Sự kiện

Thị trường thiết bị điện : Cánh cửa trên “sân nhà” sẽ rộng mở?

Thứ sáu, 20/2/2009 | 09:42 GMT+7
Với một thực tại còn nhiều khó khăn, ngành thiết bị điện Việt Nam đang cần một lối đi phù hợp để có thể tận dụng cơ hội tăng trưởng nhu cầu thiết bị điện trong những năm tới.
 

Nếu không tích cực đầu tư, đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp thiết bị điện Việt Nam sẽ đánh mất thị trường nội địa.

Theo thống kê của Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp – Bộ Công thương: Ðể đáp ứng tốc độ phát triển điện năng trung bình khoảng 15%/năm, trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, vốn đầu tư cho ngành công nghiệp thiết bị điện (TBÐ) đã tăng 25%/năm. Số doanh nghiệp quốc doanh và tư nhân tham gia vào lĩnh vực này cũng ngày một tăng mạnh, đã có những bứt phá nhất định trong việc cung cấp thiết bị và công nghệ mới cho sản xuất, tiêu dùng. Tuy nhiên năng lực quản lý, vốn đầu tư, công nghệ, phương thức thâm nhập thị trường của các doanh nghiệp TBÐ Việt Nam vẫn còn hạn chế, khiến cho nhiều sản phẩm TBÐ nội địa bị yếu thế ngay trên sân nhà. Mặt khác, những vấn đề ở tầm vĩ mô mà cụ thể là một quy hoạch phát triển ngành TBÐ quốc gia đến thời điểm này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện để trình Chính phủ phê duyệt. Công tác hỗ trợ thông tin, quảng bá sản phẩm, định hướng đầu tư, tư vấn công nghệ… cho các doanh nghiệp từ các cơ quan xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành nghề chưa thực sự được chú ý đúng mức.

Doanh nghiệp yếu nhiều bề

Theo bà Lê Thị Hồng Hải, Trưởng phòng Năng lượng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách  công nghiệp – Bộ Công Thương: Ða số các doanh nghiệp sản xuất TBÐ nội địa có quy mô nhỏ (dưới 50 công nhân) và siêu nhỏ (dưới 9 công nhân). Quy mô vốn đầu tư và năng lực quản lý cũng hạn chế ở cả khối doanh nghiệp quốc doanh và dân doanh. Ðối với khối doanh nghiệp quốc doanh, vẫn tồn tại nhược điểm của mô hình quản lý dưới thời bao cấp là không đồng bộ, mất cân đối trong tổ chức sản xuất, dẫn đến sự chồng chéo về sản phẩm, tính cạnh tranh yếu. Cùng với những đổi mới trong cơ chế chính sách, tiến trình cổ phần hóa đã được đẩy mạnh, tuy nhiên vấn đề lao động dôi dư và cơ chế quản trị doanh nghiệp thì không phải ngày một ngày hai mà thay đổi được. Ðối với khối doanh nghiệp dân doanh (chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ), mô hình quản lý năng động hơn nhưng lại bị hạn chế bởi quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, trình độ quản lý chưa bắt nhập được với xu thế cạnh tranh hiện tại. Ðây cũng là một trong những hạn chế chung đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hiện nay ở Việt Nam. Và nếu đặt lên bàn cân so sánh, thì rõ ràng khối doanh nghiệp thiết bị điện có vốn đầu tư nước ngoài có ưu thế hơn hẳn về mặt quản lý cũng như cơ sở vật chất và điều kiện nắm bắt cơ hội kinh doanh.

Theo đánh giá của các sở công nghiệp Hải Phòng, Ðồng Nai... các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư cho thiết bị công nghệ hiện đại không nhiều và cũng chỉ tập trung ở một số công đoạn trọng yếu chưa tạo ra sự đồng bộ trong dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp. Các đơn vị sản xuất TBÐ thường “độc lập thái quá” trong các dự án đầu tư, ít quan tâm đến chuyên môn hóa, hợp tác sâu, bởi quan niệm tổ chức sản xuất khép kín trong doanh nghiệp mình là tối ưu và không tin tưởng các đối tác. Ngay trong quá trình sản xuất các sản phẩm, một số công đoạn phụ trợ phổ thông các doanh nghiệp cũng cố gắng tự bố trí, không thuê hoặc hợp tác với các đối tác. Do đó, giữa các doanh nghiệp chưa tạo được sự phối kết hợp, phân công để có thể khai thác phát huy thế mạnh của nhau nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, tiết kiệm chi phí quản lý, mặt bằng sản xuất.

Một yếu tố nữa cũng phải đề cập trong hoạt động của các doanh nghiệp TBÐ Việt Nam là chất lượng lao động chưa cao. Ðội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý còn mỏng, kiến thức được đào tạo cách xa với thực tế. Cán bộ KHKT các chuyên ngành trọng yếu như chế tạo máy, khí cụ điện, điện áp cao hay thiết bị tự động hóa rất thiếu. Số lượng công nhân được đào tạo nghề một cách bài bản cũng thấp. Tất cả những yếu tố trên đây khiến cho các sản phẩm thiết bị điện của Việt Nam thiếu sức cạnh tranh, khó thắng thầu quốc tế ngay trên “sân nhà”.

“Vĩ mô” còn bất cập

Cũng theo đánh giá của Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp – Bộ Công Thương, mặc dù Việt Nam đã có Chiến lược phát triển cơ khí toàn quốc, nhưng đến nay Nhà nước vẫn chưa có quy hoạch phát triển ngành TBÐ quốc gia. Ðiều này khiến cho định hướng đầu tư, hỗ trợ phát triển ngành TBÐ chưa thực sự hiệu quả.

Công tác nghiên cứu phát triển ngành TBÐ nói riêng và cơ khí nói chung đã được triển khai ở một số viện, trung tâm, trường, nhưng chưa phát huy tác dụng. Nguyên nhân một phần do trang thiết bị, kỹ thuật của các trung tâm nghiên cứu này đã lạc hậu, không đáp ứng được công việc nghiên cứu phát triển, chưa gắn kết được công tác nghiên cứu thực tế sản xuất.

Nguyên liệu cung cấp cho sản xuất toàn ngành như kim loại màu, thép kỹ thuật, vật liệu cách điện hầu hết đều phải nhập ngoại. Trong khi đó nguyên liệu lại chiếm đến trên 60% giá thành sản phẩm. Ðiều này khiến cho doanh nghiệp TBÐ Việt Nam mất chủ động trong việc lập kế hoạch kinh doanh do giá thành phụ thuộc quá nhiều vào biến động giá cả nguyên liệu, tỷ giá hối đoái.

Ðặc biệt, ngành TBÐ của Việt Nam hiện đang thiếu hẳn một hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đồng bộ, thống nhất có hiệu lực pháp lý, thiếu hoặc không có các thiết bị kiểm nghiệm cần thiết, nhất là các thiết bị cao áp. Công tác quản lý chất lượng chưa được quan tâm đúng mức. Việc đang tồn tại nhiều tiêu chuẩn GOST, IEC, DIN… hoặc tiêu chuẩn riêng của đơn vị tự đăng ký đã gây khó khăn trong việc quản lý chất lượng trên thị trường. Các sản phẩm không đảm bảo chất lượng vẫn tồn tại và được tiêu thụ, gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, cá nhân người tiêu dùng và nảy sinh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường TBÐ.

Cần một “lối đi” thích hợp

Rõ ràng với một thực tại còn nhiều khó khăn, ngành TBÐ Việt Nam đang cần một lối đi phù hợp để có thể tận dụng cơ hội tăng trưởng nhu cầu thiết bị điện trong những năm tới. Theo bà Hải, trước hết, cần phải có quy hoạch phát triển ngành để Nhà nước và các cơ quan hữu quan có điều kiện hỗ trợ ngành một cách tập trung và toàn diện hơn. Cũng như giúp định hướng cho các doanh nghiệp TBÐ trong đầu tư, sản xuất và kinh doanh.

Ðể phát triển sản xuất trong cơ chế thị trường, không có con đường nào khác là phải chấp nhận cạnh tranh, vì vậy các doanh nghiệp cần quan tâm phát triển tổng hợp các nguồn lực, đặc biệt là chất lượng và sự ổn định của nguồn nhân lực. Thu hút vốn đầu tư sẽ thuận lợi hơn khi doanh nghiệp xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, cùng chiến lược sản phẩm đúng đắn, phù hợp nhu cầu thị trường, có tiềm năng thu lợi nhuận cao. Ðể nâng cao hiệu quả đầu tư, doanh nghiệp cũng cần bố trí vốn đầu tư một cách hợp lý trong: Ðổi mới công nghệ sản xuất, quản lý, nghiên cứu thị trường, quản lý chất lượng, tiếp thị, quảng bá sản phẩm, chăm sóc sau bán hàng… Các đơn vị cần chọn lựa đúng các khâu then chốt để đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm như tự động hóa gia công một số chi tiết chủ chốt, mua sắm thiết bị kiểm định tương ứng tiêu chuẩn thầu (đặc biệt là tiêu chuẩn an toàn, tiết kiệm điện năng). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên đẩy mạnh triển khai ứng dụng các công nghệ mới, an toàn và thân thiện với môi trường, tập trung phát triển thiết bị phục vụ năng lượng tái tạo (những lĩnh vực này đang và sẽ được Nhà nước khuyến khích hỗ trợ trong tương lai). Doanh nghiệp TBÐ cũng cần khẩn trương đổi mới tư duy cục bộ, tích cực hợp tác, không chỉ với các đối tác trong nước mà cả các đối tác nước ngoài, thông qua các hiệp hội để liên kết các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực.

Ngành TBÐ và cơ khí nói chung, đòi hỏi đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm, nhưng là lĩnh vực nền tảng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, do đó Nhà nước cần có cơ chế thích hợp, chủ trì và trực tiếp tham gia đầu tư xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, kiểm định chất lượng và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nghiên cứu phát triển công nghệ, sản phẩm trọng điểm, đẩy mạnh quản lý thị trường để đảm bảo cơ chế cạnh tranh lành mạnh. Với con đường thích hợp, chắc chắn “cánh cửa” thâm nhập thị trường TBÐ trên chính “sân nhà” của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ rộng mở hơn. 

Theo Tạp chí Điện lực