Thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm: Các tín hiệu thị trường sẽ bị sai lệch khi cung không đáp ứng cầu

Thứ năm, 20/9/2007 | 00:00 GMT+7

Thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm được vận hành từ 3/1/2007 với 8 nhà máy phát điện tham gia, gồm: Nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình, Bà Rịa; Thủy điện Thác Bà, Vĩnh Sơn-Sông Hinh, Thác Mơ và Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi. Ngày 20/9/2007, Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia và một số Công ty phát điện đã phân tích, đánh giá họat động thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm nhằm tiến tới thị trường phát điện cạnh tranh

                     

Theo đánh giá của Cục Điều tiết Điện lực, kể từ khi triển khai thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm cho đến nay, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc (Ao) đã dần hoàn thiện và cơ bản thực hiện đúng các quy định về công bố thông tin trên thị trường. Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần phải xem xét lại: Thời gian được chọn để bắt đầu triển khai vận hành thị trường là thời điểm hệ thống điện cung không đáp ứng cầu. Điều này được thể hiện qua trang web thị trường cho thấy giá biên của hệ thống thấp hơn giá biên thị trường và dự báo phụ tải tại nhiều giờ có sai số cao (sai lệch 4-6%), ảnh hưởng tới việc xác định giá biên thị trường.

Việc chào giá của tổ chào giá thay cũng tác động rất lớn đến vận hành thị trường. Hiện nay, Ao là đơn vị quyết định việc huy động hoặc không huy động phát điện tại các nhà máy nhưng lại cùng quyền lợi với EVN, điều này sẽ gây tâm lý không tốt cho các nhà máy điện ngoài EVN.

Cũng do thời điểm xuất phát vào giai đọan thiếu điện, nên trong thời gian qua, Ao nhiều lần phải tiến hành can thiệp điều chỉnh bản chào, lịch huy động giờ tới nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện. Việc can thiệp mang tính cấp bách nên thông tin về các biện pháp can thiệp này không được báo cáo đầy đủ theo Quy định thị trường. Đồng thời cũng đã có hiện tượng Ao tính toán lập lịch huy động có sự thay đổi giữa phương thức giờ và phương thức ngày, nhưng lại không hợp lý theo nguyên tắc xếp bản chào và các thay đổi về dự báo phụ tải.

Một trong những mục tiêu của thị trường điện là thúc đẩy các đơn vị phát điện thị trường chủ động trong việc lập kế hoạch sản xuất, tiết kiệm chi phí và thời gian sửa chữa bảo dưỡng. Song trong thời gian qua cho thấy, do xuất phát vào thời điểm thiếu điện nên tính cạnh tranh của thị trường thí điểm không được thể hiện rõ nét. Điều này được thể hiện trong thời gian qua khi mà hệ thống thiếu nguồn, đặc biệt trong các tháng mùa khô, các đơn vị phát điện thị trường thường chắc chắn được huy động tối đa mà không phụ thuộc vào mức giá chào. Bằng chứng là phần lớn thời gian (khoảng 65%) thị trường vận hành với mức gia trần là 742đ/kWh, đồng nghĩa với việc các nguồn thị trường được huy động 100%. Với sự khởi đầu như vậy sẽ ảnh hưởng tới tư duy và phong cách làm việc sau thị khi chính thức bước vào giai đọan phát điện cạnh tranh. Điều này cũng đã được thể hiện ngay trong thời gian thí điểm, khi mà ở những thời điểm không có hiện tượng thiếu nguồn, các nhà máy điện thị trường cũng không có chiến lược chào giá mang tính cạnh tranh. Nhìn chung, hiện nay, hầu hết các đơn vị phát điện thị trường chỉ chào giá theo hướng đảm bảo khả năng được huy động nhằm thực hiện biểu đồ do EVN giao. Chỉ riêng Cty Nhiệt điện Phả Lại là đơn vị có chiến lược tương đối rõ ràng.

Hiện nay, các đơn vị phát điện gián tiếp (ngoài 8 đơn vị phát điện trên) được Tổ mua bán điện chào giá thay. Do tổng công suất các đơn vị gián tiếp lớn (chiếm khoảng 75% tổng công suất hệ thống), đồng thời lại chưa có quy định cụ thể về phương pháp chào giá thay, điều này cũng tạo ra khả năng chi phối thị trường của EVN, ảnh hưởng tới việc huy động các đơn vị phát điện thị trường, làm giảm tính cạnh tranh.

Trong thời gian qua, nhu cầu tiêu thụ điện tương đối cao (khoảng 15%), trong khi đó, nhiều nguồn mới chậm tiến độ, một số nguồn lớn bị sự cố hoặc bảo dưỡng (Phả Lại, Phú Mỹ…) đã ảnh hưởng tới cân bằng cung cầu. Trong các tháng mùa khô, hệ thống vận hành trong tình trạng gần như không có công suất dự phòng hoặc nếu có cũng rất thấp. Đương nhiên trong trường hợp như vậy, để đảm bảo an ninh hệ thống, Ao phải tiến hành sa thải phụ tải vào các giờ cao điểm, huy động các nguồn điện chạy dầu giá thành cao và một số các biện pháp can thiệp khác…Song trên thực tế, các biện pháp can thiệp của Ao đã gây ảnh hưởng đến vận hành thị trường  khi không tuân thủ các thủ tục minh bạch và công bố các thông tin liên quan theo quy định.

Trên cơ sở phân tích đánh gía về vận hành thị trường thí điểm trong thời gian qua cho thấy, ngòai việc cần ban hành và bổ sung sửa đổi các quy định phục vụ vận hành thị trường điện; nghiên cứu vấn đề tham gia thị trường điện đối với Nhiệt điện Bà Rịa khi nguồn cung cấp khí cho sản xuất điện không ổn định và dự kiến được; hòan thiện trang web và cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định; hòan thiện hạ tầng cơ sở phục vụ thị trường điện…thì có nên xem xét lại thời điểm triển khai thị trường phát điện cạnh tranh chính thức trong điều kiện cung không đáp ứng cầu./

Thanh Mai