2009, khối lượng giao dịch đạt 22,46 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt 750,44 tỷ đồng.

Thị trường UpCom đóng cửa tại mức 44,92 điểm, giảm 1,06 điểm so phiên trước và giảm 8,90 điểm so cuối năm 2009, tổng khối lượng giao dịch đạt 472.952 cổ phiếu với giá trị giao dịch 6,9 tỷ đồng.

Diễn biến TTCK quí I/2010 phản ánh tình hình tương tự như những năm trước, đó là thời kỳ nghỉ ngơi kéo dài, các doanh nghiệp đang quyết toán năm 2009 và xây dựng kế hoạch cho năm 2010. Ngoài ra, TTCK quí I năm nay còn chịu tác động của những yếu tố khác.

Cụ thể là, ngoại trừ GDP quí I tăng 5,83% so cùng kỳ năm 2009, hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô khác đạt thấp, tổng thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 20% dự toán năm.

Giá đầu vào tăng, kim ngạch xuất khẩu giảm sút, làm tăng mức nhập siêu, ảnh hưởng đến cân đối ngoại tệ và dự trữ ngoại hối, trong khi tỉ giá hối đoái tương đối ổn định.

Lạm phát trong 3 tháng đầu năm đã lên tới 4,12% và áp lực lạm phát còn cao, trong khi chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2010 là 7 %. Lạm phát cao ảnh hưởng đến nhu cầu sức mua và hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp.

Hậu quả là, nhu cầu vay vốn đạt thấp với tổng tín dụng cho nền kinh tế trong quí I chỉ tăng 3,34%. Vì thế, TTCK Việt Nam nhìn chung là đứng yên nếu không nói là giảm so với cuối năm 2009, điều này trái ngược với xu thế vận động trên TTCK toàn cầu.

Tại Mỹ, tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư vẫn khá phổ biến khi chứng khoán Mỹ kết thúc quý I thành công nhất kể từ năm 1999 đến nay. So với ngày 31/12/2009, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã tăng được 4,1% và đã có lúc chạm tới mốc 11.000 điểm (lần đầu tiên kể trong vòng 18 tháng).

So với đáy 6.547,05 điểm thiết lập vào ngày 9/3 năm ngoái, chỉ số này đã tăng tới 65,8%. Trong khi đó S&P 500 và Nasdaq Composite cũng lần lượt tăng được 4,9% và 5,7% trong 3 tháng đầu năm 2010.

Bầu không khí lạc quan về triển vọng phục hồi của các nền kinh tế tiếp tục củng cố đà đi lên cho thị trường chứng khoán toàn cầu và tái lập đỉnh cao nhất trong 18 tháng qua.

Trong đó, chỉ số tổng hợp Eurozone DJ Stoxx 600 nhảy vọt 1,5%, lên mức 267,62 điểm, cao nhất kể từ tháng 9/2008. Chỉ số tổng hợp châu Á MSCI Asia Pacific đạt 126,4 điểm, tăng 11% giá trị so với mức thấp nhất trong hơn 2 tháng qua được thiết lập hôm 8/2/2010.

Trong thời gian tới, TTCK thế giới tiếp tục tăng do triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu, nhất là nền kinh tế Mỹ. Trong đó, giá USD tăng liên tiếp trong 7 tháng qua so với yên nhật và sản xuất công nghiệp tăng vững tại hầu hết các châu lục, ngoại trừ châu Phi, làm tăng thêm sự lạc quan về tốc độ phục hồi kinh tế.

Tỉ lệ thất nghiệp tháng 3/2010 tại Mỹ giảm so với kỳ vọng cũng làm tăng thêm động lực khi các nhà đầu tư nhận thấy triển vọng phục hồi tại các thị trường mới nổi cũng bắt nguồn từ các nước công nghiệp.

Giá dầu thô tăng cao nhất trong 18 tháng qua khi dữ liệu kinh tế đã thúc đẩy các quĩ tăng mua dầu ngay từ những ngày đầu của quí II/2010, giá hàng hóa tăng cao cũng hỗ trợ giá dầu và nguyên liệu đầu vào tại thị trường châu Âu và Bắc Mỹ.

Tại các thị trường mới nổi, giá hàng hóa và thị trường tài sản tăng mạnh, trong khi giá trái phiếu kho bạc Mỹ tăng chậm do các nhà đầu tư có xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào cổ phiếu và tài sản cho lợi nhuận cao hơn.

Tóm lại, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực của đà phục hồi kinh tế và TTCK toàn cầu, nhưng còn phụ thuộc vào tình hình trong nước.
Theo: Stox Plus